Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh
26/12/2022
Trong văn kiện các kỳ Đại hội XI, XII, XIII, Đảng ta luôn nhấn mạnh và khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của công tác xây dựng Đảng, xem xây dựng Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt của sự nghiệp phát triển đất nước. Riêng Đại hội XIII, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn trong tình hình mới về xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, Đảng ta đã đưa phạm trù về công tác cán bộ trở thành một mục tiêu quan trọng, cơ bản trong công tác xây dựng Đảng, văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định "phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ", trong đó, cán bộ được xác định là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI yêu cầu “Xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực và uy tín, đáp ứng nhiệm vụ đề ra” .
Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh tổ chức
Năm 2023, với tinh thần “Dân chủ - Kỷ cương - Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển” theo Nghị quyết của Tỉnh uỷ, tỉnh Bến Tre chọn chủ đề trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo dức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới”, đạy cũng là yêu cầu nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết của các cấp, các ngành, là một trong những giải pháp cơ bản góp phần thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới công tác cán bộ và huấn luyện cán bộ của Ðảng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là một bộ phận cấu thành hệ thống tư tưởng của Người, có giá trị lịch sử và thực tiễn vô cùng sâu sắc; trở thành kim chỉ nam cho Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng ở mỗi giai đoạn và thời kỳ cách mạng. “Cán bộ là gốc của công việc”, mọi quyết sách của Đảng đều phụ thuộc vào yếu tố con người, việc thành hay bại là ở cán bộ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, có năng lực lãnh đạo, biết tổ chức quần chúng thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng của nước ta, đi đến mục tiêu đã chọn. Người nói: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người viết: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Như vậy công tác cán bộ của Ðảng có ý nghĩa quyết định tới sự thành bại của cách mạng Việt Nam. Trong các bài nói hoặc bài viết về công tác cán bộ của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường quan tâm đến các vấn đề hết sức cốt lõi và mang tính nguyên tắc và rất toàn diện như: Lựa chọn, huấn luyện - đào tạo, đánh giá, bố trí sử dụng, quản lý và chính sách cán bộ. Cụ thể:
Thứ nhất, về lựa chọn cán bộ. Đây là khâu đầu tiên và cực kỳ quan trọng trong tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao nhất cho cách mạng. Lựa chọn cán bộ là nhằm tìm kiếm, phát hiện để bố trí, sử dụng những cán bộ có đức, có tài, có tâm huyết cống hiến cho Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Khâu chọn giống, nếu giống tốt ắt cây sẽ tốt”; đồng thời, Người đã đưa ra các tiêu chí để lựa chọn cán bộ: Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh. Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết việc dân chúng. Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: “Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn. Những người luôn giữ đúng kỷ luật”.
Lựa chọn phải bảo đảm theo phương châm “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa” (lấy chất lượng mà không chạy theo số lượng). Thà ít mà tốt, việc lựa chọn đội ngũ cán bộ cốt cán cần phải được thực hiện cẩn trọng, kỹ lưỡng, cán bộ được lựa chọn phải là hạt nhân trong các phong trào học tập, công tác, chiến đấu và lao động sản xuất.
Thứ hai, về huấn luyện cán bộ, Hồ Chí Minh luôn khẳng định công tác chăm lo huấn luyện cán bộ là việc có tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người dân vẫn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ”. Đồng thời, Người yêu cầu phải coi “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Huấn luyện, đào tạo cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ, nghề nghiệp, theo tinh thần làm việc gì học việc ấy; huấn luyện chính trị; huấn luyện văn hoá, khoa học, kỹ thuật; huấn luyện toàn diện,… Người chỉ rõ, huấn luyện phải thiết thực và chu đáo, nghĩa là phải nắm được nhu cầu để huấn luyện. Không được làm hình thức, làm nhiều mà không thiết thực. Người cũng căn dặn mở lớp nào ra lớp đó, chọn người dạy và học cho đúng, không nên tùy tiện lung tung. Phải xem xét, nghiên cứu mục đích huấn luyện ai, ai huấn luyện, huấn luyện như thế nào, phải kiểm tra ra sao và bài học cần phải áp dụng là gì,… Người cũng chỉ ra những khuyết điểm trong huấn luyện cán bộ, như lý luận và thực tế không ăn khớp, tư duy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, huấn luyện nhiều mà hiệu quả ít.
Huấn luyện cán bộ là công việc thường xuyên, công phu, lâu dài, cần phải kiên trì và bền bỉ mới có kết quả tốt. Bởi vì: “Không phải vài ba tháng hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt...cần phải công tác, đấu tranh, huấn luyện lâu năm mới được”. Bản thân Người là một tấm gương mẫu mực trong huấn luyện, đào tạo cán bộ.
Thứ ba, về đánh giá cán bộ, theo Người là phải tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, phải đánh giá khách quan và toàn diện. Đánh giá cán bộ là cách xem xét một con người, là vấn đề mang tính khoa học và nghệ thuật, lãnh đạo cấp trên phải có cái nhìn toàn diện, bao quát, tổng thể về quá trình rèn luyện, phấn đấu của từng cán bộ. Người cho rằng, muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa chữa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng. Người nhấn mạnh, cách xem xét cán bộ quyết không nên chấp nhất. Một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm?
Đ/c Võ Văn Kiệt, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh trao giải Nhất Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cho thí sinh Lê Huyền Trang, Đảng bộ Công ty Điện lực Bến Tre
Đánh giá, nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ, tránh việc đánh giá chủ quan, cảm tính cũng như hình thức, qua loa, nể nang. Đặc biệt là đánh giá cán bộ phải chú trọng đến phẩm chất đạo đức. Người chỉ rõ: “Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt”. Ngược lại, “Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”. Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ. Theo Người, việc đánh giá cán bộ cần phải dựa vào Nhân dân, phát huy dân chủ và nắm bắt được dư luận xã hội mới bảo đảm thực chất và hiệu quả.
Thứ tư, về quản lý, bố trí và sử dụng cán bộ. Điểm nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý cán bộ là phải thực hiện tốt chế độ phê bình, tự phê bình; chế độ khen thưởng và kỷ luật. Người xem nó như là một nguyên tắc không thể thiếu trong công tác cán bộ, mà buộc những người làm công tác cán bộ phải luôn thực hiện. Muốn quản lý tốt cán bộ, cần phải tiến hành tốt công tác kiểm tra, cần phải có có sự tham gia giám sát của Nhân dân, phải tiến hành đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ. Trong bố trí, sử dụng cán bộ, Người khẳng định “dụng nhân như dụng mộc”, dùng người nào thì phải phù hợp với việc đó. Cán bộ lãnh đạo phải có gan cất nhắc cán bộ cho đúng, khéo dùng cán bộ. Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gũi những người mình không ưa; phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ; phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt.
Việc sử dụng, bố trí cán bộ phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, giữa cán bộ trẻ, cán bộ mới với cán bộ lâu năm; phải chú ý tạo nguồn cán bộ kế cận, phải bồi dưỡng cán bộ cách mạng cho đời sau, tránh việc sử dụng cán bộ “như vắt chanh bỏ vỏ”. Sử dụng cán bộ là mắt khâu có ý nghĩa quyết định đến quyền lợi chính trị của cán bộ và hiệu quả công việc, vì vậy cần thận trọng, tránh chủ quan để không mắc sai lầm. Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra những sai lầm mà Người gọi là “những chứng bệnh”, trong đó phổ biến là căn bệnh cục bộ, địa phương, hẹp hòi, dùng người cơ hội, a dua, xu nịnh, xuôi chiều với mình.
Thứ năm, về chính sách cán bộ, theo người cần phải thưởng phạt kịp thời, phải yêu thương cán bộ nhưng yêu thương không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc mà thương yêu là để giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn. Luôn quan tâm đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Khi thấy khuyết điểm thì giúp họ sửa chữa ngay, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi. Phải quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của cán bộ, để có chính sách đúng đắn, phù hợp để động viên, khích lệ cán bộ.
Một trong những điểm lớn trong chính sách cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phê bình cán bộ mắc sai lầm. Theo Hồ Chí Minh, người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm là vì không hiểu, không biết. Chính vì vậy, người lãnh đạo cần phải dùng thái độ thân thiết, giúp cán bộ mắc sai lầm, khuyết điểm tìm ra nguyên nhân, cách khắc phục, làm cho cán bộ vui lòng sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Do đó, đòi hỏi người lãnh đạo phải phê bình cho đúng. Sửa đổi sai lầm, khuyết điểm là trách nhiệm của cán bộ, nhưng một phần cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Sửa chữa sai lầm cần dùng cách giải thích, thuyết phục, cảm hoá, dạy bảo, nhưng không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng. Vậy nên, cần phải phân tách rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng.
Từ thực tiễn của đất nước sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, Đảng bộ tỉnh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong đó có bài học về công tác cán bộ: “Nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm phục vụ, tư tưởng tiến công của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng nâng mức hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn”. Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng hiện nay, để triển khai có hiệu quả công tác cán bộ, cần nghiên cứu vận dụng một cách khoa học, sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, trong đó chú trọng một số nội dung sau:
Một là, trong tuyển chọn cán bộ, cần quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện và thu hút người tài của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, khâu tuyển chọn phải được “sàng lọc”, thực hiện qua nhiều bước, nhiều nguồn, có phương pháp, cách làm khoa học. Trước tiên, cần phải tìm nguồn, phát hiện nguồn cán bộ từ sớm, từ xa, từ cơ sở thông qua kết quả hoạt động thực tiễn của cán bộ, thông qua việc đánh giá chất lượng hiệu quả công tác của cán bộ để tìm những hạt nhân ưu tú nhất để tạo nguồn. Việc phát hiện nguồn cán bộ còn dựa trên kinh nghiệm, sự giới thiệu của cán bộ lãnh đạo, quản lý; sự giới thiệu của cấp ủy, tổ chức Đảng; từ sự đóng góp của Nhân dân, đặc biệt là phải dựa vào dân, trọng dân, gần dân để tìm nguồn cán bộ thực sự có đức có tài. Ngoài ra, việc tuyển chọn cán bộ còn phải xem xét từ các cơ sở đào tạo cán bộ, qua đó tiếp tục sàng lọc đưa đi tạo nguồn, bồi dưỡng quy hoạch tiếp cho các nhiệm kỳ tiếp theo.
Hai là, làm tốt công tác quy hoạch nguồn cán bộ. Trên cơ sở tuyển chọn những cán bộ ưu tú, có đức, có tài tiến hành xây dựng và đưa vào nguồn quy hoạch. Trong việc quy hoạch cán bộ nguồn phải tổ chức phân loại cụ thể những cán bộ có phẩm chất, trình độ năng lực về lãnh đạo, quản lý; những cán bộ có phẩm chất, trình độ năng lực về chuyên môn, khoa học, để từ đó có hướng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cho hiệu quả trên từng lĩnh vực cụ thể gắn với sở trường năng khiếu của từng cán bộ; tuyệt đối tránh việc xếp nhầm chỗ, lệch về chuyên môn trong quy hoạch.
Ba là, tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách về công tác cán bộ. Phải hoàn thiện cơ chế thu hút, phát hiện nguồn nhân lực. Tập trung vào những cán bộ thực sự có năng lực thông qua hiệu quả hoạt động thực hiện nhiệm vụ. Tiến hành thường xuyên hoặc định kỳ tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chủ trương trẻ hóa đội ngũ cán bộ, qua đó khẳng định tính đúng đắn và rút ra những kinh nghiệm từ thành công và hạn chế của quá trình triển khai. Xây dựng, hoàn thiện bộ khung tiêu chí và lấy yêu cầu về cơ cấu nguồn cán bộ làm cơ sở để phát hiện, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, từ đó sàng lọc đưa vào quy hoạch, ưu tiên đọi ngũ cán bộ Đoàn tiêu biểu, trưởng thành trong hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Từng bước đưa hình thức tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo đối với đội ngũ cán bộ, qua đó làm tiền đề để những cán bộ thực sự có trình độ, năng lực được thể hiện mình.
Bốn là, trong sử dụng và luân chuyển cán bộ. Cán bộ, nhất là cán bộ trẻ phải có quá trình thử thách, rèn luyện qua thực tiễn cách mạng để trên cơ sở đó đánh giá đúng năng lực và phẩm chất đạo đức của họ. Thời gian qua, tỉnh đã tiến hành công tác luân chuyển, bố trí cán bộ nguồn, cán bộ trẻ, cán bộ nữ về cơ sở, về các địa bàn khó khăn, trọng yếu để rèn luyện thử thách. Tuy nhiên thời gian đi luân chuyển thực tế còn ngắn, chưa đủ dài để cán bộ thực sự bộc lộ và phát huy hết phẩm chất, trình độ năng lực của bản thân. Trên cơ sở đó, cần phải kéo dài thời gian luân chuyển, bố trí cán bộ ít nhất là trọn một nhiệm kỳ. Khi bố trí, luân chuyển phải xem xét toàn diện, nhiều mặt, dựa trên trình độ, năng lực, sở trường chuyên môn của cán bộ để tiến hành bố trí, luân chuyển.
Cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về công tác đào tạo, đề cử người lãnh đạo kế cận; cấp ủy, tổ chức đảng ở các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chính sách cán bộ, chú trọng đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ, bảo đảm sự hài hòa, tính kế thừa, phát triển và có sự giao thoa giữa các lớp cán bộ; chú trọng tạo nguồn cán bộ kế cận, nguồn kế tiếp, tổ chức thường xuyền các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức để cán bộ các cấp đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trước khi đề bạt, bổ nhiệm và quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về công tác cán bộ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Do đó, phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn hiện nay, góp phần “Xây dựng Bến Tre phát triển nhanh, bền vững, sánh vai với các tỉnh trong khu vực và cả nước” trong thời gian tới.
Trần Văn Phương