Bến Tre: Đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở

13/11/2024

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở; đặc biệt là qua 01 năm tổ chức triển khai, thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo Kế hoạch số 4005-KH/UBND, ngày 05/7/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đạt mhiều kết quả; qua đó phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.

Đ/c Bùi Văn Bia, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm

“Giải pháp đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở” (ảnh: Nguyễn Hiếu)

Thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở thời gian qua

Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC và phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp thể hiện tốt tinh thần trách nhiệm, tham mưu với cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát. Từ đó, đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức CT-XH, hội quần chúng; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân, tạo sự đồng thuận, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tiến bộ. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở nhiều nơi hoạt động khá hiệu quả, phát huy được dân chủ trực tiếp của Nhân dân tại địa bàn dân cư. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT- XH đạt nhiều kết quả, một số nơi đã tổ chức được các hoạt động phản biện xã hội ở cấp huyện và cơ sở.

Nhân dân tham gia tích cực hơn vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền. Quyền làm chủ của nhân dân, các hình thức dân chủ đại diện được phát huy; dân chủ trực tiếp được mở rộng; phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó tạo thêm động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương, các ngành; rõ nhất là trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng ở xã, phường, thị trấn, xây dựng nếp sống văn hoá, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; tạo khí thế phấn khởi, khích lệ các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Một số khó khăn, hạn chế trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhất là của người đứng đầu chưa quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo trong Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản có liên quan về thực hiện QCDC ở cơ sở, chưa gắn QCDC với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của địa phương, cơ quan, đơn vị. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở việc triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; chưa xác định được các công việc theo nội dung Kế hoạch số 4005-KH/UBND đã ban hành. Công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, các ngành trong thực hiện một số nhiệm vụ, công việc liên quan đến dân còn thiếu sự đồng bộ. Văn hóa và ý thức dân chủ của một số người dân chưa cao, còn lợi dụng dân chủ để tụ tập kéo đi khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự. Việc thể chế hóa các quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở còn chậm nên ảnh hưởng nhất định đến quá trình triển khai, thực hiện. Việc tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 59/2023/NĐ-CP của Chính phủ cho cán bộ Mặt trận các cấp và thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn chậm.

Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế. Khâu “Dân kiểm tra, dân giám sát” là khâu hạn chế nhất, cụ thể: hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng còn nhiều lúng túng, nội dung hoạt động còn chung chung, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trình độ, năng lực của thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng còn hạn chế, thiếu am hiểu chuyên môn trên lĩnh vực giám sát. Hoạt động Ban thanh tra nhân dân ở các cơ quan còn hình thức, chưa phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của ban thanh tra nhân dân trong kiểm tra, giám sát các hoạt động của cơ quan. Vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân lợi dụng dân chủ để yêu cầu, đòi hỏi không chính đáng, không đúng pháp luật, tham gia khiếu kiện đông người, làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật,...

Hội nghị tọa đàm “Giải pháp đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở” (ảnh: Nguyễn Hiếu)

Một số nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần đảm bảo và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đồng chí Bùi Văn Bia, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ và phong trào thi đua “Dân vận khéo” đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ, coi đây là một khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nơi thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã, đang và sẽ góp phần khơi dậy, phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo và nguồn lực to lớn của Nhân dân trong việc tham gia bàn bạc những công việc của địa phương; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Đi đôi với phát huy, mở rộng dân chủ, phải chú trọng giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân; kiên quyết phê phán, lên án, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ, coi thường kỷ cương phép nước, làm mất an ninh, trật tự ở cơ sở, làm hại đến lợi ích của Nhân dân. 

Chỉ đạo thực hiện đầy đủ, sâu sắc các văn bản của Đảng, Nhà nước, các quy chế, quy định về các loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở đã ban hành, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Tiếp tục phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, tham gia vào quản lý nhà nước và quản lý xã hội, để thực hiện dân chủ ở cơ sở trở thành mục tiêu và động lực phát triển.

Hai là, tiếp tục triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đúng theo Quyết định số 346/QĐ-TTg, ngày 06/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 4005/KH-UBND, ngày 05/7/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND, ngày 12/7/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Kế hoạch số 6632/KH/UBND, ngày 07/10/2024 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND, ngày 12/7/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bến Tre; nhất là Công văn số 5052-CV/TU, ngày 26/6/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở”; từng cơ quan được giao trách nhiệm phải chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ để đưa Luật sớm đi vào cuộc sống, tạo sự liên tục, đồng bộ trong quá trình thực hành và phát huy dân chủ ở cơ sở.

Hiện nay, tỉnh đang triển khai nhiều chủ trương, định hướng phát triển mang tính đột phá, sáng tạo và rất mới mẻ, với khát vọng sớm đưa Bến Tre bứt phá đi lên, và tất nhiên sẽ có nhiều thách thức, khó khăn. Do vậy, hơn lúc nào hết, phải phát huy thật tốt vai trò chủ thể trong tham gia, hưởng ứng và tích cực thực hiện của các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà, do vậy, việc thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở là phương pháp, hình thức dân vận quan trọng, nếu không nói là mang tính quyết định đến việc tập hợp, huy động sức mạnh, nguồn lực to lớn trong dân để triển khai các nhiệm vụ đó.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận của chính quyền, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, trong mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi để Nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các điểm nóng, vụ việc phức tạp, kéo dài. Nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân; tăng cường đánh giá sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức.

Thực hiện tốt dân chủ trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp; tiếp tục chỉ đạo chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc, công tác, quan hệ với Nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong thực thi công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ việc chuyển đổi số, cung ứng dịch vụ công mức độ 4, triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp.

Bốn là, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp cơ sở đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Năm là, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp, gắn với trách nhiệm của từng cá nhân được phân công phụ trách địa phương và các lĩnh vực; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở các loại hình, quan tâm những ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân,...

Việc đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở để người dân thật sự là chủ thể của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, MTTQ Viêt Nam, các tổ chức CT - XH, lực lượng vũ trang, sẽ đưa việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày càng đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả, không ngừng phát huy dân chủ, khơi dậy tiềm năng, sức mạnh của Nhân dân, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 

 

Nguyễn Hiếu (BDV Tỉnh ủy)