Triển khai Đề án “Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm”

26/04/2025

Ngày 21/4/2025, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 2695/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm”, đây là nội dung triển khai thực hiện Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 20/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm”.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch số 2695/KH-UBND nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của người cao tuổi; nhận thức, khát vọng của cán bộ, hội viên, người cao tuổi về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với việc người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm trong giai đoạn phát triển mới. Phát huy tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm của người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng đóng góp quan trọng của người cao tuổi thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm; nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần; tiếp tục nêu gương sáng, giáo dục thế hệ trẻ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu cụ thể từng giai đoạn gắn với các chỉ tiêu, giai đoạn 2025-2030, gồm: Phấn đấu 90% cán bộ, hội viên, người cao tuổi được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm; Phấn đấu 50% người cao tuổi thành thạo các kỹ năng số cơ bản, bao gồm: dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng và sử dụng các nền tảng số khác; Số lượng cây xanh người cao tuổi tham gia trồng tối thiểu là 01 cây/người/năm; có ít nhất 05 mô hình của người cao tuổi về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, 03 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn; Ít nhất 100 người cao tuổi được hỗ trợ khởi nghiệp, 100 mô hình người cao tuổi khởi nghiệp; Ít nhất từ 102.000 - 105.000 người có việc làm thông qua các mô hình người cao tuổi khởi nghiệp. Đối với giai đoạn đến 2035: Phấn đấu 100% cán bộ, hội viên, người cao tuổi được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm; Phấn đấu 70% người cao tuổi thành thạo các kỹ năng số cơ bản, bao gồm: dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng và sử dụng các nền tảng số khác; Số lượng cây xanh người cao tuổi tham gia trồng tối thiểu là 01 cây/người/năm; có ít nhất 10 mô hình của người cao tuổi về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, 05 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn; Ít nhất 200 người cao tuổi được hỗ trợ khởi nghiệp, 100 mô hình người cao tuổi khởi nghiệp; Ít nhất từ 106.000-110.000 người có việc làm thông qua các mô hình người cao tuổi khởi nghiệp.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Kế hoạch số 2695/KH-UBND đề ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện.

Thứ nhất, truyền thông nâng cao nhận thức của người cao tuổi về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm; vai trò, vị thế đóng góp của người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm vì sự phát triển bền vững. Tổ chức hoạt động truyền thông, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm cho cán bộ, hội viên, người cao tuổi. Tổ chức diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm giúp cán bộ hội và hội viên người cao tuổi hình thành ý tưởng, quyết tâm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm. Tổ chức đối thoại giữa cán bộ hội, hội viên, người cao tuổi với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và các ngành có liên quan để thúc đẩy việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, địa phương đối với việc hỗ trợ người cao tuổi trong khởi nghiệp, lập nghiệp để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Tổ chức thực hiện tốt “Ngày Hội người cao tuổi trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” hằng năm. Tổ chức giao lưu giữa các doanh nhân người cao tuổi tiêu biểu có tinh thần dân tộc, trách nhiệm xã hội và tình cảm với cán bộ hội, hội viên nhằm chia sẻ kinh nghiệm về khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp, hình thành tư duy, có hướng đi đúng đắn, hạn chế rủi ro và tránh được những sai lầm trong quá trình khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ hai, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ triển khai Đề án và cán bộ, hội viên, người cao tuổi về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề về khởi nghiệp, những kiến thức cần thiết về khởi nghiệp; hỗ trợ, trang bị các kỹ năng, kiến thức tổ chức sản xuất, kinh doanh và điều hành doanh nghiệp cho các chủ doanh nghiệp là người cao tuổi. Phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; hạch toán kinh doanh, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, quảng bá và giới thiệu sản phẩm cho người cao tuổi. Đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia triển khai Đề án về kiến thức, kỹ năng, phương pháp hỗ trợ người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm.

Thứ ba, xây dựng thí điểm mô hình về người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm. Xây dựng mô hình người cao tuổi tham gia chuyển đổi số trong lao động sản xuất, quản lý, phát triển xã hội và trong các hoạt động Hội Người cao tuổi. Xây dựng và hỗ trợ các điều kiện để xây dựng mô hình người cao tuổi tham gia chuyển đổi xanh trong lao động - sản xuất, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp; hỗ trợ các điều kiện để xây dựng mô hình hộ gia đình trồng cây xanh và bảo vệ môi trường. Xây dựng mô hình người cao tuổi tham gia khởi nghiệp và tạo việc làm: rà soát, đánh giá, lựa chọn, củng cố, nâng cao chất lượng và hỗ trợ nguồn lực tạo điều kiện để duy trì, nhân rộng mô hình phù hợp hiện có và xây dựng mô hình mới tại cộng đồng.

Thứ tư, nghiên cứu khoa học và đề xuất chính sách hỗ trợ người cao tuổi. Nghiên cứu đánh giá thực trạng, tổ chức tọa đàm, hội thảo đề xuất chính sách hỗ trợ người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm. Tổ chức tham quan, khảo sát, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong nước về mô hình người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm.

Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện; theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án. Tổ chức các hoạt động tư vấn, phản biện; theo dõi, giám sát việc thực hiện Đề án. Định kỳ đánh giá hiệu quả, tác động của Đề án làm cơ sở đề xuất cho giai đoạn tiếp theo. Xây dựng báo cáo định kỳ, đột xuất; hình thành và duy trì các kênh thông tin phản hồi từ các địa phương, đơn vị để tổng hợp, báo cáo.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Đề án. Tổ chức các đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm về phát huy vai trò người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm. Tạo cơ hội để các mô hình người cao tuổi thành công về khởi nghiệp, tạo việc làm được kết nối, hợp tác với doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Huy động hỗ trợ từ nguồn lực quốc tế thông qua các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đề triển khai thực hiện Đề án.

Dự kiến nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch số 2695/KH-UBND  được bố trí trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước của các cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp ngân sách hiện hành, đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo thời hạn, tiến độ thực hiện. Đồng thời, sử dụng kinh phí xã hội hóa, lồng ghép các nhiệm vụ và nguồn vốn hợp pháp khác ngoài ngân sách Nhà nước.

Về tổ chức thực hiện, Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có liên quan trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 2695/KH-UBND; Chủ trì thực hiện nhiệm vụ người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, trồng cây xanh và pháp luật khác có liên quan; Tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền đến người cao tuổi về chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, trồng cây xanh; Kiểm tra, tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện và đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nội dung nhiệm vụ (nếu cần thiết). Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện nhiệm vụ người cao tuổi tham gia đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp và chuyển đổi số theo Kế hoạch số 2695/KH-UBND và pháp luật khác có liên quan; Tổ chức thực hiện các hoạt động người cao tuổi tham gia nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo theo quy định của pháp luật; Tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền đến người cao tuổi về khởi nghiệp và chuyển đổi số. Sở Nội vụ chủ trì thực hiện nhiệm vụ người cao tuổi tham gia đẩy mạnh các hoạt động tạo việc làm thông qua các mô hình người cao tuổi khởi nghiệp theo Kế hoạch số 2695/KH-UBND  và pháp luật khác có liên quan; Tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền về tạo việc làm cho người cao tuổi, tạo việc làm thông qua các mô hình người cao tuổi khởi nghiệp theo quy định của pháp luật. Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan có liên quan, tham mưu cấp thẩm quyền cân đối, bố trí dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ được phê duyệt tại Kế hoạch theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước và pháp luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, Hội Người cao tuổi tỉnh tổ chức triển khai các nhiệm vụ có liên quan đã được phê duyệt tại Kế hoạch số 2695/KH-UBND; chỉ đạo, hướng dẫn Hội người cao tuổi các huyện, thành phố tham gia góp ý xây dựng kế hoạch thực hiện của địa phương. Xây dựng dự toán, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật có liên quan. Vận động nguồn lực xã hội hoá hỗ trợ các hoạt động của Kế hoạch theo quy định của pháp luật. Vận động, thực hiện và tham gia khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể và tổ chức có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.

Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Hội người cao tuổi huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phê duyệt tại Kế hoạch số 2695/KH-UBND. Bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được phê duyệt theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.

Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội, tổ chức có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch số 2695/KH-UBND; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm theo quy định của pháp luật; đồng thời, giám sát, phản biện việc thực hiện Đề án “Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm”.

Nguyễn Quyên