Thạnh Phú tổ chức đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện với cán bộ, đoàn viên, hội viên năm 2024

24/10/2024

Sáng ngày 23/10/2024, Huyện ủy Thạnh Phú tổ chức họp mặt đối thoại giữa đồng chí Bí thư Huyện ủy, đồng chí Chủ tịch UBND huyện với hơn 160 cán bộ, đoàn viên, hội viên phụ nữ, nông dân và thanh niên năm 2024. Đồng chí Châu Văn Bình, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Đào Công Thương, Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện cùng lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Hội Nông dân huyện, Huyện đoàn chủ trì buổi họp mặt đối thoại.

Phát biểu thảo luận của đoàn viên, hội viên

 

Tại buổi họp mặt đối thoại, đồng chí Đào Công Thương, Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện đã thông tin khái quát về tình hình kinh tế - xã hội của huyện từ đầu năm 2024 đến nay; đồng thời thông tin về tình hình công tác đào tạo nghề, giới thiệu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn huyện; tình hình phát triển doanh nghiệp, hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn gắn với Chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp”. Ngoài ra còn thông tin về tình hình công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện, định hướng các nội dung trọng tâm trong Kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

           

Với chủ đề: “Chính sách đào tạo nghề, tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài; chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị và khởi nghiệp”; cán bộ, đoàn viên, hội viên đã phát biểu ý kiến, kiến nghị, đề xuất xoay quanh các vấn đề như: Chính sách ưu đãi cho đoàn viên, hội viên trong khởi nghiệp và vay vốn để phát triển kinh tế gia đình; quan tâm công tác định hướng, hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng chuyển đổi số, khoa học công nghệ trong canh tác; giải pháp phòng ngừa sâu đầu đen hại dừa hiệu quả; có định hướng cụ thể trong chuyển đổi số nông nghiệp; hỗ trợ tập huấn để tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử hiệu quả hơn; kêu gọi đầu tư doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; chính sách, chế độ, công việc cho lao động sau khi không tham gia lao động theo hợp đồng ở nước ngoài;….

           

Các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đoàn viên, hội viên đã được đại diện Lãnh đạo huyện, các ban ngành, đoàn thể huyện ghi nhận và giải trình, làm rõ.

 

Phát biểu kết luận của đ/c Bí thư Huyện ủy

 

Phát biểu kết luận tại họp mặt đối thoại, đồng chí Châu Văn Bình, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy đề nghị các ngành, các cấp, lãnh đạo các đoàn thể huyện cần quan tâm tuyên truyền về công tác chuyển đổi số, cần có sự đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Tăng cường truyền thông, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng cho nông dân. Đào tạo người dân về việc sử dụng sàn thương mại để quảng bá sản phẩm. Làm tốt công tác định hướng, hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng chuyển đổi số, khoa học công nghệ trong canh tác cho nông dân, thanh niên; chú trọng phát triển kinh tế hợp tác, tăng mối liên kết trong sản xuất, nhất là với các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các nguồn vốn. Riêng nông dân không chỉ là người sản xuất, mà phải biết làm kinh tế, vì vậy người nông dân phải tạo ra sản phẩm với sản lượng lớn, ổn định, chất lượng; làm quen tính khắc nghiệt của kinh tế thị trường, hiểu nhu cầu và quy định của thị trường; tổ chức sản xuất theo quy hoạch, ứng dụng tốt khoa học công nghệ vào sản xuất, tích cực tham gia sàn thương mại điện tử. Nông dân, thanh niên, phụ nữ cần nghiên cứu, vận dụng hiệu quả thương mại điện tử vào mục đích kinh doanh.

 

Về đào tạo nghề, tiếp tục ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; quan tâm đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chuyển sang học nghề. Tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn. Mỗi người phải tự chọn nghề phù hợp với năng lực sở trường; Nhà nước sẽ đóng vai trò kiến tạo cơ hội, không gian phát triển thông qua chính sách, kết nối thị trường. Khi có nhu cầu tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài người lao động cần chú trọng trau dồi kiến thức, kỹ năng; chọn ngành nghề tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài cho phù hợp; nếu có ý định sau khi tham gia lao động về tự kinh doanh, làm chủ thì quá trình tham gia lao động phải có kế hoạch chi tiêu hợp lý, tích lũy vốn. Cùng với đó, các ngành huyện cần quản lý tốt thông tin người tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức các buổi họp mặt, chia sẻ kinh nghiệm những người kết thúc tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài với các bạn có nhu cầu tham gia trong thời gian tới nhằm tạo sự lan tỏa hơn nữa.

 

 

Thanh Toàn (VPHU Thạnh Phú)