Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

25/10/2024

Sáng ngày 25/10/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu chính Hội trường lớn UBND tỉnh và trực tuyến đến điểm cầu các huyện ủy, thành ủy và tương đương; điểm cầu các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Thạc sỹ Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật triển khai, quán triệt nội dung cốt lõi của cuốn sách (ảnh: Phan Thế Quang).

 

Tham dự Hội nghị có Thạc sỹ Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh; Ban Giám hiệu, trưởng, phó các khoa, phòng và giảng viên Trường Chính trị Bến Tre; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu; Báo cáo viên cấp tỉnh, huyện; Ban chấp hành đảng bộ huyện, thành phố và tương đương;  Ban chấp hành đảng bộ xã, phường, thị trấn và các thành phần khác có liên quan.

 

Đại biểu dự Hội nghị tại Hội trường lớn UBND tỉnh (ảnh: Phan Thế Quang).

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Thạc sỹ Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - người trực tiếp làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong suốt quá trình biên tập cuốn sách triển khai, quán triệt sâu sắc những nội dung cốt lõi và giá trị cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, gồm 928 trang, tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam và tuyển chọn hơn 90 bức ảnh tư liệu quý, ghi lại những hình ảnh của Tổng Bí thư trong các hoạt động văn hóa; các chuyến đi thăm, làm việc với các địa phương, các cơ quan, đơn vị trong ngành Văn hóa; các buổi gặp gỡ văn nghệ sĩ, trí thức trên mọi miền Tổ quốc. Nội dung cốt lõi cuốn sách gồm ba phần, gồm: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, gồm 19 bài phát biểu, bài viết, là những chỉ đạo chung nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa; Phát triển toàn diện, đồng bộ để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước bền vững, tuyển chọn 73 bài phát biểu, bài viết, thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với các lĩnh vực văn hóa cũng như quá trình xây dựng, phát triển của các cơ quan văn hóa; Từ luận điểm văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thực tiễn cuộc sống, tuyển chọn với 32 bài viết, trả lời phỏng vấn của các cán bộ, đảng viên và nhân dân trong nghiên cứu, học tập và triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

 

Thạc sỹ Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng đã quán triệt giá trị lý luận và thực tiễn to lớn của cuốn sách, giúp người đọc hiểu được tại sao Tổng Bí thư nói “ Văn hóa là hồn cốt của dân tộc” và chỉ rõ sức mạnh của văn hóa trong chiến thắng giặc ngoại xâm, để giành và giữ vững độc lập dân tộc, để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững; chỉ rõ cách thức tiến hành để chúng ta sớm có một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Những điểm nhấn quan trọng trong cuốn sách đó là cho chúng ta thấy rõ một hệ thống lý luận đầy tính khoa học về văn hóa và dân tộc, về truyền thống và hiện đại, về phẩm giá con người và lý tưởng; hệ thống một cách xuyên suốt và biện chứng về quá trình vận động, phát triển và những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đặc biệt, đã gửi gắm những thông điệp sâu sắc của người đứng đầu Đảng ta đối với các lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị, đội ngũ tri thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Những luận đề nói trên đã định hướng nhận thức, dẫn dắt hành động đối với toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc; có sức cảm hóa sâu, lan tỏa rộng đến mọi cộng đồng và tầng lớp nhân dân.

 

Thạc sỹ Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia  trao tặng các cuốn sách cho lãnh đạo tỉnh (ảnh: Phan Thế Quang).

 

Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng, nhằm tưởng nhớ, tri ân, trân trọng những tình cảm của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Đặc biệt, góp phần lan tỏa giá trị cuốn sách và cụ thể hóa những quan điểm, định hướng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thực tiễn của tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, từ việc nắm được nội dung, giá trị của cuốn sách, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên kịp thời cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo những vấn đề lý luận và thực tiễn đề cập trong cuốn sách vào công tác triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư về xây dựng và phát triển văn hóa ở các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương; đặc biệt, giúp cho việc chỉ đạo cập nhật, bổ sung nội dung cốt lõi và giá trị căn bản của cuốn sách vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và sinh hoạt chuyên đề, ngoại khoá trong hệ thống giáo dục quốc dân.

 

 

Nguyễn Quyên