Tăng cường lãnh đạo, thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ

17/10/2024

Ngày 14/10/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên là hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân xuất ngũ giai đoạn 2024 – 2030 (Nghị quyết số 13-NQ/TU). Đây là Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng của cấp ủy tỉnh nhằm nâng cao chất lượng lao động, bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề, cơ hội việc làm, là chính sách hậu phương quan trọng đối với thanh niên xuất ngũ.

 

Nghị quyết đáp ứng yêu cầu thực tiễn

 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn xác định lực lượng thanh niên, trong đó có thanh niên là hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân xuất ngũ (thanh niên xuất ngũ) giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người, là tiềm năng to lớn trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thanh niên xuất ngũ được xem là nguồn nhân lực chất lượng, có ý thức tổ chức kỷ luật, sức khỏe, là lực lượng lao động mà các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước rất cần nếu được các cấp, các ngành chung tay, tạo điều kiện tổ chức đào tạo nghề. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ chưa được sự quan tâm đúng mức của các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội.

 

Hàng năm, tỉnh Bến Tre có trên 1.300 thanh niên xuất ngũ; trong đó, phần lớn mới tốt nghiệp trung học phổ thông, trung học cơ sở và chưa được đào tạo nghề, do đó, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ là một việc làm cấp thiết và cần được tập trung quan tâm, đầu tư, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, vừa bảo đảm cho thanh niên sau khi xuất ngũ có nghề nghiệp, việc làm ổn định, cải thiện đời sống, tăng thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

 

Xuất phát tình hình thực tiễn, công tác đào tạo, hỗ trợ việc làm cho thanh  niên xuất ngũ đặt ra cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với mục tiêu: hàng năm, có 100% thanh niên xuất ngũ trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, tư vấn học nghề và hỗ trợ việc làm; phấn đấu có ít nhất 60% thanh niên xuất ngũ được đào tạo nghề trên tổng số nhu cầu học nghề của thanh niên xuất ngũ. Từ năm 2025 đến năm 2030, mở rộng quy mô, tăng chỉ tiêu và đa dạng các ngành, nghề đào tạo qua từng năm, đáp ứng nhu cầu học nghề, việc làm ngày càng cao của thanh niên xuất ngũ.

 

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ

 

Nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên mà Nghị quyết số 13-NQ/TU khẳng định đó là  tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ thông qua việc quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thanh niên, nhất là việc dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ; khuyến khích, phát huy tiềm năng của thanh niên xuất ngũ trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, nhất là người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ; các cơ quan chức năng, cơ sở đào tạo nghề, công ty, doanh nghiệp,… cần có sự phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm quyền lợi cho thanh niên xuất ngũ. Ngoài ra, cần phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thật tốt công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ; ngành, nghề đào tạo phải đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, bảo đảm khép kín từ khâu đào tạo nghề đến khâu hỗ trợ việc làm, tránh tình trạng học nghề xong mà không tìm được việc làm hoặc có việc làm nhưng không đúng ngành, nghề đã được đào tạo.

 

Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng nghiệp

 

Nghị quyết số 13-NQ/TU cũng nêu rõ, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, tư vấn học nghề và việc làm đối với thanh niên trong thời gian phục vụ tại ngũ. Trước hết, cần tiến hành khảo sát, tổng hợp nhu cầu học nghề của thanh niên trong thời gian phục vụ tại ngũ và nhu cầu sử dụng lao động của các cơ quan, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tư vấn cho thanh niên lựa chọn nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động, bảo đảm việc đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ đạt hiệu quả tối đa. Xây dựng kế hoạch tổ chức gặp mặt hướng nghiệp, thông tin về các chương trình đào tạo nghề, nhu cầu việc làm, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên trong thời gian phục vụ tại ngũ, bảo đảm toàn bộ thanh niên trước khi xuất ngũ được thông tin đầy đủ, kịp thời về các chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm. Bên cạnh đó, các đơn vị có thanh niên phục vụ tại ngũ thường xuyên phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm, cơ quan, công ty, doanh nghiệp,… tổ chức ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm, sàn giao dịch về việc làm để thanh niên khi xuất ngũ có cơ hội tiếp cận việc làm phù hợp với nhu cầu và năng lực của bản thân. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền chính sách lao động, việc làm phù hợp với thanh niên trong thời gian phục vụ tại ngũ.

 

Bảo đảm kinh phí đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ

 

Về kinh phí thực hiện đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ, cần thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách về đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ được quy định tại: Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Công an nhân dân; Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH, ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP; Thông tư số 63/2023/TT-BCA, ngày 15/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về tuyển chọn và thực hiện chế độ, chính sách đối với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân,… các quy định hiện hành khác có liên quan đến công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ.

 

Các đơn vị chức năng, cơ sở đào tạo nghề phải có cơ chế phối hợp, hướng dẫn cụ thể về thủ tục thanh toán, quyết toán kinh phí đào tạo, thẻ học nghề; không để xảy ra tình trạng chậm hoặc không quyết toán kinh phí, gây khó khăn cho thanh niên xuất ngũ. Thanh niên xuất ngũ sau khi học nghề được ưu tiên tiếp cận với chính sách vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, được tư vấn các thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi khi khởi nghiệp.

 

Nghị quyết số 13-NQ/TU đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ tăng cường, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đến làm tốt công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, tư vấn và bảo đảm nguồn lực để thực hiện  công tác  đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ, để từ đó phát huy trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức thực hiện làm tốt công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ. Qua đó, vừa góp phần nâng cao chất lượng nguồn  nhân lực của tỉnh vừa tạo tác động tích cực, tạo niềm tin, phấn khởi đối với bản thân và gia đình của thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, giúp công tác tuyên truyền, vận động, tuyển chọn thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự hàng năm được thuận lợi và đạt kết quả tốt.

 

 

Nguyễn Quyên