Huyện Giồng Trôm: Kinh tế - xã hội trên đà phục hồi khá tốt
30/06/2023
Trong những tháng đầu năm 2023, huyện Giồng Trôm đã triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có nhiều thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen; sản xuất kinh doanh, thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp còn khó khăn, thị trường tiêu thụ nông sản chưa ổn định... Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy; giám sát của HĐND huyện; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm và sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn của chính quyền các cấp, cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân huyện nhà; tình hình kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục trên đà phục hồi khá tốt và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP
So với Nghị quyết năm, một số chỉ tiêu chủ yếu huyện thực hiện đạt kết quả khá tốt: Giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản ước 1.800 tỷ đồng, đạt 53,34%; Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước 1.500 tỷ đồng, đạt 51,90%, tăng 20,19% so cùng kỳ; Giá trị thương mại - dịch vụ ước 2.945 tỷ đồng, đạt 65,01%, tăng 43,45% so cùng kỳ; Tổng mức bản lẻ hàng hóa 2.415 tỷ đồng, đạt 64,40%; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 1.600 tỷ đồng, đạt 57,14%; Số lao động có việc làm mới cho 1.745 lao động, đạt 62,32% (trong đó, lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 151, đạt 53,93%); Có thêm 02 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 100% so nghị quyết;...
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tình hình sản xuất nông nghiệp tương đối thuận lợi. Mặc dù trong những tháng đầu năm xâm nhập mặn có xảy ra nhưng do các ngành, cơ sở đã chủ động, khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống nên ảnh hưởng không đáng kể đến cây trồng, vật nuôi, cơ bản đáp ứng nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Vụ lúa Đông Xuân đã xuống giống 342 ha, đạt 114% so nghị quyết, năng suất ước đạt 5,2 tấn/ha. Cây dừa, diện tích 19.932 ha (tăng 932 ha so cùng kỳ), đạt 99,8% so nghị quyết; diện tích dừa cho trái 19.000 ha, năng suất ước đạt 964 trái/ha/tháng. Cây ăn trái, diện tích 4.600 ha (giảm 650 ha so cùng kỳ), đạt 100% so nghị quyết, diện tích cho trái khoảng 3.800 ha, sản lượng ước đạt 22.800 tấn. Cây màu, diện tích khoảng 100 ha, sản lượng ước đạt 1.575 tấn. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn 1.367.150 con.
Các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí tại quyết định 2076/QĐ-UBND ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh giai đoạn 2021-2025; củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã được công nhận đạt chuẩn trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện toàn huyện có 10/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, xã Tân Hào đạt 16/19 tiêu chí; xã Tân Thanh, đạt 13/19 tiêu chí; các xã còn lại đạt từ 08 tiêu chí trở lên; có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại đạt từ 04 tiêu chí trở lên Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Đến nay, toàn huyện có 40 sản phẩm OCOP đạt từ 03 sao trở lên.
Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp ổn định. Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đang phục hồi tốt, tập trung gia tăng sản xuất góp phần tạo đà cho tăng trưởng năm 2023. Các cấp, các ngành chỉ đạo quyết liệt nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, đầu tư mới, mở rộng các dự án, nhất là các dự án trong Cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp Phong Nẫm. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 09 dự án sản xuất công nghiệp đang triển khai, với tổng diện tích 35,78 ha, trong đó, có 03 dự án đã đi vào hoạt động và duy trì ổn định, với diện tích 12,92 ha, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động tại các địa phương trong huyện, thu nhập bình quân từ 05 đến 07 triệu đồng/tháng, giá trị sản xuất đạt hơn 600 tỷ đồng/năm, đóng góp hơn 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện; 06 doanh nghiệp đang tiếp tục thực hiện thủ tục đầu tư vào cụm.
Quan tâm tặng quà cho hộ nghèo
Công tác chăm lo cho các đối tượng gia đình chính sách, gia đình nghèo, nhất là dịp Tết Nguyên đán được tổ chức chu đáo từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là từ nguồn vận động xã hội hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho huyện trong công tác chăm lo cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, đã thăm, chúc Tết tặng 34.162 phần quà, tổng số tiền là 12.510,307 triệu đồng.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm. Công tác phổ cập giáo dục các bậc học được duy trì; chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn, phòng, chống các loại dịch bệnh được tích cực triển khai.
Để triển khai thắng lợi các mục tiêu kế hoạch 2023 đề ra, trong 6 tháng cuối năm 2023, các cơ quan, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn sẽ thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong nghị quyết của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân huyện, các kế hoạch, chương trình công tác của Ủy ban nhân dân huyện về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, thực hiện kế hoạch tổ chức lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bền vững, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh đổi mới các hình thức sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, hàng hóa theo chuỗi giá trị; thực hiện hoàn chỉnh, nâng cấp 03 chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực trên địa bàn huyện.
Xây dựng trường học mới đạt chuẩn đáp ứng yêu cầu dạy và học
Tập trung nguồn lực cho các xã đăng ký xây dựng xã nông thôn mới (Tân Hào, Tân Thanh), nông thôn mới nâng cao năm 2023 (Sơn Phú). Đồng thời, tiếp tục củng cố, nâng cao các tiêu chí đã đạt, xây dựng lộ trình thực hiện các tiêu chí còn lại theo Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh, đảm bảo thực chất, không chạy theo thành tích; chú trọng thực hiện "04 tiêu chí cứng", tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn, nâng chất các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Tiếp tục theo dõi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nhằm ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong Cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp Phong Nẫm tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng và nâng cao hiệu quả hoạt động; tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp.
Chuẩn bị các điều kiện tổ chức khai giảng năm học mới 2023-2024. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy và học nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục, từng bước nâng chất đội ngũ giáo viên đạt các tiêu chuẩn về chức danh nghề nghiệp theo quy định. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho Nhân dân; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện, nhất là dịch bệnh Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác. Đẩy mạnh triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID; đảm bảo 100% thực hiện khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp. Quan tâm các chế độ chính sách đối với gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách; đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm; thực hiện tốt công tác giảm nghèo.
Diệu Hiền
