Giải pháp lãnh đạo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên góp phần hoàn thành nhiệm vụ và đáp ứng tiêu chí “Trường chính trị chuẩn”
11/05/2023
Ngày 19/5/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn; ngày 06/9/2021, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Hướng dẫn số 381-HD/HVCTQG về triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn cả nước nói chung, Trường Chính trị tỉnh Bến Tre nói riêng đã triển khai xây dựng Đề án trường chính trị chuẩn thông qua nghiên cứu, đánh giá thực trạng tổng thể các hoạt động của các nhà trường trên 06 nhóm tiêu chí theo Quy định số 11-QĐ/TW. Để thực hiện hiệu quả các Quy đinh trên phải kể đến vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đối với đội ngũ giảng viên.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre trao cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho Trường Chính trị tỉnh Bến Tre.
Hiện nay tổng số giảng viên của Trường Chính trị Bến Tre là 19/39, trong đó 11 giảng viên giữ ngạch giảng viên chính. Về trình độ chuyên môn có 03 giảng viên đang đào tạo tiến sĩ, 11 thạc sĩ, 1 đang đào tạo thạc sĩ, 1 có kết quả tuyển sinh đào tạo thạc sĩ đang chờ lịch học cụ thể; về trình độ lý luận chính trị có 14 giảng viên đạt trình độ cao cấp lý luận chính trị, 01 giảng viên đang học cao cấp lý luận chính trị, 05 giảng viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị; giảng viên có thâm niên giảng dạy 20 trở lên năm có 05 đồng chí, giảng viên có thâm niên giảng dạy từ 10 đến dưới 20 năm có 09 đồng chí, giảng viên có thâm niên giảng dạy dưới 10 năm là 03 giảng viên. Nguồn để bồi dưỡng trở thành giảng viên là 10 viên chức.
Tuy nhiên, số lượng chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu, trong khi nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Trường do Tỉnh ủy giao khá nhiều, nên đội ngũ giảng viên tập trung thời gian và công sức rất nhiều hoàn thành tốt công tác giảng dạy. Ngoài ra, năng lực nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế chưa sâu, việc học tập nâng cao trình độ vẫn chưa đáp ứng được yều đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng Trường chính trị chuẩn trong thời gian tới.
Về chất lượng: Còn thiếu giảng viên có trình độ chuyên môn cao (tiến sĩ); cơ cấu về độ tuổi, về giới tính chưa cân đối, giảng viên nữ chiếm số đông; cơ cấu về chuyên ngành đào tạo còn bất hợp lý, tính kế thừa chưa đảm bảo, kiến thức thực tiễn của một bộ phận giảng viên trẻ còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; chế độ chính sách để khuyến khích giảng viên học tập nâng cao trình độ có thay đổi theo hướng tự đào tạo nên chưa tạo động lực cho giảng viên tích cực tham gia,...
Đặc biệt, đa số các viên chức vừa được tuyển dụng chưa có chuyên ngành sát, đúng với yêu cầu giảng dạy. Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu, tiếp cận nội dung, bồi dưỡng và phải được đào tạo văn bằng 2 cho phù hợp yêu cầu chuyên môn và tiêu chuẩn.
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được và hạn chế, việc lãnh đạo cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, lãnh đạo việc học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng, phương pháp cho đội ngũ đảng viên - giảng viên theo Kế hoạch số 226-KH/TCT ngày 22/2 2023 của Ban Giám hiệu về đào tạo bồi dưỡng giảng viên, viên chức Trường Chính trị Bến Tre đạt tiêu chí trường chính trị chuẩn giai đoạn 2023-2025 và 2025-2030. Trên tinh thần kế hoạch, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường chú trọng lãnh đạo xây dựng cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, giảng viên; quan tâm, động viên, khích lệ cán bộ, giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy... xây dựng đội ngũ giảng viên đảm bảo số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
+ Trên tinh thần Nghị quyết, kế hoạch đề ra, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên đảm bảo số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên sớm đạt chuẩn, trong đó tập trung nguồn lực đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và bồi dưỡng nghiệp vụ.
+ Xây dựng cơ chế động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên tự đi đào tạo nâng cao trình độ; giai đoạn đến năm 2025, từ 2025 - 2030 tiếp tục cử các đồng chí đi đào tạo trình độ tiến sĩ, các đồng chí giảng viên học cao học các chuyên ngành phù hợp với chuyên môn giảng dạy; ...
Thứ hai, tăng cường công tác lãnh đạo đánh giá, xếp loại cán bộ, viên chức được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình quy định, đảm bảo dân chủ, khách quan; hằng năm, 100% cán bộ, giảng viên xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Giảng viên lên lớp phải được đánh đạt loại giỏi trở lên, vì vậy cần:
Quan tâm rèn luyện, nâng cao kiến thức thực tiễn cho cán bộ, giảng viên bằng việc xây dựng quy định, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên đến nghiên cứu thực tế theo Hướng dẫn số 311-HD/HVCTQG ngày 12/6/2019 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về hoạt động nghiên cứu thực tế của cán bộ, giảng viên trường chính trị. Lãnh đạo thực hiện việc tuyển dụng, củng cố, kiện toàn đội ngũ giảng viên của Ban Giám hiệu, đảm bảo đáp ứng tỷ lệ giảng viên đạt trường chính trị chuẩn (ít nhất 75% trên tổng số biên chế được giao).
Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý, nêu gương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và tinh thần đổi mới sáng tạo; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có đủ phẩm chất, năng lực nhà giáo, nhà khoa học lý luận; khẳng định vai trò then chốt trong việc chủ động nghiên cứu, cập nhật, giảng dạy và tổng kết thực tiễn… đảm bảo đủ năng lực để thích ứng với xu hướng chuyển từ đào tạo là cơ bản sang bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ các ngành, địa phương, cơ sở; thường xuyên phối hợp bồi dưỡng kiến thức mới và hướng dẫn nghiệp vụ, phương pháp sư phạm cho đội ngũ giảng viên trung tâm chính trị cấp huyện. Khơi dậy tinh thần, ý thức trách nhiệm trong tham mưu, phối hợp và phục vụ của đội ngũ viên chức hành chính.
Bốn là, lãnh đạo phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ đảng viên - giảng viên, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao kỹ năng, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học được giao, nhất là nhiệm vụ giải pháp, lộ trình theo Kế hoạch số 218-KH/TCT ngày 06/2/2023 của Ban Giám hiệu về thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị theo yêu cầu trường chính trị chuẩn, giai đoạn đoạn 2023-2025 và 2025-2030.
Lãnh đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch, phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức; chú trọng lựa chọn cán bộ trẻ, có năng lực để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn kế cận, bổ sung cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, giảng viên đảm bảo thực chất, khách quan gắn với phương thức “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”; lấy thái độ, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ làm thước đo đánh giá, xếp loại cán bộ và là căn cứ thực hiện các khâu trong công tác cán bộ.
Năm là, huy động mọi nguồn lực, tiếp tục thực hiện tốt cơ chế khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ, giảng viên đổi mới sáng tạo vì sự phát triển của nhà trường. Quan tâm tạo điều kiện xét thăng hạng hoặc tổ chức thi nâng ngạch cho giảng viên lên giảng viên chính và tương đương, đảm bảo đến năm 2025, tỉ lệ giảng viên chính đạt từ 60% trở lên trong tổng số giảng viên của nhà trường.
Thực hiện tốt công tác thao giảng, kiểm tra giáo án, dự giờ để rút kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn, bổ sung kiến thức và hoàn thiện phương pháp dạy học; tổ chức đánh giá giảng viên về nội dung, phương pháp, kỹ năng giảng dạy để kịp thời có biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập. Hằng năm, tổ chức hội thi giảng viên dạy giỏi, học viên học giỏi lý luận chính trị để duy trì phong trào dạy tốt, học tốt và động viên khen thưởng giảng viên, học viên đạt thành tích cao.
Sáu là, phát huy tốt vai trò đội ngũ giảng viên thỉnh giảng của Trường Chính trị tỉnh; đồng thời, ban hành quy chế hoạt động để phát huy có hiệu quả đội ngũ này nhằm bổ sung kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
Tóm lại, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trường chính trị đáp ứng các tiêu chí trường “chuẩn” là một nhiệm vụ, định hướng lâu dài, đòi hỏi phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể. Vì vậy, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ là một trong những cơ sở quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ giảng viên đảm bảo chất lượng, số lượng góp phần đưa Trường Chính trị tỉnh Bến Tre đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trường chính trị chuẩn trong thời gian tới một cách sớm nhất.
Trần Văn Hòa - Trường Chính trị
