Bến Tre bứt phá về hướng Đông, tạo động lực mới, không gian mới phát triển toàn diện
02/02/2025
Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh uỷ đưa ra định hướng phát triển tỉnh Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh cũng đã mạnh dạn đưa vào nội dung phát triển tỉnh về hướng Đông, trong đó có chương trình lấn biển với 50.000ha. Thời gian qua tỉnh đã tập trung dồn sức đầu tư phát triển kinh tế biển, bước đầu đạt một số kết quả nhất định. Nhân dịp đầu năm mới 2025, Cổng Thông tin điện tử UBND tỉnh xin giới thiệu những chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam về nội dung này.
Xây dựng Đại lộ Đông Tây kết nối với các huyện ven biển. (Ảnh: Hữu Hiệp)
* PV: Thưa Chủ tịch UBND tỉnh, xin ông cho biết mục đích và ý nghĩa của việc phát triển tỉnh về hướng Đông?
- Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam: Phát triển về hướng Đông thể hiện khát vọng Bến Tre phát triển đột phá trong thời gian sắp tới, đồng thời phát huy thế mạnh của biển.
Thứ nhất, tỉnh có chương trình lấn biển 50.000ha. Thứ hai, Quốc hội và Chính phủ đã cho phép xây dựng đường ven biển kết nối từ TP. Hồ Chí Minh đến Cà Mau, qua Kiên Giang, đây là một lợi thế mở ra hành lang kinh tế không chỉ riêng cho Bến Tre mà cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, đối với Bến Tre, trọng tâm là lấn biển 50.000ha để phát triển đô thị biển, các khu, cụm công nghiệp. Theo quy hoạch, Bến Tre có cảng biển loại II, đây cũng là định hướng phát triển, qua đó sẽ phát triển các dịch vụ logistics, du lịch, đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, năng lượng mới, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian sắp tới. Gắn liền với đó, tỉnh có truyền thống đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, định hướng của tỉnh là phát triển 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao, đây cũng là thế mạnh của tỉnh.
Lấn biển cũng nhằm để giữ đất, chống chọi với biến đổi khí hậu, đây là tầm nhìn mang tính lâu dài của tỉnh. Có thể nói Bến Tre có giàu, có khá lên hay không là do hướng ra biển, phát triển về hướng Đông, cho nên đây cũng là một cơ hội mà tỉnh mong muốn thực hiện được khát vọng này.
*Xin Chủ tịch UBND tỉnh cho biết một số kết quả đạt được sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy phát triển kinh tế về hướng Đông?
Xuất phát từ yêu cầu phát triển của tỉnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết 04-NQ/TU phát triển tỉnh về hướng Đông, phát triển tỉnh về hướng biển để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh mà Bến Tre có. Đây là nghị quyết đúng đắn, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh trước mắt và lâu dài.
Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết, trước hết, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm hình 2050 và đã được phê duyệt thực hiện quy hoạch ngày 12/1/2025. Đó là những tiền đề rất cơ bản để thực hiện chủ trương phát triển tỉnh về hướng Đông.
Thứ hai, trong định hướng phát triển của tỉnh, đặc biệt là khu lấn biển với diện tích 50.000ha, trên 50.000ha đó có phát triển các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là di dời các khu, cụm công nghiệp có quy hoạch chuyển về hướng Đông. Trong quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải có quy hoạch cho tỉnh một cảng biển loại II; đây là điều kiện thuận lợi khi lấn biển 50.000ha.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam khảo sát Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận. (Ảnh: Cẩm Trúc)
Trong định hướng phát triển tỉnh về hướng Đông, đặc biệt là trên khu lấn biển tỉnh sẽ tập trung phát triển về năng lượng mới, năng lượng sạch. Hiện tỉnh đã triển khai cấp chủ trương đầu tư cho 20 dự án điện gió và đã triển khai 6 dự án ở Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. Bên cạnh đó, tỉnh đang làm các hồ sơ thủ tục triển khai nhà máy Hydro xanh, đây cũng là một định hướng và đầu tư lớn có thể cũng là điểm nhấn cho sự phát triển của Bến Tre trong tương lai.
*Trong năm 2024, tỉnh xây dựng hạ tầng phục vụ cho sự phát triển, những công trình đang thực hiện sẽ tạo động lực ra sao để Bến Tre phát triển, thu hút các nhà đầu tư?
Có thể nói việc xây dựng hạ tầng phục vụ cho sự phát triển là vấn đề quan trọng có tính quyết định cho sự phát triển tỉnh về hướng Đông. Trong sự phát triển đó, tỉnh nhấn mạnh tuyến đường ven biển. Có tuyến đường ven biển, Bến Tre sẽ kết nối TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây, đặc biệt là tuyến duyên hải phía Đông. Tỉnh sẽ ưu tiên thực hiện cho đoạn ven biển đối với địa phận tỉnh Bến Tre. Trọng tâm trước mắt là thực hiện cầu Cửa Đại, cầu Cổ Chiên II để kết nối với tỉnh Tiền Giang, tỉnh Trà Vinh. Đây là một điểm nhấn để mở ra không gian kinh tế mới gắn với khu lấn biển.
Thứ hai, các hạ tầng khác như: Triển khai cầu Đình Khao kết nối Bến Tre với Vĩnh Long; dự kiến sẽ có cầu Tân Phú để kết nối huyện Chợ Lách với huyện Châu Thành, gắn với cầu Rạch Miễu 2 đang khẩn trương thi công và dự kiến hoàn thành trong cuối năm 2025. Khi các công trình hoàn thành sẽ thuận tiện cho việc phát triển tỉnh Bến Tre trước mắt và lâu dài.
Ngoài ra, tỉnh đã đề nghị với Bộ Giao thông vận tải đầu tư nâng cấp các tuyến đường quốc lộ (QL) trên địa bàn tỉnh như: QL.60, QL.57B, QL.57C, đặc biệt là tuyến QL.60 từ cầu Rạch Miễu 2 kết nối qua tỉnh Trà Vinh để khi có cầu Đại Ngãi, lưu lượng xe đi qua QL.60 sẽ không bị ùn tắc. Kèm theo đó tỉnh cũng đề xuất xây dựng thêm cầu Hàm Luông 2 nằm trên truyến cầu Rạch Miễu 2 để kết nối tuyến Mỏ Cày Bắc, qua Trà Vinh tránh bị ách tắc đoạn trong nội ô TP. Bến Tre.
* Xin cảm ơn Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này!
Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bến Tre