Từ “Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu”đến “Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu”
25/11/2022
Trong Báo cáo số 485-BC/VPTU, của Văn phòng Tỉnh ủy, ngày 15/11/ 2022, có một nội dung: “Thường trực Tỉnh ủy thống nhất chủ trương chuyển đổi giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu thành giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu, đồng thời giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuyên truyền, quán triệt về giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu để các ngành, các cấp và Nhân dân biết thực hiện…”
Một niềm vui lớn
Đây là tin vui làm nức lòng không chỉ đối với các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh và ngành văn hóa nghệ thuật, mà còn là niềm mong mỏi, chờ đợi của nhiều lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của các ngành giáo dục đào tạo và y tế … Việc đổi tên giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu mang tên giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu bao gồm các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục … để xứng đáng với tầm vóc, sự cống hiến của cụ Nguyễn Đình Chiểu, một Danh nhân Văn hóa được UNESCO vinh danh, một Nhà thơ yêu nước, Nhà giáo xuất sắc và Nhà thầy thuốc đức cao vọng trọng.
Từ “Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu” …
Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre được ra đời từ năm 2009, theo Quyết định số 2646/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre “Ban hành Quy chế về Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu”. Theo Quy chế, định kỳ 5 năm xét trao thưởng một lần. Đến ngày 30/5/2017, UBND tỉnh đã có Quyết định số 29/2017/QĐ-UB Ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre thay thế Quyết định số 2646/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2009.
Giải thưởng nhằm ghi nhận và tôn vinh sự cống hiến bằng trí tuệ, tài năng và công sức đóng góp của giới văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh có thành tựu xuất sắc với tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật chứa đựng những giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh phong phú, chân thật và sâu sắc mọi mặt của đời sống xã hội, về vùng đất, con người Bến Tre.
Lần xét trao thưởng đầu tiên được chia thành 2 đợt:
Đợt 1 - năm 2010, trao cho 18 tác giả có thành tích cống hiến đặc biệt trong giai đoạn cách mạng từ 1945 - 1975;
Đợt 2 - năm 2013, xét trao thưởng cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Giải thưởng lần thứ nhất, đợt 1, năm 2010, được trao cho 18 tác giả gồm: Trang Thế Hy, Lê Tâm, Đoàn Tứ, Chim Trắng, Nguyễn Hồ, Lê Hà, Thanh Giang (Văn học); Lê Huỳnh (Sân khấu); Hà Mãnh, Lê Dân, Trường Chăm (Mỹ thuật); Quốc Bửu, Lan Phong, Quốc Nam, Xuân Hòa (Âm nhạc); Tư Chiến, Nguyễn Phúc Hậu (Nhiếp ảnh); Việt Bình (Múa).
Nhân dịp kỷ niệm 191 năm ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822 – 1/7/2013 ), tỉnh Bến Tre đã trao tặng đợt 2 cho 10 tác giả có tác phẩm xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong các lĩnh vực: văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu. Trong đó, có 8 người quê Bến Tre và 2 tác giả quê miền Bắc. Nhà văn - Thiếu tướng Công an Khổng Minh Dụ (bút danh Thái Dương), quê xã Tân Hồng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), thời kháng chiến chống Mỹ từng hoạt động ở Bến Tre, thuộc Cụm tình báo chiến lược H.67, đã được nhận giải thưởng trong đợt này.
Năm 2017, Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu lần thứ hai được trao cho 30 tác giả, văn nghệ sĩ, gồm 7 giải cống hiến; 22 giải thưởng dành cho tác phẩm, công trình thuộc các lĩnh vực: âm nhạc, kiến trúc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, văn nghệ dân gian và 1 giải đặc cách.
Những văn nghệ sĩ nhận giải thưởng là những người đã sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật; có những cống hiến trong hoạt động văn hóa nghệ thuật; đã tác dụng cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Bến Tre trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển quê hương. Trong đó, có những thế hệ đi trước, xây dựng sự nghiệp văn học nghệ thuật của tỉnh từ trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Những “Cây cao bóng cả” ấy, phải kể đến Soạn giả Lê Huỳnh (tức Huỳnh Văn Cam, nguyên Trưởng đoàn Văn công giải phóng Bến Tre; nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin; nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; năm 2000 nghỉ hưu, đã sáng lập và giữ chức vụ Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và Người tàn tật tỉnh Bến Tre - nay là Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre), đã sáng tác nhiều tác phẩm, trong đó có vở cải lương “Cây dừa đỏ” đã đạt giải đặc biệt trong Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về đề tài chiến tranh cách mạng (năm 1981), được công diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, đã đi vào lòng bao thế hệ người xem từ Nam đến Bắc.
…Đến chủ trương chuyển đổi thành “Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu”
Vì sao? Và điều đó có ý nghĩa gì?
Nhân cách lớn của Nguyễn Đình Chiểu thể hiện trên cả 3 lĩnh vực Thơ văn, Thầy giáo và Thầy thuốc đã thuyết phục được UNESCO ghi nhận và tôn vinh ông là Danh nhân văn hóa thế giới tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41 diễn ra từ ngày 9 đến 24/11/2021 tại Paris, Pháp. Ông xứng đáng được ghi nhận là một nhà văn hóa lớn, nhà thơ yêu nước tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, nhà giáo của nhiều thế hệ, thầy thuốc tinh thông y lý, y thuật và nổi tiếng về y đức.
Phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 200 ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, ngài Christian Manhart – Đại diện của UNESCO tại Việt Nam khẳng định:
"Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là một nhân vật xuất chúng và là một trong những nhà thơ Việt Nam được tôn vinh nhiều nhất. Ông cũng là người có các tác phẩm dịch ra nhiều thứ tiếng nhất. Những triết lý về hòa bình, về tình yêu giữa con người với con người, cũng như lòng khoan dung, tinh thần yêu nước, phản kháng chống ngoại xâm của ông hoàn toàn phù hợp với triết lý và mục tiêu của UNESCO". Bên cạnh đó ông cũng còn là một nhà giáo xuất sắc, người đã cống hiến cả cuộc đời mình để lan tỏa kiến thức và đây cũng là 1 xứ mệnh của UNESCO – xứ mệnh giáo dục. Ngoài ra, Nguyễn Đình Chiểu còn là một thầy thuốc vĩ đại với tầm nhìn sâu rộng trong việc cứu người. Hơn thế nữa, ông còn là niềm hy vọng lớn lao, là tấm gương cho những người khuyết tật, bởi ông đã đạt được những thành công kể trên ngay cả khi ông bị mù.
Vào tối 30/6/2022, nhân dịp dự lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822 - 1/7/2022) và 30 năm Ngày truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre, đồng thời đón nhận Nghị quyết của UNESCO vinh danh Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại buổi lễ:
“Tôi đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương, Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng, giá trị nghệ thuật các trước tác của Nguyễn Ðình Chiểu, nghiên cứu sâu hơn nữa vai trò thầy giáo và thầy thuốc của Nguyễn Ðình Chiểu, tiếp tục giới thiệu, quảng bá các tác phẩm của Nguyễn Ðình Chiểu đến rộng rãi công chúng trong và ngoài nước, phát huy giá trị văn hóa Nguyễn Ðình Chiểu trong giai đoạn mới...”.
Sự nghiệp thơ văn Nguyễn Đình Chiểu như cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng từ năm 1963 nhận định: “Nguyễn Ðình Chiểu là một chí sĩ yêu nước, là nhà thơ lớn của nước ta, là ngôi sao sáng trên bầu trời văn nghệ dân tộc. Trước tác của Nguyễn Ðình Chiểu đã cho thấy những đóng góp lớn lao của ông đối với văn học nước nhà”.
Còn trong sự nghiệp dạy học và trị bệnh cứu người?
Trong sự nghiệp dạy học, thầy Ðồ Chiểu đã dành trọn đời chăm lo dạy dỗ, truyền thụ cho thế hệ tương lai những điều căn cốt của văn hóa Việt Nam về đạo lý truyền thống của dân tộc và nhân cách của một nho sĩ, của người quân tử. Nhân cách của nhà giáo Nguyễn Ðình Chiểu có ảnh hưởng rất lớn đối với vùng đất Nam Bộ nói chung và mảnh đất Gia Ðịnh, Bến Tre nói riêng.
Nguyễn Đình Chiểu là một thầy thuốc giỏi, một lương y thông hiểu sâu sắc y lý phương Đông và y lý Việt Nam cả về y thuật và y đức. Mà y đức của Nguyễn Đình Chiểu chính là đạo cứu người lồng trong nghĩa vụ cứu dân, cứu nước. Tác phẩm “Ngư Tiều vấn đáp y thuật” khái quát nội dung và nói lên quan điểm y học của Nguyễn Đình Chiểu, biện luận trên cơ sở âm dương - những điều thiết yếu nhất về phương pháp và đường hướng trị bệnh; nói lên một đường hướng y học chân chính, cả về đạo đức và chuyên môn. Nguyễn Đình Chiểu đã học tập, nghiên cứu nghề thuốc rồi làm lương y để chữa bệnh cho dân và viết sách thuốc truyền tâm nguyện đến mọi người. Ông luôn đề cao lương tâm của những người thầy thuốc. Nguyễn Đình Chiểu đã không dừng lại ở chổ sẵn lòng “săn sóc miễn phí cho người nghèo” hay “thương người như thể thương thân” - một đạo lý vốn có giá trị ngàn đời của dân tộc ta. Việc cứu chữa cho những người nghèo khổ và chu cấp thuốc men, giúp đỡ họ với sự tận tình từ tấm lòng người thầy thuốc mà không có sự phân biệt đối xử giữa kẻ giàu - người nghèo hay bất cứ giai cấp tầng lớp nào trong xã hội. Đặc biệt hơn, đó chính là người thầy thuốc chân chính sẵn sàng quên đi mọi quyền lợi riêng tư cá nhân bởi khái niệm “nhân” mãi luôn không thể nào tách rời khỏi chữ “nghĩa”. Đối với lương y Nguyễn Đình Chiểu, y đạo tức là nhân đạo, mà chủ nghĩa nhân đạo của cụ là chủ nghĩa nhân đạo nhân dân rất gần gũi với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản:
“Thấy người đau giống mình đau
Phương nào cứu đặng, mau mau trị lành.
Đứa ăn mày cũng trời sanh
Bịnh còn cứu đặng thuốc dành cho không”.
Tư tưởng nhân đạo cao quý và bản lĩnh liêm chính, tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy trong nghề nghiệp của người thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu rất đáng ngợi ca và là tấm gương sáng cho muôn đời noi theo.
Vì vậy, cần có một giải thưởng mang tên Ông có tầm cở rộng lớn hơn, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, mà trong các lĩnh vực giáo dục, y học và bao hàm cả những phần thưởng vinh danh những gương sáng của người khuyết tật, vượt qua nghịch cảnh, theo đuổi học tập để vươn tới thành công, như tấm gương sáng tuyệt vời của Nguyễn Đình Chiểu mà UNESCO đã khẳng định: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”.
“Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu” nói lên ý nghĩa đó.
Niềm mong mõi của những người tâm huyết
Mong rằng với ý nghĩa mà chủ trương chuyển đổi từ “Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu” thành “Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu”, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ sớm thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy đã giao: “Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tổ chức tuyên truyền, quán triệt về giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu để các ngành, các cấp và Nhân dân biết và thực hiện, bảo đảm thực chất, góp phần xây dựng các gương điển hình trên các lĩnh vực; rà soát, hoàn chỉnh nội quy, quy chế của giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu phù hợp với phạm vi, yêu cầu mới, xin ý kiến cấp có thẩm quyền để ban hành và triển khai thực hiện có kết quả …”.
Hy vọng rồi đây, bên cạnh những tác phẩm, tác giả thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật, sẽ sớm có những tác phẩm, tác giả, những công trình, những cống hiến có tầm cở, có ý nghĩa to lớn trong lĩnh vực giáo dục, y học của tỉnh nhà, để tiếp nối, kế thừa và phát huy giá trị cao đẹp của đội ngũ văn hóa nghệ thuật, thầy giáo, thầy thuốc trên quê hương Nguyễn Đình Chiểu./.
Trần Ngọc Hải
