Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre 6 tháng đầu năm 2023
04/07/2023
Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, các cấp chủ động, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ ngay từ đầu năm, tích cực tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển theo ngành, lĩnh vực quản lý. Qua đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre trong 6 tháng đầu năm đã đạt được một số kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Tốc độ tăng GRDP, Cơ cấu GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Bến Tre
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 3,40% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực khu vực công nghiệp và xây dựng tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với 2 khu vực kinh tế còn lại, cụ thể ước khu vực công nghiệp - xây dựng đạt mức tăng trưởng tăng 5,99%, đóng góp 1,15 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng 2,96%, đóng góp 1,25 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 2,82%, đóng góp 0,98 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt mức tăng trưởng 0,43%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Do được chuẩn bị từ trước nên mùa hạn mặn năm nay ít ảnh hưởng đến sản xuất; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi không nghiêm trọng. Lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục phát triển trên các vùng nuôi trọng điểm, tăng diện tích nuôi tôm công nghệ cao; hoạt động khai thác thủy hải sản tuy còn chịu nhiều tác động của giá nhiên liệu, nguồn lợi thủy sản giảm nhưng vẫn duy trì đội đánh bắt xa bờ. Giá trị tăng thêm ở khu vực nông nghiệp theo giá so sánh ước là 3.215,53 tỷ đồng, tăng 1,41%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế; ngành thủy sản là 2.786,66 tỷ đồng, tăng 4,51%, đóng góp 0,71 điểm phần trăm.
Khu vực công nghiệp - xây dựng: Hoạt động sản xuất công nghiệp đã có bước phục hồi tốt mặc dù còn gặp không ít khó khăn ở một số ngành chế biến các sản phẩm từ dừa, sản xuất các sản phẩm da, may mặc, sản xuất phụ tùng xe có động cơ,… do thiếu đơn đặt hàng, sức tiêu thụ trên thị trường chậm, hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao; tuy nhiên, các doanh nghiệp, cơ sở từng bước vượt qua những khó khăn, tập trung gia tăng sản xuất góp phần tạo đà tăng trưởng năm 2023. Giá trị tăng thêm theo giá so sánh ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 là 2.641,96 tỷ đồng, tăng 6,74% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,99 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm nền kinh tế, trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng 6,61%, thấp hơn mức tăng 7,24% của năm 2022, đóng góp 0,85 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,85%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 4,93%, đóng góp 0,01 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Giá trị tăng thêm theo giá so sánh của ngành xây dựng là 812 tỷ đồng, tăng 3,6%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ: Giá trị tăng thêm ước là 7.357,23 tỷ đồng, tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 7,06% của năm 2022. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,1%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 17,64%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 3,98%, đóng góp 0,13 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,28%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm: Ước 643 tỷ đồng, tăng 0,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.
Quy mô GRDP 6 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành là 32.456,52 tỷ đồng, trong đó: Khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản là 11.305,75 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 34,83%; khu vực công nghiệp - xây dựng là 6.349,38 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,56%; khu vực dịch vụ là 13.613,46 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 41,94%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 1.187,92, chiếm tỷ trọng 3,66%.
Ước thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023 ước là 2.815 tỷ đồng, đạt 52,25% so với dự toán Trung ương, so với địa dự toán phương giao đạt 50,65% và bằng 100,65% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023 là 2.750 tỷ đồng, đạt 52,30% dự toán Trung ương, đạt 50,66% dự toán địa phương và bằng 100,06% so với cùng kỳ. Thu nội địa không tính thu từ tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết là 1.588 tỷ đồng, đạt 45,53% dự toán Trung ương, đạt 44,01% dự toán địa phương giao và bằng 83,99% so với cùng kỳ. Có 10/18 khoản thu, sắc thuế thu đạt và vượt tiến độ dự toán: Thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thuế thu nhập cá nhân; thu phí, lệ phí; thu tiền sử dụng đất; thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản khác; thu tiền sử dụng khu vực biển; thu xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia; thu khác ngân sách.
Ước tổng chi ngân sách địa phương 06 tháng đầu năm 2023 là 5.622 tỷ đồng, đạt 44,33% so dự toán Trung ương và 43,75% so với địa phương giao, so cùng kỳ tăng 21,86%, trong đó: Chi đầu tư phát triển ước là 2.741 tỷ đồng, đạt 50,06% so với kế hoạch vốn năm 2023 và tăng 69,11% so với cùng kỳ; chi thường xuyên ước thực hiện là 2.881 tỷ đồng, đạt 41,35% so với dự toán Trung ương và đạt 41,50% so với dự toán địa phương giao, so cùng kỳ giảm 3,73%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2023 của tỉnh có chiều hướng tăng so với tháng trước, với mức tăng chung là 0,27%. Bình quân so cùng kỳ chỉ số chung tăng 2,31%, trong đó khu vực thành thị tăng 1,60% và khu vực nông thôn tăng 2,44%. Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 năm 2023 biến động tăng so với tháng trước do một số nguyên nhân chính như sau: Giá xăng đã được điều chỉnh tăng trong tháng báo cáo; giá nhóm lương thực và thực phẩm cũng tăng chủ yếu trong nhóm thịt lợn, do nguồn cung sản phẩm khan hiếm; ngoài ra, giá nhóm nhà ở điện chất đốt cũng tăng chủ yếu trong nhóm điện tiêu dùng sinh hoạt, nguyên nhân của sự tăng giá này là do ảnh hưởng tăng giá bán điện do Tập đoàn điện lực Việt Nam điều chỉnh vào ngày 04/5/2023.
Tổng vốn đầu tư ước thực hiện trong quý II/2023 là 4.952,50 tỷ đồng, tăng 19,24% (tương ứng tăng 779,115 tỷ đồng) so với quý trước và giảm 11,89% so với cùng kỳ. Chia ra: Vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện là 1.769,238 tỷ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ theo phân bổ nguồn vốn năm nay tỉnh Bến Tre không phát sinh; vốn tự có của doanh nghiệp thực hiện là 41,456 tỷ đồng; vốn khác thực hiện là 389,154 tỷ đồng. Vốn ngoài Nhà nước thực hiện là 2.484,47 tỷ đồng, giảm 37,64% (tương ứng giảm 1.499,572 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do tình hình kinh tế toàn cầu đang gặp phải nhiều khó khăn. Đặc biệt là các cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn đang diễn ra gay gắt, đẩy giá thành hàng hóa lên cao và làm cho các nhà đầu tư cảm thấy lo ngại về rủi ro. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 261,26 tỷ đồng, giảm 9,21% (tương ứng giảm 26,491 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước là 9.105,89 tỷ đồng, giảm 17,59% so với cùng kỳ. Trong đó: Vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước là 2.887,414 tỷ đồng; vốn ngoài Nhà nước thực hiện là 4.862,31 tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 528,95 tỷ đồng,…
Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp (DN) được thực hiện thường xuyên, liên tục, tổ chức thành công buổi “Họp mặt Doanh nghiệp đầu xuân Quý Mão 2023”, thu hút hơn 200 đại biểu là doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia. Trong 6 tháng đầu năm, tiếp và làm việc với 125 dự án, hộ kinh doanh (HKD) chuyển lên DN; có 45 HKD chuyển lên DN, đạt 12,03% kế hoạch; 80 DN khởi nghiệp, đạt 60,15% kế hoạch; hỗ trợ 152 lượt DN thực hiện các thủ tục tạm ngừng kinh doanh, hiệu đính thông tin đăng ký kinh doanh, đăng ký thành lập mới, chuyển từ HKD lên DN; hỗ trợ 71 lượt cơ sở vật chất, hội trường cho các đơn vị tổ chức sự kiện; hiện có 20 người đăng ký làm việc thường xuyên tại không gian làm việc chung Mekong Innovation Hub; giới thiệu 02 lượt DN tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, kết quả có 01 DN tiếp cận với số vốn 02 tỷ đồng. Tổ chức 05 lớp đào tạo với 260 học viên tham dự về phát triển và nâng cao năng lực cho DN, đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cán bộ đoàn trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã có 283 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký là 2.480,5 tỷ đồng, giảm 13,19% về số lượng DN và giảm 13,45% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2022, đạt 28,88% về số lượng DN so với kế hoạch năm 2023 (980). Có 155 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, giảm 2 DN so cùng kỳ; 43 DN giải thể, giảm 07 DN so cùng kỳ.
Trong 6 tháng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh 3.715 người, trong đó trình độ trung cấp 421 người, sơ cấp và thường xuyên 3.294 người. Đến nay 9/9 huyện, thành phố đã thực hiện hoạt động liên kết đào tạo trình độ trung cấp với các trường đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội theo Đề án 06-ĐA/TU và các Nghị quyết của Tỉnh ủy. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị đã liên kết tổ chức tuyển sinh mới 336 học sinh theo học trình độ trung cấp tại các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách.
Tư vấn việc làm, nghề nghiệp cho 16.000 lượt người, tổ chức 25 phiên giao dịch việc làm. Qua đó, có 12.715 người được giải quyết việc làm (trong đó có 459/1.248 người lao động ngoài tỉnh trở về địa phương tìm được việc làm mới), đạt 63,58% kế hoạch năm, giảm 4,61% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 là 13.329 người). Có 598 người lao động đã xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 29,9% kế hoạch năm, giảm 13,58% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 là 692 người). Nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm đã giải ngân cho vay 1.580 dự án với số tiền 63 tỷ đồng (chủ yếu là hộ gia đình). Cấp 765 triệu đồng mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng năm 2023 cho 235 đối tượng là người có công và thân nhân người có công. Toàn tỉnh vận động xây dựng 38 căn nhà tình nghĩa hỗ trợ cho gia đình chính sách khó khăn nhà ở, kinh phí 2,501 tỷ đồng. Tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo theo quy định, hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai xây dựng mô hình giảm nghèo; khởi công xây dựng 70 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các xã bãi ngang ven biển; cấp thẻ BHYT cho 30.760 người nghèo, 28.743 người cận nghèo và 157.035 người tại các xã bãi ngang ven biển, kinh phí 189 tỷ đồng. Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 1.471 lượt hộ cận nghèo, 1.015 lượt hộ nghèo, 714 lượt hộ mới thoát nghèo, 1.014 lượt hộ hoạt động kinh tế vùng khó khăn. Bên cạnh nguồn vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh, thực hiện các ngành nghề dịch vụ, Ngân hàng chính sách xã hội đã giải ngân cho 9.540 hộ vay chương trình nước sạch - vệ sinh môi trường, 724 lượt hộ vay chương trình học sinh - sinh viên; 3.800 lượt hộ vay Quỹ quốc gia về việc làm, 185 lượt lao động đi làm việc nước ngoài. Tổng kinh phí 358,57 tỷ đồng.
Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19: Toàn tỉnh ghi nhận 09 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, giảm 04 trường hợp so với tuần trước và không trường hợp tử vong. Đến ngày 27/6/2023, toàn tỉnh đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 2 đạt 99,9%, tiêm mũi 3 đạt 96,2%, tiêm mũi 4 đạt 98,7% cho người dân từ 18 tuổi trở lên; tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-17 tuổi đạt 99,8%, tiêm mũi 3 cho trẻ em từ 12-17 tuổi đạt 94,3%; tiêm mũi 1 cho trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi đạt 99,9%, tiêm mũi 2 đạt 93,4%.
Ngày 20/6/2023, trên địa bàn xã Giao Thạnh và An Nhơn, huyện Thạnh Phú xảy ra mưa kèm dông lốc đã gây ảnh hưởng 08 căn nhà (trong đó, có 01 căn sập hoàn toàn và 07 căn tốc máy, hư hỏng). Sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương đã đến thăm hỏi, động viên các hộ dân có nhà bị thiệt hại; cử lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Nguyễn Quốc Thành, Văn phòng Tỉnh ủy
