Tỉnh Bến Tre xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực

25/08/2022

Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 07), ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã phát triển theo hướng hàng hoá, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tỉnh Bến Tre bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung, cơ bản hình thành các liên kết trong chuỗi giá trị của một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, nhất là vùng sản xuất hữu cơ.

Vùng nuôi tôm tập trung ở huyện Thạnh Phú.

Để tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết số 07-NQ/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức Hội nghị triển khai và yêu cầu các huyện ủy, thành ủy, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch để tổ chức quán triệt và tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 3003/KH-UBND ngày 01/6/2021 để cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 07; trong đó, giao các sở, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố các đầu việc thực hiện cụ thể, phù hợp với nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý. Đồng thời, các ngành, địa phương lựa chọn những công việc trọng tâm, đột phá để thực hiện, xác định giải pháp, lộ trình thực hiện và lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương với yêu cầu kết quả phải bằng sản phẩm cụ thể.

Qua công tác triển khai, quán triệt các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp, nông dân đã nhận thức sâu sắc và đồng thuận với việc thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của tỉnh. Đồng thời, nhận thức được ý nghĩa to lớn, yêu cầu cấp thiết của việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới, đặc biệt là xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Trên cơ sở Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 3003/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị cụ thể hóa, xây dựng và ban hành Kế hoạch số 2533/KH-SNN ngày 06/8/2021 về xây dựng thí điểm vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị năm 2021-2023. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng các vùng sản xuất tập trung như: Dừa, heo, bò, tôm biển, lúa và hoa kiểng; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ, phát triển xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý bảo đảm truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng 2030.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tỉnh tổ chức triển khai mới 44 đề tài, dự án trong danh mục đề tài, dự án năm 2021; trong đó gồm: 41 đề tài, dự án cấp tỉnh và 03 đề tài dự án cấp cơ sở. Hoạt động nghiên cứu triển khai các chương trình, đề tài, dự án có nhiều tiến bộ, trên cơ sở bám sát các mục tiêu và nhu cầu phát triển, tăng cường đặt hàng, tuyển chọn các đơn vị có năng lực tham gia nghiên cứu, đã tác động tích cực đến việc nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hoá và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đồng thời, hỗ trợ thành lập mới 02 doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ.

Xây dựng hoàn chỉnh chuỗi giá trị nông sản chủ lực gắn với chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng. Đến nay, toàn tỉnh có 91 Tổ hợp tác (THT) và 56 Hợp tác xã (HTX) đã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và đạt được một số kết quả khả quan, cụ thể:

Chuỗi Dừa: Có 34 THT, 27 HTX với quy mô 6.404,18 ha và 6.905 thành viên (giảm 13 THT do sáp nhập và một số giải thể). Đang triển khai xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa hữu cơ tập trung, gồm: 5 vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích 1.500 ha và 1 vùng sản xuất dừa uống nước tập trung với diện tích 20 ha, gắn phát triển chuỗi giá trị. Vùng sản xuất dừa có thực hiện liên kết là 18.148,4 ha (chiếm 23,5% diện tích dừa toàn tỉnh). Tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ lên 15.337,2 ha (chiếm 19,8% diện tích dừa toàn tỉnh), trong đó diện tích đạt chứng nhận là 13.743,5 ha. Phát triển 3 HTX Nông nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị dừa (đạt 100% theo Kế hoạch 3003/KH-UBND). Toàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau, các doanh nghiệp đã không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất; nghiên cứu sản phẩm mới,… góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, mang lại giá trị cao cho ngành công nghiệp chế biến dừa và đáp ứng nhu cầu của thị trường, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay.

Chuỗi Bưởi da xanh: Đã hình thành 32 THT và 09 HTX, với 1.467 hộ thực hiện liên kết với diện tích khoảng 542,65 ha; đã duy trì 17 liên kết với doanh nghiệp đầu ra với tổng diện tích là 300 ha. Đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng mô hình điểm về vùng sản xuất Bưởi da xanh tại các xã Tam Phước, xã An Hiệp, xã Tường Đa và Thành Triệu (huyện Châu Thành) với diện tích 50 ha. Hiện nay, đã hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho THT bưởi da xanh Thuận Phước, xã Tam Phước với 14,1 ha, hỗ trợ các THT, HTX kết nối tiêu thụ bưởi.

Chuỗi Chôm chôm: Hiện có 46 THT, HTX sản xuất chôm chôm; trong đó, có 22 THT và 05 HTX tham gia liên kết với diện tích khoảng 375,4 ha/768 hộ; diện tích đạt chứng nhận VietGAP là 113,2 ha; đã cấp 22 mã vùng trồng chôm chôm với diện tích151,16 ha; xây dựng tem truy xuất nguồn gốc với số lượng 95.000 tem.

Chuỗi Nhãn: Có 03 HTX gồm 260 thành viên với diện tích 98,5 ha, đã ký kết hợp đồng với 05 đơn vị đầu vào, đã hợp đồng mở 03 đại lý tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên HTX tại chợ Nông sản Thủ Đức; ký hợp đồng liên kết với 01 đơn vị đầu ra tại tỉnh với sản lượng 300 tấn/năm.Tuy nhiên, sản lượng và giống nhãn trái chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, hiện tại chủ yếu là giống nhãn xuồng cơm vàng ở Tam Hiệp.

Chuỗi Cây giống, hoa kiểng: Có 04 HTX, 234 hộ tham gia với diện tích 54 ha. Hiện các ngành đang phối hợp với các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc rà soát, nắm tình hình hoạt động sản xuất cây giống hoa kiểng, xây dựng kế hoạch về vùng sản xuất tập trung. Lựa chọn các nhân tố tham gia chuỗi để thực hiện các mục tiêu trong thời gian tới; làm việc với một số cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã cây giống hoa kiểng để thống nhất tham gia chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh cây giống hoa kiểng. Kiểm tra, rà soát lại các quy trình kỹ thuật sản xuất cây giống hoa kiểng đã có, làm cơ sở đề xuất xây dựng bổ sung quy trình sản xuất cho các chủng loại cây giống hoa kiểng còn thiếu.

Chuỗi con heo: Đã có 02 THT và 03 HTX với 184 hộ tham gia với khoảng 10.778 con và xây dựng 4 liên kết đầu vào - ra; bình quân mỗi tháng liên kết tiêu thụ đầu ra khoảng 1.500 con heo; đang tiếp tục vận động, thành lập thêm 01 HTX tham gia chuỗi heo tại huyện Mỏ Cày Nam; triển khai xây dựng vùng sản xuất tập trung chăn nuôi heo gắn với phát triển chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Giồng Trôm.

Chuỗi con bò: Đã có 01 THT và 04 HTX tham gia liên kết với các công ty, doanh nghiệp và HTX với tổng cộng 2.140 con. Thực hiện liên kết đầu ra bình quân mỗi quý tiêu thụ khoảng 100 con bò; tiếp tục vận động, thành lập thêm 01 HTX tham gia chuỗi bò trên địa bàn huyện Ba Tri.

Tăng cường liên kết tìm đầu ra tiêu thụ bò cho người dân.

Chuỗi Tôm biển: Diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao thả nuôi từ đầu năm đến nay đạt: 2.000 ha/2.200 ha (đạt 90,9% so với Kế hoạch số 3003/KH-UBND); thành lập 01 HTX nuôi tôm công nghệ cao tại xã Bình Thắng huyện Bình Đại với 30 xã viên; đang hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch thành lập HTX nuôi tôm công nghệ cao huyện Thạnh Phú năm 2022. Tiếp tục triển khai phương án phát triển thêm 500 ha trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, kết nối cung cầu thị trường được duy trì với nhiều hình thức phù hợp điều kiện thực tế, đặc biệt kết nối tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường mạng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp; hỗ trợ xúc tiến thương mại ngoài nước được quan tâm thực hiện. Hạ tầng thương mại tiếp tục được đầu tư.

Nhìn chung qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030, công tác quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc. Hầu hết các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm tổ chức triển khai, cụ thể hóa cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn ngày càng được quan tâm đầu tư, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đổi mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Tuy nhiên, công tác tổ chức triển khai, quán triệt, cụ thể hóa ở một số đơn vị, địa phương còn chậm; việc xây dựng kế hoạch, đầu việc, chỉ tiêu cụ thể để tổ chức thực hiện ở một số địa phương còn hạn chế. Công tác tuyên truyền được thực hiện nhưng ở một số nơi hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư; vai trò chủ thể của người dân chưa phát huy triệt để, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của cấp trên.

Việc tổ chức sản xuất, liên kết của các THT, HTX còn rời rạc, thiếu chặt chẽ. Mối liên kết sản xuất- tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa bền vững và thực chất, chưa có hiệu quả rõ ràng. Việc tổ chức lại vùng sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch đất đai, khu dân cư nông thôn ở một số nơi chưa đi vào thực tiễn,...;vấn đề sản xuất nhỏ lẻ, manh mún còn tồn tại; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch chung. Mô hình sản xuất được quan tâm đầu tư, có nhiều mô hình, cách làm hay nhưng còn thiếu mô hình tiên tiến, có khả năng nhân rộng cao, phù hợp với điều kiện, tập quán.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030 trong thời gian tới tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 07-NQ/TU, gắn với các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của các ngành, các cấp, các địa phương, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hệ thống chính trị và Nhân dân. Xác định phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, yêu cầu của phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách của địa phương. Tập trung củng cố, phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần tuyên truyền bằng hành động, mô hình thiết thực.

Tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở điều chỉnh đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất liên quan đến sản xuất nông nghiệp và quy hoạch dân cư, phù hợp lợi thế của địa phương, sinh thái vùng, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu;...

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, chứng nhận GAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc thông qua các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư. Thực hiện tốt công tác phòng, trị các dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản; nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý giống và vật tư đầu vào phục vụ sản xuất. Hình thành các mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, ưu tiên đối với những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, tiết kiệm, an toàn, nhất là trong lĩnh thủy sản. Xây dựng các mô hình điểm về vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả để nhân rộng.

Tiếp tục quan tâm củng cố và xây dựng các tổ hội nghề nghiệp, THT, HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tập trung thực hiện đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; rà soát, lựa chọn một số HTX hoạt động hiệu quả để định hướng thành lập Liên hiệp HTX chung ngành nghề, lĩnh vực. Xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX điểm của tỉnh, huyện.Tăng cường hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, xúc tiến thương mại, chuyển đổi số cho khu vực KTTT, HTX; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động các HTX nông nghiệp sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản cấp quốc gia, vùng, địa phương; xây dựng và triển khai các chiến lược phát triển thương hiệu; hỗ trợ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, GAP,...; tăng cường giám sát, quản lý mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; quản lý, khai thác, phát triển các nhãn hiệu đã được xây dựng và bảo hộ; tiếp tục xây dựng hệ thống nhận diện địa phương, nhận diện thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Diễm Phúc (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)