Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở - Giải pháp quan trọng để huy động sức dân

20/04/2024

Ngày 05/3/2024, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chương trình công tác dân vận năm 2024, với chủ đề “Đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở”, với quan điểm: thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở sẽ tác động đến các khâu, nhiệm vụ khác của công tác dân vận, tạo sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, triển khai các công trình, dự án trọng điểm,…và năm 2024 cũng là năm tập trung triển khai, cụ thể hoá thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Kiểm tra việc thực hiện QCDC ở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

 

Trong những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các nghị định của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp,... được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

 

Qua triển khai thực hiện QCDC đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân, tạo sự đồng thuận, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tiến bộ. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở nhiều nơi hoạt động khá hiệu quả, phát huy được dân chủ trực tiếp của nhân dân tại địa bàn dân cư. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đạt nhiều kết quả, một số nơi đã tổ chức được các hoạt động phản biện xã hội ở cấp huyện và cơ sở. Nhân dân tham gia tích cực hơn vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền. Quyền làm chủ của nhân dân, các hình thức dân chủ đại diện được phát huy; dân chủ trực tiếp được mở rộng; phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. 

 

Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế, yếu kém như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về QCDC ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa kịp thời; nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức. Việc công khai các nội dung liên quan ở nhiều địa phương, cơ sở chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin. Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế. Việc thực hiện QCDC trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước, khu vực dân doanh còn nhiều khó khăn; có lúc, có nơi còn tình trạng người dân khiếu kiện đông người, vượt cấp, nhưng giải quyết chưa triệt để, nhất là trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi thu hồi đất. Vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân lợi dụng dân chủ để yêu cầu, đòi hỏi không chính đáng, không đúng pháp luật, tham gia khiếu kiện đông người, làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật,... 

 

Để tiếp tục thực hiện tốt các văn bản của Đảng, nhất là triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và chủ đề công tác dân vận năm 2024 theo Chương trình số 50-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

 

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ, coi đây là một khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nơi thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất. 

 

Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã, đang và sẽ góp phần khơi dậy, phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo và nguồn lực to lớn của nhân dân trong việc tham gia bàn bạc những công việc của địa phương; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Đi đôi với phát huy, mở rộng dân chủ, phải chú trọng giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân; kiên quyết phê phán, lên án, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ, coi thường kỷ cương phép nước, làm mất an ninh, trật tự ở cơ sở, làm hại đến lợi ích của nhân dân. 

 

Cấp uỷ, chính quyền các cấp phải chỉ đạo thực hiện đầy đủ, sâu sắc các văn bản của Đảng, Nhà nước, các quy chế, quy định về các loại hình thực hiện QCDC ở cơ sở đã ban hành, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, tham gia vào quản lý nhà nước và quản lý xã hội, để QCDC cơ sở trở thành mục tiêu và động lực phát triển.

 

Hai là, tập trung triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đúng theo Quyết định số 346/QĐ-TTg, ngày 06/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 4005/KH-UBND, ngày 05/7/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh; từng cơ quan được giao trách nhiệm phải chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ để đưa Luật sớm đi vào cuộc sống, tạo sự liên tục, đồng bộ trong quá trình thực hành và phát huy dân chủ ở cơ sở. Hiện nay, tỉnh đang triển khai nhiều chủ trương, định hướng phát triển mang tính đột phá, sáng tạo và rất mới mẻ, với khát vọng sớm đưa Bến Tre bứt phá đi lên, và tất nhiên sẽ có nhiều thách thức, khó khăn. Do vậy, hơn lúc nào hết, phải phát huy thật tốt vai trò chủ thể trong tham gia, hưởng ứng và tích cực thực hiện của các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà, do vậy, việc thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở là phương pháp, hình thức dân vận quan trọng, nếu không nói là mang tính quyết định đến việc tập hợp, huy động sức mạnh, nguồn lực to lớn trong dân để triển khai các nhiệm vụ đó.

 

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận của chính quyền, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, trong mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi để nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các điểm nóng, vụ việc phức tạp, kéo dài. Nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân; tăng cường đánh giá sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức.

 

Thực hiện tốt QCDC trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp; tiếp tục chỉ đạo chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc, công tác, quan hệ với nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong thực thi công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ việc chuyển đổi số, cung ứng dịch vụ công mức độ 4, triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp.

 

Bốn là, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp cơ sở đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

 

Năm là, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp, gắn với trách nhiệm của từng cá nhân được phân công phụ trách địa phương và các lĩnh vực; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở, quan tâm những ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân,...

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: "Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân"; "Đảng ta là đảng cầm quyền; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân"; "cán bộ, đảng viên là công bộc của dân",...Việc đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả dân chủ ở cơ sở để người dân thật sự là chủ thể của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, cũng chính là thực hiện theo lời Bác dạy. Tin rằng, với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Viêt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, sẽ đưa việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày càng đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả, không ngừng phát huy dân chủ, khơi dậy tiềm năng, sức mạnh của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

 

Bùi Văn Bia (Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy)