Tăng tốc triển khai, hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát vào 30-6-2025
01/04/2025
Ngày 1-4-2025, Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo (BCĐ) triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh tổ chức phiên họp thứ ba. Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến - Trưởng BCĐ xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh chủ trì cuộc họp. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười - Phó trưởng BCĐ; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung - Phó trưởng BCĐ đồng chủ trì.

Trưởng ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Giồng Trôm phát biểu ý kiến.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Trần Văn Trưng báo cáo tại buổi làm việc: Ở giai đoạn 1 (dự kiến hoàn thành trước 30-4-2025), số hộ có nhu cầu hỗ trợ xây dựng, sửa chữa đối với hộ người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn là 1.031 hộ, trong đó xây dựng mới 701 và sửa chữa 330 hộ, với kinh phí hỗ trợ là 51,96 tỷ đồng. Về kinh phí giai đoạn 1, tỉnh đã phân bổ đủ 21,21 tỷ đồng cho 471 hộ người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Riêng đối 560 hộ khó khăn, tỉnh, huyện, xã đang tích cực vận động kinh phí thực hiện và triển khai đối với các trường hợp đã có kinh phí.
Ở giai đoạn 2 (dự kiến hoàn thành trước 31-10-2025), số hộ có nhu cầu hỗ trợ xây dựng, sửa chữa đối với hộ người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo là 1.070 hộ, trong đó có 761 hộ xây mới và 309 hộ sửa chữa, với kinh phí hỗ trợ là 54,93 tỷ đồng. Về nguồn kinh phí giai đoạn 2, tỉnh chưa phân bổ cho địa phương, do hiện nay đang gặp vướng mắc, khó khăn, chưa đảm bảo quy định về đất đai. Tuy nhiên nguồn kinh phí ngân sách hiện có là 97,98 tỷ đồng, từ các nguồn: hỗ trợ của TP. Hồ Chí Minh 45 tỷ đồng; tiết kiệm 5% của ngân sách Trung ương cho địa phương 25,025 tỷ đồng; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh năm 2024 (bao gồm ngân sách cấp huyện, xã) 5,55 tỷ đồng và nguồn kinh phí tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách tỉnh năm 2024 (bao gồm ngân sách cấp huyện, xã) 22,405 tỷ đồng.

Sở Nông nghiệp và Mô trường phát biểu thảo luận tại phiên họp.
Trình bày những khó khăn trong việc thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, phía Sở Xây dựng nêu: có 1.031 hộ đảm bảo điều kiện về đất đai theo tiêu chí Bộ Xây dựng (tại Quyết định số 781/QĐ-UBND ngày 13-3-2025 phê duyệt kết quả rà soát nhu cầu hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025), còn 1.070 hộ gia đình người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa đảm bảo điều kiện về đất đai và tiêu chí diện tích, kết cấu theo Quyết định số 55/QĐ-BXD.
Một số địa phương vẫn phát sinh nhu cầu điều chỉnh trong danh sách 2.101 hộ đã được phê duyệt, chủ yếu do các lý do như: hộ dân thay đổi nhu cầu giữa sửa chữa và xây mới hoặc không muốn tiếp tục nhận hỗ trợ, công tác tổng hợp số liệu giữa các cấp có thay đổi nhưng chưa điều chỉnh kịp thời.
Một số địa phương cấp xã chưa thật sự quyết liệt triển khai. Đối với 560 hộ khó khăn đã được phê duyệt nhu cầu hỗ trợ, không được sử dụng từ ngân sách nhà nước, hiện nay các cấp đang vận động kinh phí thực hiện nhưng chưa đủ để thực hiện.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung yêu cầu các huyện bám sát tiến độ thực hiện để chỉ đạo cấp xã thực hiện tốt; đề nghị các địa phương xem kỹ chỉ đạo của tỉnh về việc thực hiện 2 giai đoạn của Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh với các nội dung cần tập trung lãnh, chỉ đạo.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến - Trưởng ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến - Trưởng BCĐ xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh đề nghị các địa phương tăng tốc triển khai, với mục tiêu hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng hộ người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn, phải kết thúc trước ngày 30-6-2025 (cho cả 2 giai đoạn), trước khi không còn cấp huyện, không còn đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh do sáp nhập.
Nguồn kinh phí cho chương trình gồm ngân sách, quỹ đền ơn đáp nghĩa và các nguồn xã hội hóa khác. Cần xác định rõ đối tượng hưởng lợi, ưu tiên hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng.
Các địa phương (tỉnh, huyện, xã) cần tăng cường trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ và triển khai quyết liệt chương trình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để đảm bảo chương trình được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch. Cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng để thuận lợi trong quá trình triển khai.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1 sẽ kết thúc vào 30-4-2025, đúng vào dịp chào mừng 50 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng này và 50 năm giải phóng tỉnh, tỉnh sẽ tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1.
Theo baodongkhoi.vn
