Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu của đơn vị sử dụng lao động
04/10/2024
Thời gian qua, tình hình sử dụng nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã phát huy được vai trò, hiệu quả.
Chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người lao động tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Betrimex Bến Tre (Ảnh Kim Sang)
Theo đó, năm 2023, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã trích 1,462 tỷ đồng từ quỹ bảo hiểm y tế cho 441 đơn vị đủ điều kiện, chiếm 13,96%/tổng số đơn vị lao động trên địa bàn tỉnh. Năm 2024, số đơn vị đủ điều kiện trích kinh phí CSSKBĐ là 456 đơn vị (tăng 15 đơn vị so với năm 2023), chiếm 14,37%/tổng số đơn vị sử dụng lao động, với kinh phí trích dự kiến là 1,916 tỷ đồng tăng 31% so với năm trước do mức thu bảo hiểm y tế điều chỉnh theo quy định mới.
Nguồn kinh phí CSSKBĐ này được sử dụng để chi mua thuốc thiết yếu, vật tư y tế, trang thiết bị y tế, văn phòng phẩm,…phục vụ công tác sơ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe học sinh và người lao động theo quy định. Nhìn chung, việc sử dụng nguồn kinh phí CSSKBĐ đã giúp các đơn vị sử dụng lao động kịp thời trong việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh thông thường và sơ cứu, cấp cứu người bị nạn khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động theo quy định cho người lao động trong thời gian làm việc tại đơn vị. Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động được thường xuyên, liên tục giúp người lao động được an tâm, được đảm bảo quyền lợi trong quá trình tham gia lao động.
Chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh tại Trường trung học cơ sở Hưng Phong. (Ảnh Kim Sang)
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn trong việc thực hiện trích kinh phí CSSKBĐ, như: số lượng đơn vị sử dụng lao động đủ điều kiện trích kinh phí CSSKBĐ còn chiếm tỷ lệ thấp, phần lớn tập trung vào các cơ sở giáo dục, trong khi các doanh nghiệp sản xuất, nơi lao động gặp nhiều rủi ro thì số doanh nghiệp đủ điều kiện trích kinh phí CSSKBĐ lại thấp. Do đó, việc chăm sóc y tế cho người lao động tại nhiều doanh nghiệp còn gặp nhiều hạn chế.
Ngoài ra, lực lượng nhân viên y tế tại các đơn vị chủ yếu có trình độ điều dưỡng, trong khi y sĩ rất ít, dẫn đến hạn chế trong việc chỉ định thuốc và xử lý tình huống cấp cứu. Một số đơn vị thiếu nhân viên y tế phải hợp đồng với các Trạm y tế xã, gây khó khăn cho sự liên tục và thường xuyên trong công tác chăm sóc sức khỏe.
Để khắc phục những vấn đề này, BHXH tỉnh Bến Tre đã đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả CSSKBĐ. Cụ thể, Công đoàn viên chức tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị có quy mô lao động lớn và tính chất công việc nặng nhọc, nên thành lập phòng y tế riêng để đảm bảo điều kiện trích kinh phí từ quỹ BHYT thực hiện các nhiệm vụ CSSKBĐ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đồng thời, BHXH tỉnh cũng kiến nghị Sở Y tế đẩy mạnh công tác tập huấn cho nhân viên y tế tại các doanh nghiệp, giúp nâng cao kỹ năng sơ cứu và xử trí các tình huống khẩn cấp. Đồng thời, BHXH tỉnh sẽ kiểm tra định kỳ việc sử dụng kinh phí để đảm bảo tính minh bạch, đúng quy định và hiệu quả cao nhất.
Kim Sang