Một số kết quả nổi bật của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bến Tre năm 2023

25/01/2024

Năm 2023, hệ thống tổ chức hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em (NNCĐDC/dioxin-BVQTE) trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò tham mưu cấp ủy, chính quyền tập trung tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2023-2028 ở 03 cấp Hội, củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh và đẩy mạnh các hoạt động vận động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đạt được những kết quả thiết thực.

Chủ trì hội nghị tổng kết Hội năm 2023

Kết quả công tác tổ chức, chính sách, xây dựng Hội

Tổ chức thành công đại hội đại biểu NNCĐDC/dioxin-BVQTE, nhiệm kỳ 2023-2028 ở 03 cấp Hội. Các chi hội ở xã của huyện Giồng Trôm đã nâng lên thành Hội cấp xã. Các tổ chức Hội đã kiện toàn đầy đủ tổ chức, nhân sự để hoạt động tốt. Phát triển được 629/500 hội viên mới, hiện có 20.059 hội viên, trong đó, hội viên là nạn nhân da cam 3.511 người. Phát triển mạng lưới Bảo vệ quyền trẻ em trong Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, trường học, cộng tác viên dân số ở ấp, khu phố.

Hiện có 3.511 người hưởng chính sách. Kiến nghị giải quyết chính sách cho 04 nạn nhân (huyện Chợ Lách 01 người, Ba Tri 02 người, Mỏ Cày Bắc 01 người). Tiếp tục kiến nghị giải quyết chính sách cho nạn nhân chất độc da cam là thế hệ cháu của người kháng chiến. Trong năm 2023, cho thôi hưởng chính sách đối với 124 trường hợp do không chứng minh được có người thân sống trong vùng bị rải chất độc hoá học; 52 nạn nhân bệnh chết; hưởng chính sách mới 10 nạn nhân.

Kết quả chấm điểm giao ước thi đua năm 2023, 8/8 đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Hội, gồm: Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách, Châu Thành, Bình Đại, Mỏ Cày Bắc, thành phố Bến Tre.

Tặng bằng khen cho các tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023                      

Kết quả công tác vận động nguồn lực

Trong năm 2023, các cấp Hội tích cực vận động nguồn lực để hỗ trợ nạn nhân da cam, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các hoạt động nhân đạo, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới,…với tổng số tiền trên 39,1 tỷ đồng, trong đó:

Hoạt động hỗ trợ nạn nhân da cam: Hỗ trợ xây dựng 44/15 căn nhà tình thương, tình nghĩa (trị giá 2,242 tỷ đồng); hỗ trợ vốn cho 158/150 hộ NNCDDC có nhu cầu vốn để chăn nuôi, buôn bán nhỏ (số tiền 1,324 tỷ đồng); khám bệnh, mổ mắt miễn phí cho 2.456 người (số tiền 2,031 tỷ đồng); trao 365 chiếc xe lăn và xe lắc (trị giá 861,5 triệu đồng); tặng 46.040/25.000 suất quà nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ, ngày thảm họa da cam, tết nguyên đán (trị giá 14,572 tỷ đồng). Vận động hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho NNCDDC đặc biệt khó khăn 10 kg gạo hoặc tiền mặt từ 150.000 đồng - 500.000 đồng trở lên cho 1.335/700 lượt người (số tiền 1,442 tỷ đồng). Thực hiện nhiều hỗ trợ khác như: vận động hòm mai táng cho nạn nhân mất; hỗ trợ xuất ăn cho bệnh nhân nghèo; hỗ trợ nạn nhân bệnh hiểm nghèo với số tiền 2,637 tỷ đồng. Nuôi dưỡng 26 trẻ em là nạn nhân da cam tại nhà nuôi dưỡng bán trú xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Duy trì 01 phòng tập phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam.Thăm và tặng quà tết, tặng học bổng cho người dân Bến Tre đi kinh tế mới tại huyện Esúp, tỉnh Đắk Lắk.

Hoạt động bảo vệ quyền trẻ em: Vận động hỗ trợ 2.035/1.000 suất học bổng (trị giá 1,719 tỷ đồng), 4.005 xuất học phẩm (trị giá 811 triệu đồng), 85 xe đạp cho trẻ em trong gia đình có nạn nhân da cam, khuyết tật, mồ côi trong dịp khai giảng năm học 2023-2024. Tặng 19.881 suất quà tết nguyên đán, tết trung thu cho trẻ em, trị giá 2,913 tỷ đồng; tặng bảo hiểm y tế cho học sinh trong hộ cận nghèo. Thăm, tư vấn tặng quà cho 04 trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo hành.

Kết quả hoạt động góp phần xây dựng nông thôn mới, góp phần an sinh xã hội.

Các cấp Hội vận động và xây 107 cây cầu nông thôn, 04 đoạn lộ bê tông 2.402 m theo tiêu chí nông thôn mới, tổng số tiền 8,367 tỷ đồng.

Một số khó khăn, hạn chế của Hội

Nạn nhân da cam đa số là nghèo và không có khả năng lao động, khả năng tự chăm sóc bản thân nên việc hỗ trợ chỉ giải quyết nhu cầu duy trì cuộc sống, rất khó vươn lên thoát nghèo hay tạo việc làm có thu nhập để có cuộc sống tốt hơn. Cán bộ Hội chuyên trách ít, công việc nhiều nên rất áp lực, nhiều thời điểm không đủ người phụ trách các công việc từ thiện, an sinh xã hội. Cán bộ hội cơ sở hoạt động không có thù lao.   

Nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024 

Bà Võ Thị Thủy, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin-BVQTE tỉnh cho biết: Năm 2024, các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục phát huy vai trò tham mưu đề xuất tốt cho cấp ủy, chính quyền trong thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW và chuẩn bị cho tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị (2015-2025), thực hiện tốt các văn bản của Đảng, nhà nước về xây dựng và hoạt động Hội, về công tác chăm sóc nạn nhân da cam và bảo vệ quyền trẻ em, cụ thể:

Một là, sau Đại hội nhiệm kỳ 2023-2028, các Hội hoàn thiện quy chế hoạt động; phân công, giao việc cụ thể, phù hợp. Thống nhất thời điểm, nội dung, cách thức tổng hợp báo cáo trong toàn hệ thống hội đảm bảo đầy đủ, kịp thời, chính xác. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, phát triển hội viên. Tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng công tác hội cho cán bộ mới được bầu sau đại hội. Phối hợp củng cố nhân sự lãnh đạo Hội của 02 huyện: Thạnh Phú và Mỏ Cày Nam.

Hai là, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động trong các cấp Hội. Tập trung tuyên truyền nghị quyết đại hội các cấp, nhất là Nghị quyết của 02 Trung ương Hội. Tuyên truyền về thảm họa da cam và việc khắc phục, hỗ trợ nạn nhân da cam, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tăng cường phối hợp với báo, đài, phát huy việc tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng, thông qua mạng xã hội và kết hợp tuyên truyền trong tổ chức sự kiện.

Ba là, tổ chức tốt phong trào thi đua vì NNCĐDC, vì trẻ em. Kịp thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động chăm sóc nạn nhân da cam và Bảo vệ quyền trẻ em. Tham gia Dự án về nhiệm vụ đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường đất, tồn lưu hóa chất/dioxin trong môi trường đất trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Bốn là, tích cực vận động nguồn lực xã hội để thực hiện công tác chăm sóc nạn nhân chất độc da cam, bảo vệ quyền trẻ em, xây dựng nông thôn mới; vận động trao tặng quà và các hoạt động hỗ trợ khác đối với nạn nhân chất độc da cam, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hỗ trợ nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam nghèo, khuyết tật tại cộng đồng hàng tháng. Vận động xây dựng cầu, đường nông thôn ở những nơi còn khó khăn.

Năm là, thực hiện tốt công tác kiểm tra việc thực hiện điều lệ Hội và các chương trình, kế hoạch của Hội, tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia đóng góp xây dựng chính sách liên quan đến nạn nhân da cam, người khuyết tật và trẻ em.

Sáu là, tích cực tham gia các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các hội quần chúng. Thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội. Mở rộng các chương trình phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan như Sở Y tế, cơ quan Dân số, gia đình và trẻ em, các cơ quan bảo vệ pháp luật, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, Trung tâm trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp,...

 

Nguyễn Hiếu (BDV Tỉnh ủy)