Lái xe gây tai nạn nhẹ và đã thỏa thuận bồi thường cho nạn nhân xong, có thể không bị xử lý hình sự

30/01/2023

Ông Nguyễn Văn Tám có nhu cầu tư vấn: Cuối tháng 11-2022, tôi đi xe máy va vào xe ông S làm ông té ngã và gãy xương ống chân. Tôi đã thỏa thuận với ông S bồi thường tiền điều trị thương tích xong và có chi tiền bồi dưỡng cho ông 50 triệu đồng. Ông S đồng ý nhưng vợ và con trai ông không chịu. Xin hỏi: Trường hợp của tôi có bị xử lý hình sự hay không? Tôi phải làm sao?

 

Thắc mắc của ông được luật sư Nguyễn Văn Tặng (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

 

- Do thông tin ông cung cấp chưa thể hiện được lỗi thuộc về bên nào, luật sư xin tư vấn theo trường hợp ông Tám là người có lỗi:

 

Trường hợp tỷ lệ tổn thương của ông S từ 61% trở lên thì:

 

Theo khoản 1, Khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

 

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm:

a) Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên…

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định…”.

Theo đó, nếu có kết quả giám định mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông S là từ 61% trở lên (theo điểm a Khoản 1) thì ông Tám có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, hoặc có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

 

Việc ông Tám tự nguyện bồi thường thiệt hại cho ông S được xem là một tình tiết giảm nhẹ (theo điểm b, Khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).

 

* Trường hợp tỷ lệ tổn thương của ông S dưới 61% thì:

 

Căn cứ vào Điều 601 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

 

Điều 584 BLDS quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

 

Mặt khác, theo Khoản 1 Điều 585 BLDS quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau: “Thiệt hại trên thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể tự thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác”.

 

Căn cứ vào những quy định pháp luật nêu trên, phương tiện giao thông được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Ông Tám điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn cho ông S khiến ông S gãy xương ống chân thì phải bồi thường thiệt hại cho ông S.

 

Theo quy định trên, trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các chủ thể có quyền và nghĩa vụ liên quan có thể thỏa thuận về tất cả các vấn đề liên quan đến vụ việc. Cụ thể như mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường (việc thỏa thuận này có thể diễn ra trước, trong hoặc sau khi tranh chấp về bồi thường thiệt hại đã được tòa án có thẩm quyền giải quyết).

 

Trong trường hợp này, chủ thể có quyền và nghĩa vụ là ông Tám và ông S. Vợ và con ông S không phải chủ thể nên không có quyền tham gia thỏa thuận.

 

Dựa vào thông tin ông cung cấp, nếu giữa ông và ông S đã thỏa thuận mức bồi thường và hình thức bồi thường thì ông cần thực hiện việc bồi thường cho ông S (theo đúng thỏa thuận). Xem như các bên đã hoàn thành việc thỏa thuận trong quan hệ bồi thường thiệt hại, ông Tám không phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

Nguồn: baodongkhoi.vn