Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa X: Thảo luận các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đô thị

13/07/2022

Chiều ngày 12-7-2022, Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa X thảo luận tại hội trường. Đại biểu đã tập trung thảo luận bàn giải pháp cho các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đô thị.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam phát biểu. Ảnh H. Hiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam phát biểu.

 

Tập trung giải pháp phát triển kinh tế tập thể

 

Bàn về thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đại biểu Hà Quốc Cường - Tổ đại biểu đơn vị huyện Mỏ Cày Nam cho rằng: Kinh tế hợp tác là một trong bốn thành phần kinh tế đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong thời gian qua. Sau khi Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 có hiệu lực, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi các hoạt động kinh tế hợp tác theo luật. Trong đó, có đơn vị huyện Mỏ Cày Nam, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đồng thời xử lý các HTX tồn tại hình thức, kém hiệu quả.

 

Theo đại biểu Hà Quốc Cường, trên địa bàn huyện hiện có 22 HTX. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp (16 HTX), công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (2 HTX), tín dụng (2 QTD), giao thông vận tải (1 HTX), tài nguyên môi trường (1 HTX) với tổng vốn điều lệ 39,58 tỷ đồng, có 5.930 thành viên tham gia; có 99 tổ hợp tác (THT) hoạt động lĩnh vực nông nghiệp với 1.550 thành viên tham gia.

 

Thời gian qua, công tác tuyên truyền được chú trọng, góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về tầm quan trọng và vai trò của kinh tế tập thể (KTTT), HTX trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. KTTT của huyện có bước phát triển khá cả về số lượng và chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém; nhiều HTX có sự gắn kết hiệu quả hơn với doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh (con heo Mỏ Cày Nam, sản phẩm từ dừa, bưởi da xanh,..); với phương thức đổi mới hoạt động của các THT, HTX bước đầu phù hợp với cơ chế thị trường, nhiều HTX hoạt động có hiệu quả, tạo được lòng tin, mang lại lợi ích cho thành viên, góp phần giải quyết việc làm tăng thêm thu nhập cho người lao động. Các HTX trên địa bàn huyện tiếp cận được các chính sách hỗ trợ phát triển; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

 

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường phát biểu. Ảnh H. Hiệp

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường phát biểu.

 

Đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng theo đại biểu Hà Quốc Cường, bên cạnh những chính sách khuyến khích phát triển KTTT từ Trung ương đến địa phương thì quy định về thủ tục hưởng chính sách hỗ trợ cho sự phát triển KTTT còn khá nhiều thủ tục, nhiều HTX chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng do không có tài sản thế chấp, phương án sản xuất, kinh doanh thiếu tính khả thi; đa phần HTX chưa được thuê đất dài hạn để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh. Quy mô sản xuất nhỏ, cơ sở vật chất, hạ tầng, khoa học, công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và phát triển đa dạng của nền kinh tế như hiện nay. Một số HTX còn thụ động trong tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm; còn HTX hoạt động mang tính hình thức để đạt tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

 

Công tác quản lý nhà nước về HTX, THT ở cơ sở chưa được chú trọng, khả năng tham mưu, đề xuất các giải pháp xây dựng và phát triển KTTT hợp tác còn hạn chế. Năng lực quản lý, điều hành của HTX chưa được phát huy đúng mức, nhiều HTX chưa thu hút được cán bộ trẻ có trình độ về làm việc. Phần lớn các HTX chưa có nhân viên kế toán chuyên trách nên việc quản lý, báo cáo tài chính, sổ sách kế toán chưa đồng bộ. Việc giải thể các HTX ngừng hoạt động còn gặp khó khăn do các HTX còn nợ thuế, không có người đại diện để thực hiện giải thể, hoặc thiếu hợp tác nên không thành lập được Hội đồng giải thể theo quy định tại khoản 2 Điều 54 của Luật HTX năm 2012.

 

Bàn giải pháp phát triển KTTT thời gian tới, đại biểu Hà Quốc Cường đề nghị, tiếp tục tuyên truyền, thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT, HTX nhằm đổi mới toàn diện về nội dung, hình thức hợp tác, liên kết phù hợp với từng vùng, lĩnh vực theo Luật HTX năm 2012 và Điều lệ của HTX. Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT nhất là đối với HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp; từng bước mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; sản xuất gắn với chuỗi giá trị; chú trọng tăng năng suất, chất lượng, có sản phẩm đạt tiêu chuẩn; đa dạng hóa các dịch vụ và kết nối tiêu thụ nông sản ổn định; vận dụng tốt chính sách hỗ trợ KTTT, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

 

Tập trung triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển HTX theo Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND, ngày 8-12-2021 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về HTX, củng cố và phát huy vai trò của Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX; tháo gỡ những rào cản, khó khăn nhằm nâng cao khả năng huy động và tiếp cận nguồn lực phát triển kinh tế hợp tác. Phát triển THT, HTX về quy mô và chất lượng; xây dựng và phát triển mô hình kinh tế hợp tác bền vững; phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên; phát triển thành viên tham gia kinh tế hợp tác.

 

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản về quản lý HTX, cho bộ máy quản lý, điều hành, giám sát kiểm tra HTX, về thực hiện chuyển đổi số trong HTX; xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, chuyển đổi số; tiếp tục khai thác, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, vận hành nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn giao dịch thương mại điện tử đặc sản Bến Tre; triển khai các phần mềm ứng dụng, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của HTX, THT trong việc khai thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử. Xây dựng mô hình HTX và tổng kết mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, chương trình OCOP. Nhân rộng các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, từng bước, khẳng định kinh tế hợp tác là nhân tố quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.  

 

Liên kết sản xuất hữu cơ theo chuỗi giá trị

 

Đại biểu Nguyễn Quốc Bảo - Tổ đại biểu đơn vị huyện Bình Đại phát biểu: Kinh tế nông nghiệp có bước phục hồi nhưng tăng trưởng chậm chỉ trên dưới 3%. Thực tế sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Đầu tư cho nông nghiệp chưa nhiều, các mặt hàng chủ lực cũng chưa đạt, chế biến xuất khẩu còn kém. Nhiều mặt hàng xuất khẩu cũng nhỏ, chưa có sản lượng lớn. Sản xuất nông nghiệp ngày càng khó khăn, giá thấp, sâu bệnh dịch hại nhiều. Giải pháp chưa mang tính đột phá, liên kết sản xuất tuy có nhưng còn mang tính hình thức.

 

Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Nguyễn Quốc Bảo phát biểu. Ảnh H. Hiệp

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Nguyễn Quốc Bảo phát biểu.

 

Giải pháp sắp tới, phát triển mạnh các mô hình sản xuất, liên kết từng sản phẩm cụ thể theo hướng sạch, an toàn, xuất khẩu thông qua doanh nghiệp. Liên kết sản xuất dừa hữu cơ và các sản phẩm khác. Tăng cường, đa dạng hóa chế biến sản phẩm, nâng chất lượng sản phẩm OCOP. Điều tra dừa do lão hóa và sâu đầu đen, thay đổi giống mới nhưng phải đảm bảo sản lượng đạt kế hoạch.

 

Nuôi tôm công nghệ cao ngoài tăng diện tích cần có đánh giá giải pháp đồng bộ trong đầu tư như: hạ tầng, giao thông, thủy lợi. Sớm đầu tư một số vùng sản xuất bị suy thoái để cải tạo các vùng nuôi hiệu quả hơn. Nghiên cứu thay thế vùng nuôi, vùng trồng phù hợp. Đánh giá cụ thể sản phẩm OCOP. Mã vùng trồng, sản lượng xuất khẩu để có cái nhìn toàn hiện về nông nghiệp hơn.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành. Ảnh H. Hiệp

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành, Tổ đại biểu đơn vị huyện Châu Thành cho rằng: Thời gian vừa qua và hiện nay các loại nông sản “chủ lực” của tỉnh còn đang rất là bấp bênh,  đầu ra không ổn định; đời sống nông dân gặp khó khăn. Điển hình từ chuỗi dừa, trong số 8 sản phẩm, chỉ có dừa là chuỗi liên kết khá rõ nét.

 

Tuy nhiên, trên thực tế sản lượng dừa của Bến Tre (khoảng 600 triệu trái/năm) nhưng chưa được tiêu thụ hết trong chuỗi liên kết (khoảng hơn 20 triệu trái). Số còn lại (khoảng 580 triệu trái) rất cần được quan tâm đưa vào chuỗi; nghĩa là cần thêm nhà máy chế biến; cần thêm HTX, THT để liên kết người trồng dừa theo hướng sản xuất vườn dừa hữu cơ, nghĩa là phải có được vùng sản xuất hàng hóa tập trung đúng với khái niệm của nó. Mặt khác, cần áp dụng khoa học - công nghệ để nâng cao chất lượng dừa trái và sản phẩm từ dừa.

 

Một điều không thể thiếu được là mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện nay sản phẩm dừa Bến Tre có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chủ yếu là Hoa Kỳ, Trung Đông, châu Phi, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc,... Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ dừa của phần lớn là lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

 

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức: Làm sao để phát triển nông nghiệp có hiệu quả không gì hơn là phải làm kinh tế nông nghiệp. Vì nông nghiệp chúng ta đang làm nhưng kết quả chưa rõ. Giải pháp, quan tâm phát triển chuỗi liên kết, làm nông sản có giá trị kinh tế cao. Tỉnh ta đã đi đầu sản xuất dừa hữu cơ, diện tích khoảng 15.000ha, phát triển 64 mã vùng trồng và các hình thức sản xuất khác. Để phát triển nông nghiệp bền vững ta phải tạo giá trị tăng thêm bằng việc xây dựng mô hình trồng xen, nuôi xen cụ thể. Chú trọng kết nối các lĩnh vực sản xuất nhưng cũng hòa cùng sự phát triển các lĩnh vực khác như: dịch vụ, chế biến, giải pháp kỹ thật trên cây trồng vật nuôi, và giải pháp biến đổi khí hậu. Kết hợp trồng xen, nuôi xen trong khi chưa kiểm soát được mặn. Công tác thông tin tuyên truyền cực kỳ quan trọng.

 

Tiêu thụ nông sản là vấn đề khó và lớn, đặc biệt gần đây là giá dừa. Vậy cần nhìn thực tế để có giải pháp. Trong đó mấu chốt là tăng cường liên kết xây dựng chuỗi, nhưng thực tế chỉ mới chưa được 10%. Hợp đồng liên kết chưa chặt chẽ, khi có sự cố xảy ra giải quyết tranh chấp thật khó. Tăng cường vùng nguyên liệu thì trước hết phải tăng cường năng lực chế biến, nhất là đa dạng sản phẩm, tạo giá trị tăng thêm cao hơn. Năng lực tiếp cận thị trường thời gian qua có cải thiện nhưng vẫn chưa đủ, hàng chưa vào các siêu thị cụ thể, nhất là mặt hàng chủ lực.

 

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu phát biểu. Ảnh: Hữu Hiệp

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu phát biểu.

 

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu: Dừa Bến Tre chất lượng cao nhưng gần đây giá xuống quá thấp gây khó khăn cho nông dân. Bởi thị trường Trung Quốc giảm mua và ban hành các quy định tiêu chuẩn khắc khe hơn. Tỉnh xuất khẩu mỗi năm 350 triệu USD/năm, trong đó Trung Quốc 30 - 40%, còn lại châu Âu, Bắc Mỹ, nhưng thị trường Trung Quốc sản phẩm xuất rất đa dạng hơn các thị trường khác. Ngoài ra, một số nước sản xuất dừa cũng nhiều, giá thành rẻ hơn. Các thị trường khác thì do ảnh hưởng giá xăng dầu tăng cao, chi phí vận chuyển tăng 30% nên rất khó tiêu thụ.

 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã nỗ lực tăng cường công suất để tiêu thụ nhiều hơn. Sở phối hợp và có các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc các nước châu Âu, Mỹ. Trong tháng 8 sẽ đối thoại với các doanh nghiệp Trung Quốc để tìm đầu ra. Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua châu Âu. Ngân hàng hỗ trợ thêm vốn để các doanh nghiệp tăng cường dự trữ thu mua cho nông dân. Khuyến cáo giữ vững vườn đừa, quan trọng nhất là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất để duy trì sản xuất vùng nguyên liệu. Sở tiếp tục phối hợp các sở ngành tỉnh, Trung ương để tiếp tục tháo gỡ.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho rằng: Sản xuất manh mún nhỏ lẽ kéo dài và thời gian qua tỉnh đã thấy nhưng thật sự rất khó để giải quyết tình trạng này. Việc đề xuất xây dựng vùng sản xuất tập trung thời gian qua ta có chưa.

 

Hiện tỉnh đã có vùng sản xuất tập trung cây giống, hoa kiểng ở Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành. Vùng sản xuất tập trung dừa gần như có cả tỉnh. Vùng nuôi thủy sản tập trung hình thành ở các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. Vùng sản xuất bò Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Giồng Trôm. Vùng sản xuất lúa tập trung ở Ba Tri, Giồng Trôm. Vấn đề tỉnh sẽ đầu tư, củng cố và phát huy như thế nào. Hình thành THT, HTX để phát huy giá trị, nhất là áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Sau đó, là vai trò doanh nghiệp cụ thể là các nhà máy chế biến.

 

Cây dừa chuỗi giá trị đã rõ nét nhưng đầu ra gặp khó. Bò, heo, có doanh nghiệp muốn đầu tư cải tạo chất lượng bò Ba Tri tốt hơn, sẽ thay thế bò nhập khẩu nước ngoài. Vần đề là tỉnh tạo điều kiện thế nào để doanh nghiệp sớm triển khai dự án. Đã có 1 doanh nghiệp muốn đầu tư 1.000ha nuôi tôm công nghệ cao gắn với xây dựng nhà máy chế biến tiêu thụ tôm cả tỉnh, đây là những tín hiệu rất đáng mừng nếu như xúc tiến đầu tư nhanh.

 

Sớm ban hành Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia

 

Trong phát triển nông nghiệp, đại biểu Lê Thị Hoàng Oanh - Tổ đại biểu đơn vị huyện Chợ Lách đề xuất giải pháp thực hiện Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia. Đại biểu kiến nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt và ban hành đề án. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân.

 

Đại biểu Lê Thị Hoàng Oanh - Tổ đại biểu đơn vị huyện Chợ Lách phát biểu. Ảnh: P. Tuyết

Đại biểu Lê Thị Hoàng Oanh - Tổ đại biểu đơn vị huyện Chợ Lách phát biểu.

 

Sưu tập và bảo tồn một số cây đầu dòng và̀ vườn cây đầu dòng chủ lực tại các hộ sản xuất cây giống trong tỉnh. Kiến nghị ngành chức năng tỉnh phối hợp các ngành có liên quan của huyện Chợ Lách để thực hiện quy trình công nhận cây đầu dòng, vườn đầu dòng đúng theo quy định luật trồng trọt. Hướng dẫn cơ cấu giống, sử dụng giống cây trồng, quản lý khai thác cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng và sản phẩm giống cây trồng bảo đảm các tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn cơ sở và tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sản xuất cây giống.

 

Liên kết với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong việc nhân tạo giống các loại hoa kiểng quý dựa trên kỹ thuậ̣t nuôi cấy mô tế bào. Nghiên cứu tiếp nhận chuyển giao dịch vụ tư vấn và triển khai các công nghệ kỹ thuật để sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, môi trường. Hỗ trợ các cơ sở kinh doanh xây dựng và bảo trợ quyền sở hữu trí tuệ cây giống để cấp có thẩm quyền cấp phát. Lai tạo, du nhập và khảo nghiệm một số giống cây và hoa kiểng mới. Xây dựng được chương trình lai tạo giống cây trồng và hoa kiểng mới với diện tích quy hoạch ở trung tâm và hộ dân. Liên kết hợp tác với người dân trong việc xây dựng chuỗi giống hoa kiểng. Hướng dẫn nông hộ các kỹ thuật tự sản xuất phân hữu cơ ủ hoai, phân hữu cơ vi sinh phục vụ cho sản xuất cây giống hoa kiểng. Đối với doanh nghiệp, HTX trong việc xuất nhập khẩu cây giống. Xây dựng mô hình hoa kiểng, giống cây mới để làm tiến trình chuyển giao khoa học công nghệ mới cho nông dân và doanh nghiệp. Xây dựng các điểm trình diễn sản xuất hữu cơ, hữu cơ vi sinh góp phần hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan.

 

Kết nối vào Đề án Làng văn hóa du lịch bằng cách bảo tồn và khảo nghiệm, lai tạo các giống cây, hoa kiểng tiềm năng bản địa thông qua các mô hình: Làng hoa giấy, làng hoa mai vàng, vườn cây ăn trái, vườn sản xuất cây giống… nhằm phục vụ phát triển du lịch của huyện Chợ Lách. Định kỳ 2 năm/lần phối hợp tổ chức, tham dự Festival cây giống và hoa kiểng khu vực đồng bằng sông Cửu Long để thúc đẩy phát triển du lịch và thương mại cho ngành sản xuất cây giống và hoa kiểng huyện Chợ Lách. Nghiên cứu xây dựng để đưa sản phẩm thương hiệu cây giống hoa kiểng Chợ Lách lên sàn giao dịch điện tử. Bảo đảm nâng cao chất lượng nguồn cung cấp cây giống trên 80% có truy xuất nguồn gốc vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Đưa nhanh sản phẩm nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực công nghệ sinh học vào được thương mại hóa và tăng cường đăng ký nhãn hiệu địa danh của vùng.

 

Đầu tư trang thiết bị và nguồn lực ngành y tế của tỉnh

 

Đánh giá về thực trạng trang thiết bị y tế hiện nay, đại biểu Trần Thị Mỹ Hạnh - Tổ đại biểu đơn vị Huyện Bình Đại cho rằng: Trang thiết bị y tế là điều kiện không thể thiếu trong khám chữa bệnh, trong việc triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao, đặc biệt là các kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Nhờ việc đầu tư trang thiết bị y tế nên nhiều kỹ thuật trước đây chỉ thực hiện ở tuyến tỉnh nay đã được thực hiện ở tuyến huyện như: Chạy thận nhân tạo, thở máy, mổ nội soi, mỗ kết hợp xương. Những kỹ thuật chuyên sâu mà trước đây chỉ có bệnh viện tuyến Trung ương thực hiện, nay đã được triển khai, áp dụng thành công ở bệnh viện tuyến tỉnh như: Máy DSA trong chụp động mạch vành, đặt stent điều trị NMCT, đặt máy tạo nhịp… Góp phần mang lại hiệu quả điều trị cao nhất và giảm thiểu biến chứng cho người bệnh thuộc các lĩnh vực lâm sàng và cận lâm sàng, đồng thời đáp ứng kịp nhu cầu phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao và chuyên sâu.

 

Từ thực tế trên cho thấy, việc đầu tư trang thiết bị y tế là vô cùng cần thiết để cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh sẽ thu hút người bệnh đến khám chữa bệnh, từng tuyến sẽ giữ được bệnh nhân của mình, giảm tải chuyển viện tuyến trên tạo thêm nguồn thu cho đơn vị để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân viên y tế và thu hút nguồn nhân lực có năng lực làm việc lâu dài tại đơn vị.

 

Đại biểu Trần Thị Mỹ Hạnh - Tổ đại biểu đơn vị Huyện Bình Đại phát biểu. Ảnh: P. Tuyết

Đại biểu Trần Thị Mỹ Hạnh - Tổ đại biểu đơn vị Huyện Bình Đại phát biểu.

 

Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Mỹ Hạnh còn cho rằng: Nguồn nhân lực sẽ quyết định chất lượng điều trị. Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn trong thời gian kéo dài, áp lực công việc nặng nề hơn vừa tham gia chống dịch, vừa tham gia công tác chăm sóc, điều trị người bệnh thông thường nhưng tổng thu nhập lại giảm hơn trước.

 

Tình hình tài chính của các đơn vị sau giai đoạn chống dịch đều gặp nhiều khó khăn, thậm chí thu không đủ bù chi. Trong khi các cơ sở y tế tư nhân ngày càng phát triển với những chính sách hấp dẫn, thu hút nhân lực chất lượng cao, công việc ít áp lực mà thu nhập lại cao dẫn đến tình trạng nghỉ việc ở bệnh viện công lập để sang cơ sở y tế tư nhân dẫn đến nguồn nhân lực ở các cơ sở y tế công không đủ cho nhu cầu phát triển theo vị trí việc làm.

 

Với thực trạng hiện nay, đề xuất giải pháp cho thời gian tới nhằm thu hút nguồn nhân lực ngành y yế, đại biểu Trần Thị Mỹ Hạnh đề nghị tỉnh cần có chính sách thu hút đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, mở rộng đào tạo chuyên ngành phù hợp, những ngành tất yếu cho tuyến cơ sở. Có chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc ở các cơ sở y tế công lập, có sự ràng buộc bác sĩ đào tạo theo địa chỉ khi ra trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị có điều kiện thực hiện xã hội hóa để tạo môi trường làm việc ngoài giờ nhằm tăng thu nhập cho viên chức y tế, thu hút nhân viên gắn bó lâu dài với cơ sở y tế.

 

Đề nghị các bộ, ban, ngành sớm ban hành các thông tư, nghị định hướng dẫn công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư trang thiết bị y tế phục vụ tốt cho công tác khám chữa bệnh. Thống nhất cơ chế thanh toán BHYT phù hợp với thực tế giúp tháo gở khó khăn cho các cơ sơ y tế.

 

Tác động của việc triển khai các Dự án đô thị trên địa bàn TP. Bến Tre đối với kinh tế - xã hội và đời sống người dân trong vùng dự án

 

Đại biểu HĐND tỉnh Trần Văn Của - Tổ đại biểu đơn vị huyện Thạnh Phú: Tại kỳ họp này HĐND tỉnh sẽ biểu quyết thông qua 13 nghị quyết (NQ) về xây dựng các khu đô thị mới. Trong đó, TP. Bến Tre có 5 NQ, đại biểu đồng tình cao vì TP. Bến Tre hoàn thành đô thị loại I trước năm 2030. Các huyện còn lại đều có NQ xây dựng đô thị mới, tuy nhiên huyện Bình Đại và Thạnh Phú chưa được đề cập đến. Giai đoạn 2026 - 2030 Bình Đại sẽ lên đô thị loại III, Thạnh Phú lên đô thị loại IV, nếu tỉnh chưa đề cập 2 huyện Thạnh Phú, Bình Đại ngay kỳ họp này thì đến giai đoạn nêu trên có đạt đô thị như Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy đề ra.

 

Đại biểu HĐND tỉnh Trần Văn Của - Tổ đại biểu đơn vị huyện Thạnh Phú. Ảnh: Hữu Hiệp

Đại biểu HĐND tỉnh Trần Văn Của - Tổ đại biểu đơn vị huyện Thạnh Phú.

 

Theo Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy Bến Tre phát triển về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, đại biểu đề nghị UBND tỉnh nên xem xét đề cập xây dựng đô thị cho 3 địa phương Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú để đến giai đoạn trên mà NQ đề ra đảm bảo đạt chỉ tiêu cho các huyện biển về xây dựng đô thị. Đại biểu nhận thấy các huyện biển được phát triển kinh tế về hướng Đông cần có chủ trương xây dựng đô thị biển là cần thiết. Phát triển nuôi tôm công nghệ cao, du lịch biển, lấn biển…

 

Để xây dựng các khu đô thị nêu trên khi HĐND tỉnh ban hành NQ và đi vào thực hiện có hiệu quả, đại biểu Trần Văn Của đề xuất một số giải pháp. UBND tỉnh có chủ trương đồng bộ về xây dựng các khu đô thị mới và có những biện pháp cứng rắn, quyết liệt hơn đối với các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Mời gọi chọn nhà đầu tư có năng lực, trách nhiệm với công việc không vì lợi dụng đấu thầu xong bán thầu lấy lợi nhuận. Quy trình thực hiện các dự án xây dựng đô thị phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, Luật đất đai. Dự án xây dựng khu đô thị mới ưu tiên cho người dân bị thu hồi đất đảm bảo tốt mọi chế độ để họ có cuộc sống mới tốt hơn, ổn định hơn.

 

Đại biểu HĐND TP. Bến Tre Phạm Đông Thuận. Ảnh: Hữu Hiệp

Đại biểu HĐND TP. Bến Tre Phạm Đông Thuận.

 

Đại biểu HĐND TP. Bến Tre Phạm Đông Thuận: Tỉnh đang trong quá trình xây dựng phát triển đô thị có nhiều vấn đề cần quan tâm, 26 dự án, 1.757ha, trong đó có 8 dự án, diện tích 159ha đang triển khai...Việc đề xuất thực hiện dự án này là rất cần thiết và có tác động tích cực đến kinh tế, đời sống người dân.

 

Bên cạnh tác động tích cực thì còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Các dự án độ thị mới triển khai chậm có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của thành phố nhưng chưa thực hiện, kéo dài nhiều năm thì người sử dụng đất trong vùng dự án bị ảnh hưởng lớn nhưng không được phép xây nhà mới, không được phép chuyển mục đích sử dụng đất; ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trong khi các dự án triển khai chậm. Các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh không dám đầu tư lớn, hoạt động sản xuất nông nghiệp không được chăm sóc thường xuyên nên hiệu quả kinh tế thấp, người dân gặp nhiều khó khăn.

 

Đại biểu Phạm Đông Thuận đề nghị: Thực hiện các dự án lớn ở thành phố cần xem xét và có kế hoạch phân kỳ đầu tư thực hiện. Có cơ chế cho xây nhà ở có thời hạn cho người dân. Có kiểm tra, giám sát thường xuyên tiến độ triển khai các dự án, đồng thời có chế tài xử lý đối với các tổ chức cá nhân thực hiện chậm tiến độ, thực hiện không đúng quy hoạch.

 

Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng phát biểu phát biểu. Ảnh H. Hiệp

Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng phát biểu phát biểu.

 

Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng nói rõ tầm quan trọng phát triển đô thị và nhiều vấn đề cử tri quan tâm. Các vấn đề đặt ra là chậm triển khai ảnh hưởng đến người dân. Tỉnh có tỷ lệ đô thị còn thấp, mà muốn phát triển thì không phải dễ, phải có sự phối hợp đồng bộ. Chậm là vì lĩnh vực này rất phức tạp, khó khăn, làm hồ sơ nhiều lần, việc nghiên cứu đề ra nghị quyết từ 6 tháng đến 1 năm. Bước nửa là lập hồ sơ kêu gọi đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư phải mất từ 1 - 2 năm và có thể cũng phải mất thời gian dài hơn nữa. Việc các dự án chậm triển khai làm ảnh hưởng đến kinh tế đời sống người dân nhưng không có giải pháp nào để giải quyết thỏa đáng cho người dân, nhất là không được trồng cây lâu năm và xây cất nhà mới. Giải pháp duy nhất là chỉ có đẩy nhanh các thủ tục đầu tư.

 

Có giải pháp hạn chế lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi

 

Đại biểu Nguyễn Văn Quới - Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Giồng Trôm cho rằng: Tình trạng các công trình thủy lợi, thủy lợi nội đồng bị chướng ngại do người dân xây dựng lấn chiếm làm nghẽn dòng chảy làm ảnh hưởng đến hiệu quả công trình. Cơ quan chức năng tỉnh đã thực hiện những biện pháp gì để bảo vệ.

 

Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Quang Thương. Ảnh: Huỳnh Đức

Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Quang Thương.

 

Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nguyễn Quang Thương cho hay: Hiện nay, việc lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi, thủy lợi nội đồng diễn ra khá nhiều. Nguyên nhân do ý thức bảo vệ công trình của một số người dân chưa cao; trong đó, có một số trường hợp do lịch sử để lại, thời điểm này chưa có Luật Thủy lợi (ban hành năm 2017) và các văn bản hướng dẫn thi hành.

 

Hiện nay, công tác quản lý nhà nước đối với các công trình thủy lợi được thực hiện theo Luật Thủy lợi (Luật số 08/2017/QH14 ngày 19-6-2017); Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14-5-2018 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi; Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 14-5-2018, quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi.

 

Đối với các trường hợp do lịch sử để lại, các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, vận động người dân chấp hành theo quy định pháp luật. Mặt khác, các ngành chức năng cũng tiến hành đo đạc, xác lập hồ sơ pháp lý và cắm cột mốc đối với các công trình thủy lợi nội đồng. Chi cục Thủy lợi rất mong lãnh đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân thực hiện nghiêm quy định pháp luật về bảo vệ các công trình thủy lợi, đê điều.

 

Tập trung giải pháp kéo giảm tệ nạn xã hội

 

Đại biểu Dương Thị Diễm Sương. Ảnh: Huỳnh Đức

Đại biểu Dương Thị Diễm Sương.

 

Đại biểu Dương Thị Diễm Sương - Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Mỏ Cày Bắc thảo luận: Trước tình trạng tệ nạn xã hội (TNXH), xảy ra nhiều, đạo đức thanh thiếu niên xuống cấp và tội phạm có xu hướng gia tăng; đại biểu đề nghị một số giải pháp phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội. Đồng thời đề nghị cơ quan chức năng tỉnh cho biết có những giải pháp gì nhằm kéo giảm TNXH trong 6 tháng cuối năm 2022.

 

Vấn đề này, Đại tá Võ Hùng Minh - Giám đốc Công an tỉnh có ý kiến: Trong những tháng đầu năm, Công an tỉnh đã chủ động mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường thực hiện nhiều giải pháp phòng chống tội phạm (PCTP), TNXH và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) sâu rộng trong quần chúng nhân dân.

 

Đại tá Võ Hùng Minh - Giám đốc Công an tỉnh. Ảnh: Huỳnh Đức

Đại tá Võ Hùng Minh - Giám đốc Công an tỉnh.

 

Công an tỉnh tiếp tục triển khai Kế hoạch 3575/KH-UBND ngày 25-6-2021 của UBND tỉnh về thực hiện công tác PCTP, tệ nạn ma túy (TNMT) và Kế hoạch 3781/KH-BCĐ ngày 6-7-2021 của Ban Chỉ đạo PCTP, TNXH và xây dựng phong trào TDBVANTQ (Ban Chỉ đạo) tỉnh về phối hợp giữ trong sạch địa bàn sau triệt xóa các điểm, tụ điểm cờ bạc, ma túy.

 

Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc tham gia phòng ngừa, đấu tranh với TNXH; chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Ban chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương hàng tháng rà soát, lên danh sách các điểm, tụ điểm TNXH để phân công trách nhiệm đấu tranh, triệt xóa.

 

6 tháng đầu năm, tình hình tội phạm về trật tự xã hội (TTXH) và các loại tệ nạn được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tội phạm về TTXH xảy ra 255 vụ, giảm 21 vụ so với cùng kỳ năm 2021; TNXH phát hiện, xử lý 237 vụ, giảm 127 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Đa số là TNXH đánh bạc với 184 vụ, 1.170 đối tượng; 52 vụ sử dụng trái phép ma túy, 236 đối tượng. Cơ quan chức năng đã khởi tố 4 vụ với 6 bị can tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, 1 vụ mại dâm với 2 đối tượng; phạt hành hành chính 967 đối tượng với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng; còn lại đang tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật.

 

Đối với tệ nạn ma túy, đã xảy ra nhiều trường hợp đối tượng lợi dụng các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, nhà trọ, khách sạn, game bắn cá... để sử dụng trái phép chất ma túy. Cơ quan công an đã phát hiện 11 vụ, 146 đối tượng. Trong đó, nổi lên là quán karaoke Lam Sơn, qua test 16 đối tượng, phát hiện có 11 đối tượng dương tính; quán Newclup, qua test 60 đối tượng có 11 đối tượng dương tính. Đáng lưu ý có một số cơ sở bị kiểm tra, xử phạt nhiều lần, bị thu hồi giấy phép hoạt động, nhưng đã thay đổi tên cơ sở, thay đổi người đứng tên kinh doanh để tiếp tục hoạt động (karaoke Lê Đăng - Mỏ Cày Nam). Hiện Công an tỉnh đã phối hợp với các địa phương rà soát, lên danh sách 6 điểm kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự có nghi vấn liên quan tệ nạn ma túy.

 

Công tác đấu tranh PCTP, TNXH trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định. Trong đó, đa số các điểm, tụ điểm TNXH,  đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn đối phó lực lượng chức năng như xây dựng tường rào kiên cố, phân công người cảnh giới hoặc không tập trung đông người, nhất là hoạt động đá gà qua mạng (1 hoặc 2 đối tượng cũng có thể tham gia cá cược). Một số vụ tệ nạn được thực hiện trong khoảng thời gian rất ngắn (đá gà hẹn) đã gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý. Ở một số địa phương, tình trạng tệ nạn cờ bạc, ma túy tái hoạt động sau khi triệt xóa vẫn còn khá nhiều, các giải pháp giữ trong sạch địa bàn sau khi triệt xóa đạt hiệu quả chưa cao, trong đó có nguyên nhân do ý thức về đấu tranh PCTP của một số người dân chưa cao.

 

Về khách quan, do pháp luật quy định chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe (đối tượng lợi dụng các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh, trật tự để hoạt động tệ nạn, khi bị phát hiện sẽ thay đổi người đại diện để tiếp tục hoạt động, hiện nay chưa có cơ chế xử lý tình trạng này). Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động và chuyển hướng hoạt động trên không gian mạng…

 

Ở một số địa phương, phong trào TDBVANTQ chưa thực sự mạnh, công tác phối hợp đấu tranh triệt xóa TNXH đôi lúc chưa đồng bộ, chặt chẽ. Mặt khác, nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng chống TNXH của Ban chỉ đạo các cấp chưa đáp ứng yêu cầu (năm 2021, 2022 Ban Chỉ đạo Trung ương không phân bổ kinh phí cho Ban chỉ đạo các địa phương, kinh phí địa phương còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu).

 

Để góp phần kéo giảm TNXH trong những tháng cuối năm 2022, Công an tỉnh đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia trong công tác đấu tranh PCTP và TNXH; trọng tâm là thực hiện  nghiêm túc và đạt hiệu quả Kế hoạch 3575 ngày 25-6-2021 của UBND tỉnh; Kế hoạch 3781 ngày 6-7-2021 của Ban chỉ đạo tỉnh.

 

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng ngừa tội phạm, TNXH. Tăng cường theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo theo ngành dọc trong việc thực hiện công tác PCTP, TNXH. Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo, đài tăng cường công tác phối hợp với chính quyền các cấp trong tuyên truyền đấu tranh PCTP, TNXH sâu rộng trong nhân dân.

 

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên thường xuyên giáo dục, vận động các trường hợp cá biệt tham gia hoặc có biểu hiện vướng vào TNXH; quan tâm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thu hút sự tham gia của các thế hệ thanh thiếu niên, kéo họ ra khỏi sự lôi kéo, dụ dỗ của các đối tượng TNXH.

 

Nguồn: baodongkhoi.vn