Kết quả, tiến độ thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030
09/08/2023
Qua hơn 02 năm triển khai thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 3409/KH-UBND ngày 16/6/2021 của UBND tỉnh về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030, các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng để phát triển nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương, góp phần quan trọng vào phát triển nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lớp Trung cấp lý luận chính trị mở tại Trường Chính trị Bến Tre đi nghiên cứu thực tế tại Ninh Thuận – Khánh Hòa.
Công tác triển khai thực hiện
Căn cứ Đề án số 06-ĐA/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND) ban hành Kế hoạch số 3409/KH-UBND ngày 16/6/2021 về triển khai thực hiện Đề án số 06- ĐA/TU của Tỉnh uỷ. Ngày 21/6/2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Kế hoạch số 3409/KH-UBND.
Qua Hội nghị triển khai, các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương căn cứ vào Kế hoạch số 3409/KH-UBND của UBND tỉnh đã chủ động xây dựng Kế hoạch cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế của các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương hoặc lồng ghép vào các kế hoạch giai đoạn, năm của các đơn vị để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, để nắm tình hình triển khai thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU và Kế hoạch số 3409/KH-UBND, Tổ công tác thực hiện Đề án đã tổ chức 02 cuộc giám sát về tình hình triển khai thực hiện và báo cáo kết quả qua 01 năm thực hiện tại 02 đơn vị là Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND huyện Thạnh Phú.
Phát triển nguồn nhân lực trong khu vực công
Thực hiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 6773/KH-UBND ngày 15/10/2021 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025 và đã triển khai thực hiện hàng năm.
Kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC): Về đào tạo là 409 người; về bồi dưỡng: Lý luận chính trị - hành chính là 825 người; quản lý nhà nước là 1.055 người; kỹ năng lãnh đạo, quản lý điều hành cấp phòng, cấp huyện, cấp sở là 804 người; chuyên môn, nghiệp vụ, chức danh nghề nghiệp: 2.191 người (CBCC cấp xã 488 người); bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh là 259 người; bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp là 3.674 người.
Ngoài ra, Khối Đảng, Đoàn thể đã cử 204 CBCCVC đào tạo cao cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chức danh lãnh đạo cho 87 người; bồi dưỡng Bí thư, Phó Bí thư cấp huyện là 06 người; bồi dưỡng kiến thức QPAN đối tượng 1, 2 là 33 người và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác Đảng là 110 người.
Công tác phát triển nguồn nhân lực trong các cơ quan quản lý nhà nước luôn bảo đảm về số lượng, cơ cấu và theo vị trí việc làm, để nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc.
Phát triển nguồn nhân lực sự nghiệp
Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ: Hợp tác, liên kết với 20 trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cho 953 lượt người tham gia, vượt chỉ tiêu đề ra (400 người/năm).
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo: UBND tỉnh ban hành Kế hoạch nâng cao trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2021 – 2025; 100% cán bộ quản lý trường học được bồi dưỡng trung cấp lý luận chính trị và nghiệp vụ quản lý giáo dục trước khi bổ nhiệm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý được quan tâm, đã mở các lớp đào tạo nâng chuẩn giáo viên theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ cho 471 người.
Qua 02 năm triển khai đề án, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo 15.729 người; công nhận tốt nghiệp cho 10.525 người; từ đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2022 đạt 64,22%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 34,57%. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố mở các lớp đào tạo với ngành, nghề như: May và thiết kế thời trang; Điện công nghiệp và dân dụng; Công nghệ ô tô; Cơ khí; Điện lạnh; Nghiệp vụ nhà hàng và khách sạn; Quản lý và bán hàng siêu thị; Kinh doanh thương mại và dịch vụ,…
Phát triển nguồn nhân lực trong khu vực kinh tế
Công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về du lịch, kỹ năng xây dựng sản phẩm du lịch, kỹ năng truyền thông quảng bá du lịch,...được tỉnh và các địa phương quan tâm thực hiện thường xuyên. Tổ chức 05 lớp tập huấn trực tuyến cho gần 900 cán bộ, công chức quản lý nhà nước về du lịch, lao động trong ngành du lịch và các hộ dân có ý định làm du lịch và trực tiếp tổ chức 08 lớp đào tạo, tập huấn du lịch với sự tham gia của hơn 1.200 học viên.
Các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, thành phố đã chủ động liên kết với các Trường Cao đẳng, Trung cấp tổ chức tuyển sinh và đào tạo trình độ trung cấp chính quy cho 432 học viên tham gia đào tạo các ngành, nghề phục vụ cho ngành du lịch như: Quản trị nhà hàng, hướng dẫn du lịch, chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn.
Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực trong doanh nghiệp; đã tổ chức 10 lớp đào tạo, bồi dưỡng về tư duy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng chiến lược marketing,...cho 897 lượt người; giới thiệu 620 lượt người là học sinh, sinh viên, người có ý tưởng khởi nghiệp, chủ doanh nghiệp tham gia các lớp đào tạo về khởi sự doanh nghiệp; đã tổ chức 21 lớp đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực công nghệ thông tin và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, với 1.885 người tham dự.
Phát triển nguồn nhân lực trong xã hội
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các chương trình, dự án như: Chương trình rà soát danh mục đào tạo nghề cho cộng đồng ngư dân khai thác thuỷ sản phù hợp với thị trường lao động; Dự án hỗ trợ ngư dân khai thác thuỷ sản chuyển đổi nghề sang lĩnh vực dịch vụ, thương mại và du lịch sinh thái; Dự án hỗ trợ nuôi trồng thuỷ sản cho hộ ngư dân chuyển đổi nghề,...đã tổ chức triển khai 42 lớp tập huấn, tuyên truyền về tổ chức, hoạt động của Tổ hợp tác cho 1.200 người; 23 lớp tập huấn, vận động thành lập Hợp tác xã cho 703 lượt người tham dự.
Đối với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã liên kết với các trường tổ chức các lớp đào tạo trình độ trung cấp tại các huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú, đào tạo cho 243 học viên, gồm các ngành, nghề: Điện công nghiệp và dân dụng; công nghệ ô tô; cơ khí;…Ngoài ra, đã tổ chức 04 lớp tập huấn phương pháp cải tiến Kaizen cho 350 học viên; đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho 458 người làm ngành xây dựng và công nhân xây dựng.
Một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới
Để thực hiện tốt Đề án số 06-ĐA/TU trong thời gian tới tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, rà soát nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường công tác liên kết đào tạo các lớp trung cấp nghề tại huyện.
Hai là, thực hiện chính sách đào tạo thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế, nhất là đội ngũ y, bác sĩ về công tác tại tuyến y tế cơ sở; tiếp tục phối hợp với với các trường đại học đào tạo cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ cho lĩnh vực y tế.
Ba là, khảo sát nắm nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp, khắc phục tình trạng đào tạo không gắn với thị trường lao động và mất cân đối trong cung, cầu lao động.
Bốn là, khuyến khích doanh nghiệp đào tạo, thu hút chuyên gia nghiên cứu khoa học và công nghệ làm việc tại các doanh nghiệp; cơ chế chính sách huy động đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khoa học, công nghệ, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong các ngành và địa phương.
Năm là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao gắn liền với các chuỗi giá trị về nông nghiệp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Quang Tiến (VPTU)
