Huyện Thạnh Phú: Tăng trưởng xanh định hướng phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030

17/11/2023

Thực hiện Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 – 2030 theo Quyết định số 2082/QĐ-UBND ngày 18/9/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh; thời gian qua, huyện Thạnh Phú đã cụ thể hóa các nhiệm vụ được phân công, lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp vào các chương trình, kế hoạch phát triển 5 năm, hàng năm của địa phương.

Du lịch biển Thạnh Phú đang trên đà phát triển.

 

Với định hướng phát triển bền vững, Thạnh Phú tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở kế hoạch sử dụng đất liên quan đến sản xuất nông nghiệp dựa vào lợi thế của địa phương, sinh thái vùng, nhu cầu thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tốt các tiềm năng đất đai, nhất là đất nuôi trồng thủy sản. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản chủ lực, chú trọng rút ngắn chuỗi giá trị, rà soát, lựa chọn những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương để xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nhằm góp phần phát triển mạnh và bền vững nền nông nghiệp của huyện, tạo ra sự khác biệt trong liên kết sản xuất và đời sống người dân tham gia chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả phân phối lợi ích giữa các bên. Đồng thời, huyện chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản; chủ động chuyển đổi vùng trồng lúa, mía kém hiệu quả sang trồng dừa, hoa màu, cây ăn trái và chăn nuôi. Phối hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu nông sản.

 

Bên cạnh đó, huyện tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; cải tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy thế mạnh làng nghề. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường, thay đổi phương thức sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ và áp dụng có hiệu quả các biện pháp bảo quản sau thu hoạch, góp phần tăng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất theo các quy trình GAP hoặc tương đương lên 15% đến năm 2025.

 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tăng cường giám sát, đôn đốc thực hiện các công trình, dự án đầu tư xây dựng nông thôn mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí nông thôn mới tại các xã. Tiến đến xây dựng nông thôn mới có lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình, chú trọng quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP xanh.

 

Tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp theo hướng đáp ứng mục tiêu tăng trưởng đến năm 2025. Triển khai kế hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thu hút đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất mới. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển công nghiệp sớm hoàn thành và đi vào hoạt động nhằm gia tăng năng lực sản xuất toàn ngành. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất sạch hơn, khuyến khích đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, dây chuyền sản xuất nhằm giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Kêu gọi đầu tư, hỗ trợ để phát triển các dự án năng lượng tái tạo; hoàn thiện hạ tầng lưới điện trung, hạ thế để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và sinh hoạt; thực hiện phát triển hạ tầng lưới điện truyền tải đồng bộ với các dự án điện năng lượng tái tạo.

Công trình cống ngăn mặn kết hợp giao thông phát huy hiệu quả

 

Đồng thời định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ưu tiên đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp nông thôn đảm bảo các tiêu chí xanh, phát triển sản phẩm du lịch xanh. Khai thác có hiệu quả du lịch biển Thạnh Hải, Thạnh Phong gắn với Khu di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre. Tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, phục hồi tôn tạo lại các di tích lịch sử, văn hóa, đầu cầu xuất phát, cầu tiếp nhận vũ khí, phát triển du lịch theo hướng phát triển bền vững trở về chiến trường xưa, du lịch tham quan rừng ngập mặn, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch homestay, du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh, du lịch vui chơi trên bãi biển nhằm thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở các xã ven biển.

 

Đặc biệt, trong thời gian tới huyện tập trung triển khai Chương trình quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020 – 2030, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước. Thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, vận động, phòng, chống và giảm nhẹ tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn. Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học vùng bờ; phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tổn thất do thiên tai gây ra. Thực hiện lồng ghép các yếu tố phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu vào các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

 

Thái Hòa