Hội nghị công tác quản lý biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học

27/09/2023

Ngày 27/9/2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị công tác quản lý, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Trọng Tâm dự và chủ trì Hội nghị.

PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang, Phó viện trưởng Viện Môi trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh báo cáo chuyên đề tại Hội nghị

 

Hội nghị được nghe PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang, Phó viện trưởng Viện Môi trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh báo cáo chuyên đề Giảm phát thải khí thải nhà kính và hoạt động giám sát, đánh giá thích ứng biến đổi khí hậu. Theo PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Giang, biến đổi khí hậu (BĐKH) sự thay đổi của khí hậu trng một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người, đây là là một trong những thách thức lớn trong tương lai. Tại Bến Tre, biến đổi khí hậu được biểu hiện qua việc xâm nhập mặn; gia tăng mực nước biển; khí hậu cực đoan, tần suất của bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng gia tang, mưa lớn trong trong thời gian ngắn, mưa trái vụ, lũ diễn biến bất thường.

Chủ động ứng phó hiệu quả với tác động của BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là rất cần thiết để góp phần phát triển bền vững và thịnh vượng; ứng phó hiệu quả với BĐKH nên được xây dựng dựa trên tiếp cận, giảm thiểu rủi ro thay vì cố gắng giảm thiểu nguy cơ; giảm phát thải khí nhà kính là rất cần thiết để giảm nhẹ tác động của BĐKH và phải được thực hiện một cách thường xuyên và liên tục; hoạt động giám sát và đánh giá thích ứng BĐKH là rất cần thiết để đạt được các mục tiêu; hiến lược ứng phó BĐKH cần có sự tham gia của cộng đồng, chú trọng kiến thức và kinh nghiệm bản địa; nâng cao nhận thức là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu; phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là hướng tiếp cận hiệu quả để ứng phó BĐKH, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Chia sẻ chuyên đề Công tác quản lý đa dạng sinh học PGS.TS Tôn Thất Lãng, giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tài nguyên sinh thái ở Bến Tre rất phong phú và đa dạng nhờ được phát triển trên 3 hệ sinh thái điển hình đó là hệ sinh thái biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn – cửa song – bãi bồi; hệ sinh thái ngọt và ngập nước theo mùa.

Để thực hiện tốt công tác bảo tồn sinh học đến năm 2023, Bến Tre cần quan tâm ưu tiên bảo vệ, duy trì, cải thiện các khu bảo tồn hiện có của tỉnh gắn với phát triển du lịch sinh thái; chú trọng công tác bảo tồn khu vực cửa sông, biển, các vùng đất ngập nước quan trọng. Phục hồi, cải tạo Khu bảo vệ cảnh quan Thạnh Phú, Khu bảo tồn Sân chim Vàm Hồ; đánh giá, xem xét thành lập mới các khu bảo tồn theo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia. Nâng cao độ che phủ rừng, tỷ lệ che phủ rừng năm 2025 đạt 02%, năm 2030 đạt từ 2,1%. Tăng cường ngăn ngừa, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

PGS.TS Tôn Thất Lãng, giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại Hội nghị

 

Các nguồn gen hoang dã, các giống cây trồng có giá trị kinh tế, đặc trưng của tỉnh được đánh giá, lưu giữ, bảo tồn, chia sẻ lợi ích từ nguồn gen. Bảo vệ các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, hoang dã trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên, tài nguyên rừng: có 90% người dân tỉnh Bến Tre được phổ biến, tuyên truyền. Hoàn thiện được bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre.

Kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Trọng Tâm ghi nhận, cảm ơn PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang ; PGS.TS Tôn Thất Lãng đã dành thời gian chia sẻ các chuyên đề thiết thực, sát tình hình thực tế tại Bến Tre. Đồng thời đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong các chỉ thị, nghị quyết, chương trình của Trung ương, của Tỉnh về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; tuyên truyền, vận động người thân thực hiện tốt công tác ứng phó BĐKH, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, không săn bắn, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ các động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động, phối hợp với ban tuyên giáo các huyện, thành phố tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và người dân về ý nghĩa to lớn của việc trồng cây, bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu xảy; phát huy lợi ích đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng tránh thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý và khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường; không cấp phép đầu tư cho các ngành nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng; ngăn ngừa, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Trọng Tâm kết luận Hội nghị

 

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục hướng dẫn các cấp đoàn, hội, tổ chức tốt thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân nắm được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, tránh thiên tai, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong thực hiện thích ứng biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học; kiên quyết phê phán, lên án những hành vi vi phạm pháp luật, về môi trường tại các địa phương. Lắng nghe và thu thập ý kiến của Nhân dân, kịp thời phát hiện, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý những tồn tại, vướng mắc phát sinh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đối với ban tuyên giáo các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ tiếp tục tham mưu cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác tài nguyên và môi trường, trong đó tập trung các nội dung: sử dụng có hiệu quả và bền vững tài nguyên đất, tài nguyên nước; khai thác và sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường biển, ven biển, ven sông; quản lý có hiệu quả chất thải rắn và chất thải nguy hại; bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học; giảm thiểu tác động và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, tham mưu sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện; nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội, xử lý và ngăn chặn kịp thời “điểm nóng” về môi trường, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường các tuyến tin, bài, phóng sự về công tác chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, trong đó tập trung tuyên truyền việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, mô hình hiệu quả trong hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường, gắn với việc đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, kích động, cản trở việc thực thi pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường,…

Tôn Đức Tài