Giồng Trôm: Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng tổ chức lại sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

04/11/2024

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 29/01/2021 của Tỉnh uỷ về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Huyện uỷ Giồng Trôm đã xây dựng Chương trình số 05-CTr/HU về phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng tổ chức lại sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2020 - 2025. Qua 04 năm thực hiện, nông nghiệp của huyện phát triển theo đúng định hướng; từng bước hình thành và phát triển tập trung một số cây trồng, vật nuôi chủ lực, phù hợp với tình hình sản xuất của huyện.

Huyện quan tâm phát triển sản phẩm OCOP

 

Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp - thuỷ sản ước đến cuối năm 2024 đạt 3.422/3.525 tỷ đồng (đạt 97,08% so Nghị quyết nhiệm kỳ) và ước đến cuối năm 2025 đạt 100% so Nghị quyết nhiệm kỳ. Huyện đã tổ chức, sắp xếp lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy hoạch; tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực (dừa, cây có múi, bò, heo, dê, gia cầm,…) thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển từ diện tích trồng lúa, trồng cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng dừa kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thuỷ sản trong mương vườn góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích; giữ ổn định diện tích nuôi cá tra, tôm thẻ chân trắng thâm canh. Dừa là cây chủ lực của huyện, hiện nay diện tích ước đạt 20.560 ha, tăng 2.780 ha so với nhiệm kỳ trước, đạt 112,3% so Nghị quyết; diện tích dừa giai đoạn cho trái là 19.850 ha, năng suất ước đạt 980 trái/ha/tháng, sản lượng ước đạt 175,08 triệu trái.

 

Huyện tập trung cho công tác củng cố, nâng chất và thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trên lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 86 tổ hợp tác đang hoạt động, trong đó có 21 hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp với 17 hợp tác xã đã đi vào hoạt động ổn định có doanh thu. Huyện đang tiếp tục phối hợp làm cầu nối để liên kết các tác nhân trong chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh tại huyện; mời gọi, tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, từng bước hoàn thiện và củng cố liên kết theo hướng bền vững, hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ sản phẩm thực hiện liên kết đạt khoảng 8,65%. Trong đó, diện tích dừa thực hiện liên kết là 6.849,82 ha; diện tích bưởi da xanh liên kết là 25 ha, đạt 16,67% kế hoạch; quy mô đàn heo tham gia liên kết là 2.000 con, đạt 41,7% kế hoạch. Tổng giá trị sản phẩm liên kết (theo giá so sánh năm 2010) khoảng 291,851 tỷ đồng.

 

Thực hiện chương trình OCOP, huyện triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn, trong đó đề ra mục tiêu cụ thể, có phân công nhiệm vụ cho các xã, thị trấn, các ban, ngành để triển khai thực hiện. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn huyện có 51 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (03 sản phẩm 4 sao, 48 sản phẩm 3 sao).

 

Bên cạnh đó, huyện quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất trong nông nghiệp như: Đầu tư cơ sở hạ tầng; thực hiện phòng, chống dịch bệnh; thực hiện các chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp. Bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

 

Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ dừa

 

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, từng lúc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu dân cư tập trung, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, tập trung phù hợp với lợi thế của từng địa phương. Triển khai thực hiện đầy đủ, có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh; tham gia tích cực vào chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết sản xuất tạo sản phẩm sạch, an toàn... Chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao nhận thức của nông dân theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), hữu cơ trên các sản phẩm như dừa uống nước, dừa công nghiệp, bưởi da xanh,... nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và doanh nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng đất trên cùng một diện tích canh tác.

 

Đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, ưu tiên đối với những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, liên kết theo chuỗi giá trị, đặc biệt tiếp tục xây dựng mã số vùng trồng để hợp tác các tổ chức, doanh nghiệp xuất khẩu trái dừa tươi sang thị trường các nước; ứng dụng khoa học công nghệ vào trong quá trình sản xuất, canh tác, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, tiết kiệm, an toàn. Tăng cường hướng dẫn hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng, thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ chứng nhận hữu cơ, GAP,... nhằm mở rộng nguyên liệu an toàn, phục vụ nhu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các công trình giao thông nông thôn, hệ thống thuỷ lợi nội đồng, phát triển năng lượng điện sạch bảo đảm cung cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt; mời gọi xây dựng các nhà máy cấp nước sạch nông thôn, công trình phòng, chống thiên tai, công trình phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Diệu Hiền