Đỗ Tấn Khang, vượt lên số phận tật nguyền để trở thành Phó Giáo sư, Tiến sĩ giảng viên trường Đại học Cần Thơ

15/08/2023

PGS.TS Đỗ Tấn Khang, Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học phân tử, thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học, Trường Đại học Cần Thơ. Anh là một tấm gương sáng ngời về đức tính cần cù, hiếu học, biết vượt lên số phận, không cam chịu, không khuất phục bởi nghịch cảnh, từ một đứa trẻ tật nguyền, đã trở thành một người giảng viên của một trường Đại học danh giá, là hình mẫu để bao thế hệ sinh viên noi theo. Trên bước đường phấn đấu ấy, Tấn Khang đã có một người bạn đồng hành, luôn dõi theo từng bước chân trưởng thành của anh, đó là Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre.

Người con của xã Hòa Nghĩa, Chợ Lách vượt lên số phận tật nguyền

Đỗ Tấn Khang sinh ngày 01/01/1983, là người con của quê hương xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Lúc lên 3 tuổi, cơn sốt bại liệt quái ác đã cướp đi đôi chân vốn lành lặn của cậu bé Khang. Nhưng như để bù lại nghịch cảnh ấy, tạo hóa đã ban cho Khang một trí óc thông minh, một tính cách cần cù, ham học. Cuộc sống cơ cực của gia đình, tình thương yêu, đùm bọc của người thân, bạn bè, của Ba Năm Lê Huỳnh và các chú, các bác trong Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi (nay là Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre) đã góp phần rèn luyện cho Khang có được một ý chí, một nghị lực phi thường để lội ngược dòng số phận trên chính đôi chân tật nguyền của mình.

Trong một bài viết gửi về Hội (tháng 7/2023), Đỗ Tấn Khang đã tâm sự: “…Sự thành công của tôi ngày hôm nay chủ yếu nhờ vào sự động viên và tiếp bước của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre, đặc biệt là ông Năm Lê Huỳnh – Nguyên Chủ tịch Hội, người tôi và những đứa trẻ được ông giúp đỡ gọi là Ba Năm. Tôi đã gặp Ông vào những năm đầu thập niên 1990, khi trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh Bến Tre được thành lập. Đó là lúc cô Hiệu trưởng trường, cô Điệp, đến thăm nhà tôi và giới thiệu cơ hội nội trú để khuyến khích tôi tới học tại trường. Niềm vui tràn ngập trong lòng khi biết rằng con đường học vấn của mình đã mở ra rộng lớn. Tôi sẽ không còn phải nghỉ học vào những ngày mưa, không cần nhờ bạn cõng đến trường hàng cây số, và quan trọng hơn, tôi sẽ được học mà không lo quần áo bị lấm lem bùn đất do té ngã nhiều lần trên đường đi học. Nhờ sự hỗ trợ và động viên từ Hội và Ba Năm, tôi đã vượt qua những khó khăn, tận hưởng hành trình học tập và thành công trong cuộc sống. Hội đã trợ cấp học bổng cho tôi trong suốt bốn năm đại học, dù số tiền không nhiều nhưng nó chính là sự hỗ trợ quan trọng, là động lực để tôi hoàn thành đại học với tấm bằng loại giỏi. Thành công của tôi không chỉ là thành quả cá nhân mà còn là sự ghi nhận cho sự hỗ trợ, động viên và yêu thương mà Hội cùng với những mạnh thường quân và nhà hảo tâm đã dành cho. Họ luôn ở bên cạnh, đồng hành và tiếp sức cho tôi cũng như nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong suốt cuộc hành trình chinh phục tri thức.

Câu chuyện của tôi là một minh chứng rõ ràng về sức mạnh của lòng nhân ái và tình yêu thương từ Hội và những mạnh thường quân tham gia. Nhờ có sự hỗ trợ và động viên đó, tôi đã vượt qua khó khăn, vươn lên thành công và trở thành một người góp phần có ích cho xã hội, giúp đỡ và truyền cảm hứng cho những người khác…”.

TS Đỗ Tấn Khang hướng dẫn sinh viên tại Trường Đại học Cần Thơ

 

Con đường phấn đấu trở thành Phó Giáo sư

Theo Quyết định số 88/QĐ-HĐGSNN của Hội đồng Giáo sư Nhà nước ban hành đã công nhận 383 ứng viên Giáo sư, Phó giáo sư đạt chuẩn chức danh năm 2022. Trong đó, có 34 Giáo sư và 349 Phó Giáo sư ở 28 ngành/liên ngành. Tiến sĩ Đỗ Tấn Khang, Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học phân tử, thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học của Trường Đại học Cần Thơ là một trong số 349 Phó giáo sư được công nhận lần này.

PGS.TS Đỗ Tấn Khang

 

Nếu tìm hiểu và thấu hiểu sự phấn đấu không mệt mỏi của Tiến sĩ Đỗ Tấn Khang để được công nhận Phó Giáo sư là cả một quá trình phấn đấu cật lực, người bình thường cũng khó lòng đạt được, nhưng đối với một người “đặc biệt” ấy là cả một sự kiên trì, kiên định, kiên gan với thời gian, khó khăn và nghịch cảnh.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Đại học ngành Công nghệ sinh học, Khang được phân công ở lại trường công tác. Từ tháng 4/2006 đến tháng 09/2012, Khang là Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học (gọi tắt là Viện), Trường Đại học Cần Thơ. Từ tháng 10/2012 đến nay là Giảng viên, Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học phân tử tại Viện.

Quá trình đào tạo của Khang thật đáng nể. Ngày 10/9/2005, được cấp bằng Đại học, ngành Công nghệ sinh học của Trường Đại học Cần Thơ; ngày 30/5/2012, được cấp bằng Thạc sĩ ngành Khoa học Thực phẩm tại Trường Đại học Victoria, Úc; ngày 20/9/2017, được cấp bằng Tiến sĩ, ngành Doctor of Philosophy tại Trường Đại học Hiroshima, Nhật Bản.

Quá trình giảng dạy của Thầy Khang tại Trường cũng là quá trình say mê nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sinh nghiên nghiên cứu khoa học. Trước khi được công nhận Tiến sĩ, Thầy Khang đã có 3 đề tài: Một cấp cơ sở, một cấp Thành phố và một cấp Bộ; có 26 bài báo, công trình nghiên cứu khoa học cả tiếng Việt và tiếng Anh, đã được công bố trên tạp chí khoa học của Trường. Sau khi được công nhận Tiến sĩ đến nay là giai đoạn chín mùi của sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu. Tiến sĩ Khang đã có 49 bài báo khoa học và kết quả nghiên cứu (cả tiếng Việt và tiếng Anh) được đăng trên tạp chí của Trường Đại học Cần Thơ và một số tạp chí có uy tín trong nước. Đặc biệt, trong đó có 04 bài được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín mà Tiến sĩ Khang là tác giả chính và có 4 bài trong Sổ tay thực hành Sinh học phân tử của Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ.

Từ những công sức đóng góp cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Cần Thơ, TS Đỗ Tấn Khang đã được khen thưởng: Năm 2021, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Bộ); năm 2020, đạt Giải Khuyến khích tại Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp Bộ; năm 2020, đạt Giải Nhất tại Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp Trường; năm 2014, đạt Giải Nhì Hội nghị Nghiên cứu khoa học trẻ cấp Trường; cũng trong năm 2014, đạt Giải Ba Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” cấp Bộ.

Lan tỏa lòng nhân ái đến mọi người

Hơn ai hết, PGS.TS Đỗ Tấn Khang đã gắn bó với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo trong nhiều năm qua. Hầu như lần nào trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo của Hội, Đỗ Tấn Khang cũng về dự và phát biểu truyền cảm hứng cho đàn em của mình.

Như đã tâm sự trong bài viết gửi về Hội (tháng 7/2023) Khang bộc bạch: “…Hội đã là nguồn hy vọng và ánh sáng cho chúng tôi, thắp sáng niềm tin và khởi đầu cho tương lai. Đã có hàng ngàn trường hợp bệnh nhân tim được cứu sống nhờ sự hồi sinh của Hội. Hàng chục ngàn người mắc bệnh đục thủy tinh thể đã nhìn thấy ánh sáng nhờ đó. Hội đã hỗ trợ hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân nghèo với việc tư vấn và cấp thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, hàng chục ngàn suất học bổng đã giúp những học trò nghèo, mồ côi và khuyết tật bước đi trên con đường tri thức. Hội không chỉ xây dựng mái ấm tình thương cho những mảnh đời bất hạnh, mà còn đóng góp tích cực vào việc bảo vệ sức khoẻ và giảm bớt đau thương cho nhân dân. Với cảnh nhân dân Bến Tre nói chung và những mảnh đời khó khăn bất hạnh nói riêng, Hội là niềm tin và chiếc cầu nhân ái, mang đến cuộc sống khỏe mạnh, vui tươi và đầy niềm tin, hy vọng. Chúng tôi luôn ghi nhớ công lao to lớn và sự hy sinh cao cả của những người đã dốc hết tâm huyết vì Hội, nơi đã làm nên những điều vĩ đại và góp phần đáng kể vào sự nghiệp nhân ái, giúp đỡ những người cần giúp đỡ.

Với lòng biết ơn sâu sắc, chúng tôi xin gửi lời cảm tạ chân thành đến tất cả những người đã đồng hành và ủng hộ Hội trong suốt những năm qua. Nhờ có tình yêu thương và sự đoàn kết của mọi người, Hội đã trở thành điểm tựa tâm hồn và hạnh phúc của những con người bất hạnh, là nguồn cảm hứng cho cuộc sống và là động lực để chúng tôi tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu cao cả này”.

Xin chúc mừng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tấn Khang, người con thành đạt của quê hương Hòa Nghĩa, Chợ Lách, người đã nhiều năm gắn bó với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre. Chúc cho Thầy Khang luôn tiếp tục thành công trên bước đường giảng dạy, nghiên cứu khoa học và luôn hướng về quê hương Bến Tre yêu dấu của mình.

Trần Ngọc Hải