Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi: đề nghị cần điều chỉnh một số nội dung trong dự thảo luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ đảm bảo quyền lợi cho người dân

13/11/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng ngày 10/11, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường bộ; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB)

 

Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về 02 dự án luật gồm: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (ĐBQH) Bến Tre, điều hành phiên thảo luận Tổ 9 gồm ĐBQH các tỉnh: Bến Tre, Nam Định, Quảng Ninh, Phú Yên.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu tại Tổ 9 về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

 

Tham gia thảo luận tại Tổ, phát biểu về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thôngđường bộ Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi- Phó Trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Bến Tre có một số ý kiến đóng góp vào các Điều, Khoản cụ thể như sau:

 

Thứ nhất, về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ

 

Tại Điểm c, Khoản 1, Điều 33 quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải “Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định”. Qua đối chiếu Khoản 12, Điều 3 về giải thích từ ngữ “Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm: xe ô tô; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô; xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; xe chở người bốn bánh có gắn động cơ; xe mô tô; xe gắn máy và các loại xe tương tự kể cả phương tiện giao thông thông minh”. Như vậy, nếu quy định như dự thảo luật thì kể cả xe mô tô, xe gắn máy cũng phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Quy định này thiếu tính khả thi và chưa phù hợp thực tế vì số lượng xe này hiện nay rất lớn, sẽ gây tốn kém cho người dân và thật sự cũng không cần thiết. Do đó, đại biểu đề nghị chỉ áp dụng quy định này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải.

 

Thứ hai, về điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

 

Điểm d, Khoản 1, Điều 49 quy định khi tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo“Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới”. Đại biểu cho biết, qua phiên thảo luận kinh tế xã hội vừa rồi và qua ý kiến của cử tri phản ánh đến đại biểu Quốc hội, trên thực tế thời gian qua nhiều người dân mua bảo hiểm xe mô tô, xe gắn máy bắt buộc chỉ nhằm đối phó với cảnh sát giao thông, trong khi đó tỷ lệ bồi thường lại thấp, việc triển khai và thủ tục chi trả bồi thường bảo hiểm rất khó khăn cho người dân. Do đó, trong dự thảo luật lần này đại biểu đề nghị xem xét cho phép tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy được thực hiện theo hình thức tự nguyện, không nên bắt buộc. Mà chỉ quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe ô tô để đảm bảo tính khả thi, đáp ứng nguyện vọng của người dân.

 

Thứ ba, về tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

 

Tại Khoản 3 Điều 51 quy định “Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô”. Đại biểu cho rằng dự thảo quy định nội dung này chưa được cụ thể vì giấy phép lái xe cấp đối với người điều khiển xe ô tô quy định có thời hạn, khi nào đến thời hạn thì sẽ làm các thủ tục nếu đủ điều kiện, trong đó có điều kiện về sức khỏe, sẽ được xem xét cấp lại. Còn dự thảo lại quy định Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô. Vậy định kỳ là bao lâu? hàng năm hay mấy năm một lần? Đại biểu cho rằng quy định như vậy là không hợp lý, mà chỉ nên yêu cầu người dân đi khám sức khỏe để làm thủ tục cấp lại giấy phép lái xe khi hết hạn.

 

Thứ tư, quy định chuyển tiếp

 

Tại Khoản 2, Điều 81 quy định “Giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 01 tháng 7 năm 2012 phải được đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định”. Đại biểu cho biết qua tiếp xúc cử tri, người dân bày tỏ băn khoăn về quy định này. Đại biểu đề nghị nếu giấy phép lái xe có hư hỏng hoặc có thay đổi thông tin cá nhân thì đề nghị cấp đổi, không nên quy định tất cả giấy phép lái xe được cấp trước ngày 01 tháng 7 năm 2012 đều phải đổi sang giấy phép lái xe mới như dự thảo luật. Việc này sẽ gây tốn kém rất lớn cho người dân, còn nếu trường hợp được cấp đổi miễn phí thì nhà nước cũng phải bỏ ra chi phí gần 3000 tỷ đồng để thực hiện cấp đổi lại toàn bộ giấy phép lái xe theo quy định của dự thảo luật tại Khoản 2, Điều này vì hiện nay theo thống kê có trên 20 triệu giấy phép lái xe dạng này.

 

Hồng Yến