“Công dân Đồng Khởi tiêu biểu”, “Công dân Đồng Khởi danh dự” lần thứ 4 năm 2025
15/01/2025
Ngày 13-1-2025, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam vừa ký quyết định tặng danh hiệu “Công dân Đồng Khởi tiêu biểu” và “Công dân Đồng Khởi danh dự” lần thứ 4 năm 2025 cho 8 cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh.
“Công dân Đồng Khởi tiêu biểu”
* Ông Phạm Hữu Thừa: “Kiếp sau vẫn muốn là cán bộ Đoàn”
|
Đó là chia sẻ của ông Phạm Hữu Thừa (ông Hai Thừa) - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn, nguyên Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh. Với ông, được làm cán bộ Đoàn chính là niềm vinh dự, tự hào và là điều may mắn nhất, vì được Đảng tin tưởng, giao sứ mạng lịch sử quan trọng trong tiếp cận thanh niên - lực lượng tương lai, đội hậu bị đầy triển vọng của Đảng.
Ông Hai Thừa được vinh dự kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam từ 19 tuổi, trải qua nhiều vị trí công tác ở các tổ chức đoàn từ tỉnh đến Trung ương, trực tiếp tham gia gầy dựng cơ sở đoàn, phát triển đoàn viên và huy động tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Ông là người nhận Nghị quyết của Trung ương Đoàn tổ chức thí điểm xây dựng lực lượng TNXP giải phóng miền Nam tại huyện Giồng Trôm và hình thành mạng lưới TNXP tại các huyện trong tỉnh. Ngoài ra, ông Hai còn là người đầu tiên vận động, đề xuất giải quyết chính sách cho TNXP cơ sở miền Nam. Với sự bền bỉ, kiên trì của ông Hai, Chính phủ đã ban hành chế độ, chính sách đối với TNXP cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975. Nhờ đó, tỉnh có gần 1.000 TNXP cơ sở miền Nam được thụ hưởng chính sách.
Ông Hai vận động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây mới 159 căn nhà tình nghĩa, “Mái ấm đồng đội”; tổ chức thăm, tặng hơn 20 ngàn phần quà cho cựu TNXP nghèo, neo đơn, gia đình thương binh, liệt sĩ… với số tiền hơn 3,7 tỷ đồng và giúp 398 hộ thoát nghèo có cuộc sống ổn định. Ông cũng đề xuất và phát động 100% cựu TNXP đăng ký rèn luyện đạo đức, phẩm chất theo gương Bác Hồ, với mô hình “Thờ ảnh Bác Hồ” và được Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam biểu dương, nhân rộng trong toàn quốc. Đặc biệt, ông Hai đã tích góp, trao tặng số tiền hơn 800 triệu đồng được hỗ trợ trong thời gian giữ chức danh Chủ tịch Hội cho Quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, góp phần cùng tổ chức hội và địa phương thực hiện có hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa.
* Bà Lý Thị Tiếp: Nữ quân báo kiên trung, nghĩa tình với xứ Dừa
Nguyên là cán bộ Quân báo huyện Thạnh Phú, bà Lý Thị Tiếp cống hiến miệt mài cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Khi quê hương được độc lập, non sông liền một dải, người thương binh 4/4 Lý Thị Tiếp vẫn bước tiếp con đường kiến thiết, xây dựng quê hương trong thời bình. Đặc biệt, sự cống hiến đó không dừng lại khi bà đã nghỉ hưu, sống xa quê.
Với vai trò Phó trưởng ban Quản trị Hội Tương tế Bến Tre tại Bình Dương, 18 năm qua, trung bình mỗi năm, hội hỗ trợ trên 1 tỷ đồng để cấp học bổng, học phẩm cho sinh viên, học sinh của tỉnh, trong đó có học bổng Lê Thị Mẫn do Hội sáng lập. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, bà Lý Thị Tiếp vẫn mang về hàng trăm suất học bổng, cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác để san sẻ khó khăn với quê nhà.
Bà Lý Thị Tiếp và các thành viên trong Ban Quản trị Hội Tương tế Bến Tre tại Bình Dương đặc biệt chú trọng thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa thông qua hỗ trợ kinh phí tôn tạo Đền thờ liệt sĩ; phối hợp cùng các đơn vị tài trợ xây dựng khu mộ tập thể 21 người dân bị thảm sát khi đang vào hầm trú ẩn năm 1964 tại ấp Thạnh An, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú và vận động đóng góp kinh phí chỉnh trang ngôi mộ Nữ tướng Nguyễn Thị Định tại Nghĩa trang TP. Hồ Chí Minh; tặng nhà tình nghĩa, tặng quà cho đối tượng chính sách…
* Bà Ca Thị Lắm: Đồng hành cùng người nghèo vùng quê biển Ba Tri
Với 15 năm giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo huyện Ba Tri, bà Ca Thị Lắm - nguyên Phó chủ tịch HĐND, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, đã trở thành người bà, người cô, người bạn gần gũi, thân thiết, luôn quan tâm, đồng hành, chia sẻ khó khăn với hàng ngàn người nghèo.
Trong 15 năm qua, bà Ca Thị Lắm đã cùng hội vận động kinh phí thực hiện chương trình chữa bệnh tim, chữa bệnh mắt cho người nghèo, giúp phẫu thuật 191 trường hợp bệnh tim và hơn 4.640 lượt người được phẫu thuật sáng mắt; vận động xây 327 nhà tình nghĩa, tình thương cho gia đình chính sách và hộ nghèo; vận động xây dựng 228 chiếc cầu nông thôn và trên 18.000m đường bê-tông... Ngoài ra, còn có 5.500 suất học bổng, hàng chục ngàn suất học phẩm và quà tặng, đã tiếp sức cho học sinh nghèo viết tiếp ước mơ học tập. Bà đã chủ động khởi xướng chương trình “Giúp ngặt”, tập hợp những nhà hảo tâm, tự nguyện đóng góp kinh phí để giúp đỡ cho gần 3.000 trường hợp. 15 năm, tổng số tiền vận động, đóng góp của bà Ca Thị Lắm và hội cho các chương trình an sinh xã hội khoảng 180 tỷ đồng.
“Công dân Đồng Khởi danh dự”
* Bà Trương Mỹ Hoa: Tình cảm thiết tha dành cho xứ Dừa
Trải qua nhiều vị trí công tác từ cơ sở đến Trung ương, dù ở cương vị nào, bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” cũng thể hiện rõ bản chất người cộng sản mẫu mực, chân chính, hết lòng phục vụ Đảng, phụng sự đất nước và nhân dân; tận tâm, tận tụy với công việc, được đồng chí, đồng đội, đồng bào kính phục, mến yêu. Năm 2008, sau khi nghỉ hưu, bà tích cực tham gia công tác xã hội.
Tại Bến Tre, thông qua các chương trình, hoạt động của bà, hàng ngàn suất học bổng từ các hoạt động “Ươm mầm tương lai”, “Chắp cánh ước mơ”, “Mở đường đến tương lai”, “Hỗ trợ sinh viên”, “Vòng tay nhân ái” đã được trao tặng cho các em học sinh, sinh viên là con của ngư dân, gia đình khó khăn tại các huyện biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, tạo động lực mạnh mẽ giúp nhiều học sinh, sinh viên vượt qua hoàn cảnh khó khăn để theo đuổi ước mơ.
Với tình cảm thiết tha dành cho xứ Dừa, khi còn đương nhiệm, bà đã có nhiều định hướng, góp ý tâm huyết và gợi mở nhiều vấn đề cho lãnh đạo tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội. Khi giữ trọng trách, với bà đó là nhiệm vụ, là “mệnh lệnh của đất nước”, còn làm thiện nguyện là sự tự giác, tự nguyện của cá nhân, là làm theo “mệnh lệnh của trái tim”, nên khi được hỏi về tuổi tác, sức khỏe, bà vui vẻ đáp: “Hỏi tuổi, tuổi khuyên nên dừng lại/ Hỏi lòng, lòng bảo: Cứ xung phong!”.
* Bà Võ Thị Hảo: Đi xa càng lâu, tình yêu dành cho quê hương càng lớn
Mang quốc tịch Việt Nam và Canada, nơi thường trú: Fortroot apPliances 12843 PortrP MSN Canada, nhưng bà Võ Thị Hảo (quê quán xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam) luôn hướng về quê hương. 20 năm qua, bà Võ Thị Hảo mỗi dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, bà đều mang quà về trao tặng cho hàng ngàn trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật, người nghèo. Đều đặn, cứ đến tháng 11 âm lịch, bà luôn có mặt tại tỉnh để tham dự chương trình “Mùa xuân cho em”, chương trình Tết vì nạn nhân chất độc da cam do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tổ chức. “Thấy cô Hảo là thấy Tết”, những người tham dự chương trình ấm áp, hồ hởi khi có bà xuất hiện trong các chương trình. Đáng quý là hơn 10 năm trước, cháu ngoại của bà chỉ 12 tuổi đã dành số tiền bỏ ống heo của mình gửi về quê giúp cứu sống một bạn cùng tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh và góp sức cùng bà ngoại xây nhà tình thương cho gia đình một bạn có hoàn cảnh khó khăn khác.
Từ năm 2005 đến nay, số tiền trích từ lương hưu, từ thu nhập của bà và con cháu trong gia đình đóng góp để cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội trên 12,6 tỷ đồng.
* Giáo sư Shimizu Masaaki: Tạo nhịp cầu văn hóa kết nối Bến Tre với xứ sở hoa anh đào
Yêu mến đất và người Bến Tre, bạn bè quốc tế luôn quan tâm, tìm đến để phát triển quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Trong những người bạn Nhật Bản giữ quan hệ gắn bó, keo sơn với xứ Dừa có Giáo sư Shimizu Masaaki - Trưởng bộ môn Tiếng Việt, Khoa Ngoại ngữ, Đại học Osaka.
Hơn 30 năm trước, Giáo sư Shimizu Masaaki đã “bén duyên” với Bến Tre khi là Ủy viên Ủy ban Viện trợ y tế quốc tế, Hội Hở môi - Hàm ếch Nhật Bản, với nhiệm vụ phiên dịch và hỗ trợ triển khai các hoạt động nhân đạo. Đó là cơ hội để Giáo sư Shimizu Masaaki quan tâm, tìm hiểu về đất và người Bến Tre, đặc biệt là Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và đặc thù văn hóa Bến Tre. Với bề dày học tập, nghiên cứu chuyên sâu và đầy tâm huyết với thơ Nôm. Tháng 3-2022, lần đầu tiên Giáo sư Shimizu Masaaki đưa Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên vào dạy trong trường đại học ở Nhật Bản. Đây cũng là trường đại học đầu tiên trên thế giới đưa tác phẩm của Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu vào giảng dạy. Song song đó, Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên còn được Giáo sư dịch sang tiếng Hàn Quốc và truyền bá tác phẩm sang xứ sở kim chi. Ngoài ra, Giáo sư đã tham gia viết 6 quyển sách, công bố 16 bài nghiên cứu quốc tế và nhiều bài báo liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa Bến Tre.
* Ông Nguyễn Hữu Thọ: Nặng tình với quê hương qua những nhịp cầu
Quê thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, thường trú tại số 137A4, phường Phú Tân, TP. Bến Tre, nguyên Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Phúc Nguyễn Hữu Thọ yêu mến Bến Tre từ những ngày còn là học sinh dưới ngôi trường mang tên Thạnh Phú. Từ năm 2009, ông cùng với tập thể lãnh đạo Công ty Điện lực Vĩnh Phúc kết nối với Công ty Điện lực Bến Tre để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội khoảng 7,2 tỷ đồng xây dựng 38 công trình cầu, lộ nông thôn. Cá nhân ông khi về hưu đã vận động gia đình và cựu học sinh Trường cấp III Thạnh Phú - Yên Lãng tài trợ 17 cây cầu mang tên Tráng Việt và 1 tuyến đường, với tổng trị giá 3,8 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh như: Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Ba Tri và Bình Đại.
Ngoài ra, vào những dịp khánh thành cầu nông thôn, ông Nguyễn Hữu Thọ cùng gia đình và bạn bè trao tặng 212 chiếc xe đạp tiếp sức cho học sinh nghèo đến trường và hỗ trợ cho 7 gia đình có hoàn cảnh khó khăn; nhận tài trợ 3 em học sinh tỉnh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục học cho đến khi thành tài.
* Ông Vũ Hồng Dụ: Người kiến tạo sự phát triển tại Agribank - Chi nhánh tỉnh
Nguyên là Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Bến Tre (Agribank Bến Tre), ông Vũ Hồng Dụ là một trong những người góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua hoạt động của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh nhà. Ông đã triển khai nhiều chính sách linh hoạt, đưa nguồn vốn đến gần hơn với người dân thông qua 4 chương trình tín dụng trọng điểm, mang tính đột phá như: Chương trình cho vay ưu đãi xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao; Chương trình cho vay qua tổ vay vốn; Chương trình cho vay qua chuỗi liên kết giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Qua đó, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân.
Ông Vũ Hồng Dụ còn tích cực tham gia các công tác đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động vì cộng đồng. Ông đã cùng người lao động trong hệ thống ngân hàng thực hiện các chương trình có giá trị nhân văn với tổng số tiền 47,3 tỷ đồng; trong đó, có phần ủng hộ, vận động của cá nhân và gia đình ông.
Nguồn: baodongkhoi.vn