Có phải chỉ vấn đề lương bổng và đãi ngộ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghỉ việc, chuyển việc của cán bộ, công chức nhà nước hiện nay?
17/10/2022
Trước tình hình cán bộ, công chức, viên chức của cả nước, trong đó có tỉnh Bến Tre đã và đang xin nghỉ việc, chuyển việc từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân khá nhiều, nhất là trong ngành y tế và giáo dục, chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân để tham mưu đề xuất với lãnh đạo tỉnh những giải pháp hạn chế.
Đồng chí Phan Văn Mãi, nguyên Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Cao Văn Trọng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm bệnh nhân và CB, YBS Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.
Thực trạng đáng lo ngại
Theo báo cáo của 28 cơ quan trung ương và 63 tỉnh, thành phố cả nước, Bộ Nội vụ đã xác định trong vòng 2 năm rưỡi (từ đầu năm 2020 đến tháng 6/2022) có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc, chuyển sang khu vực tư nhân. Con số này chiếm gần 2% so với tổng số biên chế được giao. Bình quân một năm có 15.800 người nghỉ việc, chiếm 0,8% tổng số biên chế. Trong đó, địa phương chiếm tỉ lệ 82%, còn lại 18% của Trung ương. Khối công chức hơn 4.000 người, khối viên chức hơn 35.000 người; khối giáo dục hơn 16.000 người, khối y tế 12.000 người nghỉ việc. Hai ngành nghề luôn được xã hội ưu ái gọi bằng "thầy", đó là thầy thuốc và thầy giáo, một nghề chữa lành những tổn thương, bệnh tật và một nghề gieo hạt trồng người cho trăm năm; nhưng giờ đây 2 người thầy ấy lại phải đau lòng dứt áo ra đi, rời bỏ vị trí cao quý của mình.
Tại Bến Tre, chỉ tính riêng ngành y tế, trong năm 2021 đến 30/6/2022, khu vực y tế công lập toàn tỉnh đã giảm 137 nhân sự, gồm 62 bác sĩ, 31 điều dưỡng, 6 kỹ thuật y, 6 hộ sinh, 12 nhân viên dược và 20 trường hợp khác. Số cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc nhiều nhất là tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, có 47 bác sĩ và 23 điều dưỡng. Tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp cho đến nay (10/2022), dù số người xin nghỉ việc, chuyển việc có giảm hơn trước.
Nguyên nhân của thực trạng
Nguyên nhân khách quan là do cơ chế thị trường, để phát triển được lành mạnh thì giữa khu vực công - tư, kể cả xuất khẩu lao động, phải liên thông nhau. Song song đó, nền kinh tế nhiều thành phần, cả khu vực công, khu vực tư cũng có tương tác, cạnh tranh để cùng phát triển. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt ở các bệnh viện, đã gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19, có nơi không còn tiền trả lương cho CB, NV, YBS. Bao trùm là chế độ chính sách tiền lương còn rất nhiều khó khăn trong khu vực công, so với nhu cầu cuộc sống vẫn chưa theo kịp. Công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đội ngũ chuyên gia cho khu vực công chưa làm tốt; người có kiến thức, chuyên môn, năng lực giỏi, khu vực tư có nhiều chính sách thu hút, hấp dẫn hơn.
Việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trên cơ sở gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ, giảm người, nhưng khối lượng công việc tăng, đây cũng là sức ép rất lớn, đặc biệt với ngành y tế do tác động bởi dịch COVID-19. Việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế là đúng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chưa thật khoa học, có cả sự vội vàng và lúng túng. Kết quả là thiếu người làm việc, những người ở lại chịu áp lực công việc quá lớn. Lương không đủ sống, môi trường làm việc nhiều áp lực đã làm "giọt nước tràn ly". Môi trường, điều kiện làm việc một số khu vực công cũng chưa thực sự hấp dẫn, chưa tạo ra cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức phát huy tốt năng lực của mình. Trong khi công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhận thức, ý thức cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức chưa được làm tốt. Nhưng cũng có những lý do hoàn toàn cá nhân, vì muốn thử sức, thay đổi công việc giữa khu vực công với tư, muốn thay đổi định hướng, nghề nghiệp…
Tuy nhiên, có một nguyên nhân mà nhiều người trong cuộc đã nói lên từ tâm tư và nổi buồn đau đáu của mình. Đó còn là một trong những nguyên nhân mà hiện nay nhiều người không tiện nói ra là: ở một số nơi, một số lãnh đạo coi thường nhân viên và ứng xử không có lý, có tình. Những người có liêm sỉ khi sống trong một môi trường như vậy họ cảm thấy bị xúc phạm và không còn tha thiết với công việc.
Theo những cán bộ, công chức, viên chức này, một số lãnh đạo chỉ biết bắt nhân viên phải chấp hành, phải phục tùng, phải hoàn thành công việc với khối lượng cao nhất, để đạt yêu cầu theo chỉ đạo của cấp trên. Họ không quan tâm gì đến tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, nhu cầu tinh thần tối thiểu mà người cán bộ, nhân viên thuộc quyền cần phải có trong một tập thể, để tạo nên sự đoàn kết, gắn bó, cảm thông, thấu hiểu, gánh vác, tương trợ, giúp đở nhau trong cuộc sống và để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nói cách khác, họ chỉ biết yêu cầu đáp ứng công việc, mà quên đi tình người, thậm chí có lúc họ đã xúc phạm đến danh dự, tình cảm cao đẹp của cấp dưới.
Kinh nghiệm cho chính mình
Thấy được điều đó, chúng ta phải hết sức cảnh giác, cảnh báo, đừng bao giờ để xảy ra trong nội bộ các cơ quan Đảng tình trạng nêu trên. Qua đó, cần nghiên cứu đề xuất giải pháp tham mưu với cấp ủy nhằm hạn chế, ngăn chặn tình trạng nghỉ việc, bỏ việc, chuyển việc do tâm tư, do bất mãn, do những nguyên nhân chủ quan gây ra. Đồng thời, để góp phần khắc phục tình trạng ngại, sợ, không dám về công tác tại các cơ quan tham mưu của Đảng, do áp lực công việc hoặc do những nguyên nhân khách quan, lẫn chủ quan khác.
Kiến nghị của những người trong cuộc
Từ thực tế tiếp xúc với những người trong cuộc đã nghỉ, đã chuyển và có tâm tư dự định chuyển công tác, nhất là trong lĩnh vực y tế, xin đề nghị lãnh đạo tỉnh kiến nghị với Trung ương sớm có chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế, nhất là bác sĩ về công tác tại tuyến y tế cơ sở; sớm thực hiện phụ cấp ưu đãi nghề, đãi ngộ, chăm lo tốt hơn đời sống của viên chức y tế ở các cơ sở công lập. Cải thiện chính sách thu nhập ngoài lương, chính sách đãi ngộ hỗ trợ kinh phí đối với đối tượng nhân viên y tế tự đào tạo. Chú trọng công tác khen thưởng kịp thời nhằm động viên cho người lao động hăng say làm việc, cống hiến. Cải thiện điều kiện môi trường làm việc, hỗ trợ các cơ sở y tế thu không đủ chi theo cơ chế khoán, tự trang trãi kinh phí, đang gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch.
Đồng thời, đẩy nhanh quá trình thực hiện cải cách chế độ tiền lương trong khu vực nhà nước. Ban hành chính sách thực hiện chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế tương đương với chế độ đãi ngộ cho giáo viên. Sớm ban hành chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế cũng như người làm trong môi trường độc hại như khám và điều trị bệnh phong, lao, HIV/AIDS, COVID-19. Cần có quy định về giá thu của các dịch vụ kỹ thuật ngang bằng giữa công và tư, qua đó giảm chênh lệch thu nhập giữa hai khu vực. Có vậy mới hạn chế việc chuyển dịch nhân lực y tế từ công sang tư.
Đã đến lúc cần khẩn trương đẩy mạnh thực hiện việc hiện đại hóa nền hành chính, chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng yếu và tăng cường nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho vùng sâu vùng xa, cho việc nâng cao cải cách hành chính.
Thay lời kết
Như trên đã đề cập, một trong những nguyên nhân mà hiện nay ít người không tiện nói ra là ở một số nơi, một số lãnh đạo coi thường nhân viên và ứng xử không có lý, có tình. Vì vậy, thiết nghĩ, các cơ quan, đơn vị cần nghiêm túc xem lại cách đối xử của lãnh đạo đối với cán bộ, nhân viên của mình, cần phải quan tâm đúng mức việc xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa công vụ, văn hóa công sở, đạo đức ứng xử. Có như thế chưa chắc những khó khăn về vật chất, lương bổng là nguyên nhân để nhiều người từng gắn bó với cơ quan, đơn vị trong nhiều năm, nhất là trong đại dịch COVID-19 vừa qua, đành lòng dứt áo ra đi như thời gian gần đây./.
Trần Ngọc Hải
