Chung tay phòng chống bệnh lao – kẻ giết người thầm lặng, man rợ và nguy hiểm nhất đang còn tồn tại
20/03/2023
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Đặc biệt, 2 năm diễn ra dịch COVID-19 (năm 2020-2021), công tác phòng chống lao tại nước ta chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2021, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. Nhân “Ngày Thế giới phòng chống lao” 24/3/2023, chúng ta cần tìm hiểu lịch sử, ý nghĩa của ngày này, tình hình bệnh lao, hoạt động phòng chống lao của cả nước và của tỉnh Bến Tre hiện nay, để từ đó chung tay góp sức cùng ngành y tế và cộng đồng đẩy lùi bệnh lao, sớm đạt mục tiêu không còn bệnh lao vào năm 2035.
Nguồn gốc, ý nghĩa “Ngày Thế giới phòng chống lao” 24/3
Trong 8 chiến dịch y tế công cộng toàn cầu chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra gồm: Ngày Y tế thế giới, Ngày Hiến máu Thế giới, Tuần lễ Tiêm chủng thế giới, Ngày Sốt rét thế giới, Ngày Thế giới không thuốc lá, Ngày Viêm gan thế giới, Ngày AIDS thế giới và Ngày Thế giới phòng chống lao là một trong số đó.
Ngày 24/3/1992, nhân kỷ niệm 100 năm ngày bác sỹ Robert Koch phát hiện ra vi khuẩn lao, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội chống lao Quốc tế đã quyết định lấy ngày 24/3 hàng năm là Ngày Thế giới phòng chống lao. Ngày 24/3/1998, lần đầu tiên được coi là ngày chính thức của Liên hiệp quốc (được công nhận tại Nghị quyết WHO/EC-XII/Res.6 theo đề xuất của WHO).
Ngày 24/3 hàng năm không phải là ngày kỷ niệm, mà là ngày nhắc nhở toàn nhân loại rằng: Bệnh lao - kẻ giết người thầm lặng, man rợ và nguy hiểm nhất đang còn tồn tại, mặc dù hiện nay chúng ta đã có nhiều phương tiện hiện đại để chẩn đoán bệnh sớm và có thuốc điều trị đặc hiệu.
Ngày Thế giới Phòng chống lao được tổ chức vào ngày 24 tháng 3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.
Nối tiếp, phát huy chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2022 trên toàn cầu là "Invest to end TB. Save lives" (Tập trung nguồn lực, chấm dứt bệnh lao, cứu sống triệu người), qua đó nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết là cần đầu tư, kêu gọi, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao, để đạt được các cam kết chấm dứt bệnh lao do các nhà lãnh đạo toàn cầu đưa ra và mục tiêu nhân văn nhất là cứu sống hàng triệu người trên thế giới không đáng phải chết vì bệnh lao. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến tiến trình đạt được cam kết trong giai đoạn cuối bị ảnh hưởng. Vì vậy, WHO đã đề ra chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống lao 24/3/2023 trên toàn cầu là “Yes! We can end TB” (Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao).
Chủ đề năm 2023 mang đến niềm hy vọng và niềm tin mạnh mẽ như một lời khẳng định đanh thép của tất cả chúng ta rằng việc chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể. Chủ đề nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao. Những kết quả phục hồi công tác phòng chống lao tại các nước có gánh nặng bệnh lao cao sau ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19 đã cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể đến gần hơn với mục tiêu chấm dứt bệnh lao.
Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm 2023 trên toàn cầu là "YES! WE CAN END TB"
(ĐÚNG! CHÚNG TA CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO)
Việt Nam hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao
Trên cơ sở chủ đề của thế giới, áp dụng vào tình hình thực tế tại Việt Nam, Chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2023 của Việt Nam là “Việt Nam chiến thắng bệnh lao”. Đây là một chủ đề dễ nhớ, như một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hơn 169.000 người đã mắc bệnh và hơn 12.000 người chết vì bệnh lao năm 2021. Trong số đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa, nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước ta nói chung.
Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết tức tưởi của hơn 12.000 người một năm như hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc bệnh lao.
Bến Tre hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 2023
Năm 2022, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh đã phối hợp với các tổ chống lao tại 3 huyện Mỏ Cày Bắc, Châu Thành và Chợ Lách triển khai hoạt động tầm soát lao cộng đồng tại 23 xã trọng yếu, khám trên 3.000 trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao gồm: người đã từng mắc lao được điều trị khỏi, người sống chung nhà với người nhiễm lao, người cao tuổi, có bệnh nền… đã phát hiện hơn 50 trường hợp mắc lao mới. Điều đó cho thấy tình hình dịch tể lao tại Bến Tre còn phức tạp, một số bệnh nhân chưa biết mình mắc bệnh lao. Điều này làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm lao trong cộng đồng rất cao. Nếu chỉ tính bình quân mỗi năm 01 người bệnh lao lây truyền cho 10-15 người khác, như vậy, nếu 50 trường hợp kể trên không được phát hiện sớm sẽ lây lan trung bình cho khoảng 700 người xung quanh và con số này sẽ tiếp tục diễn ra.
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3/2023, các đơn vị chức năng của ngành y tế tỉnh đã tích cực tiến hành công tác truyền thông về phòng chống lao của tỉnh. Đây là hoạt động quan trọng hàng năm trong công tác phòng chống lao hướng đến cam kết chính trị của các cấp lãnh đạo và hướng dẫn hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao. Chương trình chống lao tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế tỉnh phổ biến cho toàn thể cán bộ, công nhân viên của đơn vị tham gia và góp phần tuyên truyền để mọi người dân tích cực tham gia hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3/2023 của tỉnh.
Nội dung khẩu hiệu tuyên truyền phòng chống lao năm nay rất phong phú, như “Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2023! Việt Nam chiến thắng bệnh lao!”, “Giảm thiểu tác động của dịch bệnh COVID-19 – Tập trung nguồn lực – Tăng cường phát hiện bệnh lao”, “Lan tỏa yêu thương – Kết nối cộng đồng – Chấm dứt bệnh lao!”, “Đã đến lúc cùng hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao!”, “Sàng lọc sớm – Tránh trở nặng – Ngừa tử vong!”, “Vì sức khỏe Việt Nam, hãy cùng hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2035!” (trước đây, VN đặt mục tiêu đến 2030 sẽ chấm dứt bệnh lao; nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 những năm qua, mục tiêu này được điều chỉnh đến 2035), “Nguy cơ mắc lao – Không phân biệt ai”, “Ho, sốt, mệt mỏi, sụt cân: Khám lao ngay - Đừng phân vân”, “Sàng lọc lao: Tiếp cận dễ dàng – Phương pháp hiện đại – Chính xác tuyệt đối”, “Đúng thuốc, đúng liều, đủ thời gian, bệnh lao sẽ khỏi”, “Dù mắc lao – đừng lo lắng — sẽ không sao BHYT – Sẻ lo âu – Chia gánh nặng”, “Thay kì thị bằng động viên – Chung tay đẩy lùi bệnh lao”...
Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bến Tre, nơi tiếp nhận khám và điều trị bệnh lao cho người bệnh trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Chung tay phòng chống lao, tiến tới loại bỏ lao vào năm 2035
Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3/2023, mỗi người chúng ta hãy tích cực hưởng ứng chương trình này bằng cách tham gia tầm soát, phát hiện sớm bệnh lao khi có dấu hiệu nghi ngờ như: ho khúc khắc kéo dài trên 14 ngày, có khi khặc ra đờm, hoặc trong đờm lẫn máu; sốt nhẹ về chiều, sụt cân, biếng ăn, mệt mỏi, đau tức ngực, khó thở…, phải đến ngay cơ sở y tế hoặc đến bệnh viện chuyên khoa (Bệnh viện Lao và bệnh phổi, ấp 2, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, số điện thoại: 02753.561.898). Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh lao phải thực hiện nghiêm phác đồ điều trị của bệnh viện, dùng đúng thuốc, đúng liều, đủ thời gian, bệnh lao sẽ khỏi. Đây cũng là trách nhiệm của mỗi người để góp phần ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao ở cộng đồng, hướng đến mục tiêu loại bỏ lao vào năm 2035.
Bệnh lao nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ khỏi bệnh, giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, để người dân Việt Nam và nhân dân tỉnh Bến Tre sớm được sống trong môi trường không còn bệnh lao./.
Trần Ngọc Hải
