Chiến thắng Điện Biên Phủ - thắng lợi của đường lối đúng đắn sáng tạo của Đảng, sức mạnh trí tuệ và bản lĩnh con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh

02/05/2024

Cách đây 70 năm, ngày 7/5/1954, quân và dân Việt Nam đã lập nên kỳ tích “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - “pháo đài bất khả xâm phạm”, niềm kiêu hãnh của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Với chiến thắng đó, dân tộc Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, những nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, cam kết chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập, chủ quyền của 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một “thiên sử vàng” và “đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ XX” . Đây là kết quả của nhiều yếu tố hợp thành, mà ngọn nguồn sâu xa chính là đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”, đã phát huy cao độ sức mạnh trí tuệ, bản lĩnh và truyền thống yêu nước, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Bức tranh Panorama - tái hiện toàn cảnh CD Điện Biên Phủ (Theo Đề cương Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do BTGTW ban hành)

 

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 mở ra trong lịch sử dân tộc bước ngoặt lớn, đem lại cho cách mạng Việt Nam thế và lực mới. Song không lâu sau đó, cách mạng nước ta đứng trước những thử thách hết sức nghiêm trọng của “giặc dốt”, “giặc đói”, “giặc ngoại xâm”. Vận mệnh của quốc gia dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Được sự giúp đỡ của quân đội Anh, phát động cuộc chiến tranh ở Nam Bộ ngày 23/9/1945, những phần tử hiếu chiến trong giới cầm quyền Pháp bộc lộ rõ âm mưu quay trở lại tái chiếm Đông Dương lần thứ hai. Với sức mạnh quân sự và vũ khí vượt trội, “bọn phản động thực dân” Pháp hy vọng là sẽ “đánh nhanh, thắng nhanh”. Với tinh thần hòa hiếu và mong muốn “hòa bình”, nên Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện các hoạt động ngoại giao đầy thiện chí, hợp tác, “hòa bình” và “nhân nhượng”. “Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa” . Trước âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, Nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là “phải đứng lên!” chiến đấu “để giữ vững quyền tự do, độc lập” . Ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị tại Vạn Phúc (Hà Đông), ra quyết định lịch sử: phát động toàn quốc kháng chiến. Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

 

Từ Tuyên ngôn độc lập (02/9/1945) đến Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc (25/11/1945); Công việc khẩn cấp bây giờ (5/11/1946); Chỉ thị Toàn dân kháng chiến (12/12/1946) và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946), những quan điểm cơ bản của đường lối kháng chiến của Đảng đã được hình thành. Giữa năm 1947, Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết các bài báo và đã tập hợp thành cuốn sách Kháng chiến nhất định thắng lợi. Về cơ bản, đường lối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bao gồm những  nội dung cơ bản như sau:

 

Mục đích của cuộc kháng chiến là giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới.

 

Tính chất của kháng chiến lúc này vẫn là cuộc cách mạng giải phóng. “Cuộc cách mạng ấy đang tiếp diễn, nó chưa hoàn thành, vì nước chưa được hoàn toàn độc lập”.

 

Nhiệm vụ của cuộc kháng chiến được xác định ngay từ đầu là “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Hai nhiệm vụ đó bổ sung, hỗ trợ cho nhau đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi.

 

Lực lượng kháng chiến: Huy động sức mạnh toàn dân tộc, các tầng lớp nhân dân tập hợp trong Mặt trận Việt Minh, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam và các tổ chức quần chúng khác.

 

Phương châm của cuộc kháng chiến: Toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính:

 

 Toàn dân kháng chiến: Đảng chủ trương động viên sức mạnh toàn dân tộc bằng những hình thức, biện pháp phong phú phù hợp để tổ chức cả nước thành mặt trận, tạo nên thế trận cả nước đánh giặc.

 

Kháng chiến toàn diện nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cuộc kháng chiến chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao tạo thành sức mạnh tổng hợp (trong đó, quân sự giữ vai trò quyết định).

 

Kháng chiến lâu dài là quy luật tất yếu của cuộc chiến tranh lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều. Vì thực dân Pháp tiến hành chiến lược đánh nhanh thắng nhanh nên ta phải kháng chiến lâu dài nhằm làm thất bại kế hoạch của địch. Mặt khác, do so sánh lực lượng chênh lệch, cần phải có thời gian để chuyển hóa “nhỏ” thành “lớn”, “yếu” thành “mạnh”. Trong đó, Đảng ta dự kiến cuộc kháng chiến phải trải qua ba giai đoạn (Phòng ngự - tích cực cầm cự và tổng phản công). Bằng sự nỗ lực chủ quan của ta, càng đánh thế và lực của ta càng mạnh, ưu điểm càng tăng, nhược điểm càng giảm càng chuyển nhanh sang giai đoạn tiếp sau để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến.

 

Dựa vào sức mình là chính là dựa vào sức lực của toàn dân, vào đường lối đúng đắn của Đảng, vào các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của đất nước, đồng thời ra sức tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ quốc tế để tạo thành sức mạnh tổng hợp chiến thắng kẻ thù.

 

Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp về bản chất là đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam; là nét sáng tạo độc đáo của Đảng, là kết tinh của trí tuệ và bản lĩnh con người Việt Nam. Trong quá trình tiến hành cuộc kháng chiến, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc bổ sung, phát triển, cụ thể hóa đường lối kháng chiến phù hợp với yêu cầu thực tế của từng giai đoạn lịch sử. Đường lối đó đã trở thành ngọn cờ dẫn dắt và là động lực chính trị tinh thần đưa Nhân dân ta tiến lên chiến đấu và chiến thắng thực dân Pháp xâm lược.

 

Ngay từ ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; tiến công quân sự, địch vận và nổi dậy của quần chúng; đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoại giao.

 

Nhân dân ta từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ trẻ đến già theo lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, thi đua giết giặc lập công, đóng góp sức người, sức của, bảo đảm cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng ngoài mặt trận.

 

Quân đội ta trưởng thành vượt bậc về tư tưởng chính trị, lực lượng, tổ chức chỉ huy, trình độ tác chiến, trang thiết bị quân sự và bảo đảm hậu cần tiếp ứng cho chiến dịch quân sự quy mô lớn chưa từng có; cán bộ, chiến sĩ mưu trí, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chấp hành nghiêm mệnh lệnh chiến trường, dũng cảm hy sinh lập nhiều chiến công hiển hách. Trong Chiến dịch “56 ngày đêm “ngũ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, “gan không núng, chí không mòn” của quân và dân ta đã đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - “pháo đài bất khả xâm phạm”, niềm kiêu hãnh của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, buộc Chính phủ Pháp phải “thương lượng” với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghi Giơ-ne-vơ. Ngày 21/7/1954, các văn kiện của Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Pháp phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân về nước, phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

 

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ - chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường và sức mạnh trí tuệ của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo - đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh  của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

 

Đó là thắng lợi của sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam, của trí tuệ và bản lĩnh con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Dưới ánh sáng đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng, sức mạnh cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc, sức mạnh của tiền tuyến và hậu phương, vật chất và tinh thần, trong nước và thời đại, cả lực lượng cách mạng và phương pháp cách mạng,... đã được huy động, phát huy lên tầm cao mới. Bằng bản lĩnh và sức mạnh đó, ta đã từng bước làm chuyển biến so sánh lực lượng, từ yếu hóa mạnh, ít thành nhiều, tạo nên sức mạnh áp đảo để giành thắng lợi cuối cùng. Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự cộng hưởng của sức mạnh dân tộc và thời đại, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng là nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh Việt Nam, bản sắc văn hóa giữ nước Việt Nam mà nền tảng là lòng yêu nước, ý chí kiên cường, tinh thần sáng tạo độc đáo. Các nhân tố đó không chỉ mãi mãi là cơ sở vững chắc của niềm “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng” , mà còn là sức mạnh cho sự thành công của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cho “quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của toàn quân và toàn dân ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng ./.

 

 

ThS Phan Văn Thuận - Trường Chính trị