Châu Thành: Một số kết quả nổi bật hoạt động du lịch trên địa bàn huyện năm 2022

03/02/2023

Thực hiện Kết luận số 387-KL/HU ngày 06/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch huyện Châu Thành đến năm 2030, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong năm 2022, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Châu Thành có nhiều khởi sắc, huyện đã thu hút được 478.860 lượt khách, doanh thu đạt trên 407 tỷ đồng.

Khu du lịch Forerver Green Resort tại xã Phú Túc.

Thực hiện truyền thông quảng bá hình ảnh du lịch huyện đến với du khách trong và ngoài nước như: Triển khai giới thiệu đưa vào vận hành Ứng dụng du lịch thông minh Bến Tre và hướng dẫn đường truy cập; phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Một số giải pháp kỹ thuật kết hợp với trải nghiệm du lịch nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị nông sản” tại điểm du lịch vườn Hàm Luông, xã Tân Phú. Phối hợp tổ chức 08 lớp tập huấn liên quan đến lĩnh vực du lịch.

Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch được quan tâm thực hiện: Dự án cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch các xã ven sông Tiền (giai đoạn 2) đoạn từ xã Phú Đức đến Tân Phú với chiều dài 6.752,4m, đã thi công đạt trên 39% khối lượng; ĐHDK.19 (ngã tư Tân Bắc) với chiều dài 6.800m đã thi công đạt 32% khối lượng;…đã định hướng mời gọi đầu tư Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cồn Tân Mỹ, xã Phú Túc và Khu du lịch nghỉ dưỡng Cồn Qui, xã Tân Thạch sau khi thực hiện xong nhiệm vụ quy hoạch. 

Chú trọng xây dựng mô hình du lịch để nhân rộng. Đã phối hợp trường Đại học Nguyễn Tất Thành tư vấn thực hiện 01 mô hình tại điểm du lịch Vườn Dâu, xã An Khánh, trong đó đã thực hiện 02 chuyến farmstip nhằm giới thiệu điểm đến với sự tham gia 20 công ty du lịch lữ hành, 07 nhà báo và tổ chức 02 ngày tập huấn các nội dung liên quan đến hoạt động du lịch cộng đồng với sự tham gia nhân viên phục vụ điểm du lịch Vườn Dâu và 08 hộ dân là thành viên Ban điều hành Chương trình du lịch cộng đồng ấp Hàm Luông, xã Tân Phú. Hiện tại, Ban điều hành Chương trình du lịch cộng đồng ấp Hàm Luông, xã Tân Phú đã được thành lập với 06 thành viên và trên 20 hộ dân tham gia; Chủ nhiệm Ban điều hành đã tiếp cận làm việc với 09 công ty du lịch lữ hành trong chuyến famstip do trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức nhằm định hướng khai thác những tour mới về mô hình du lịch cộng đồng tại các xã cánh Tây trong thời gian tới.

Tăng cường vận động các cơ sở tham gia bán các sản phẩm OCOP của huyện tại các cơ sở kinh doanh du lịch và vận động 03 cơ sở đăng ký xây dựng điểm du lịch đạt chuẩn OCOP tại cơ sở du lịch Quốc Phương, Chi nhánh Công ty Lô Hội và Công ty TNHH La Villa De Coco. Kết quả: Công ty TNHH La Villa De Coco đã được Hội đồng huyện đánh giá thông qua, chờ trình thông qua Hội đồng tỉnh công nhận.

Trong năm 2022, đã hình thành các tour, tuyến du lịch mới đưa vào phục vụ: (1) Tuyến sông Ba Lai Công ty CP du lịch Ba Lai đã thực hiện khai thác tuyến du lịch từ thành phố Bến Tre đến điểm du lịch Thúy Uyên, xã Phước Thạnh với chương trình tham quan sông nước, uống mật ong, ăn trái cây,…và lưu trú đêm tại điểm (2) Tuyến sông Hàm Luông cơ sở du lịch lữ hành Nhân FOOD khai thác tuyến tham quan Tòa thành Châu Minh, xã Tiên Thủy và tham quan sông nước dọc tuyến sông Hàm Luông từ xã Tiên Long và Tân Phú.  Ngoài ra, Doanh nghiệp Quê Dừa đã khảo sát tuyến sông Ba Lai thuộc xã Phú Túc - Quới Thành để định hướng khai thác tuyến sông Ba Lai và các ngành chuyên môn đang góp ý kiến về dự án “Cụm du lịch Hàm Long” cho Công ty Cổ phần đầu tư Vàm Hàm Long xin thực hiện tại xã Tiên Thủy, Tiên Long và Tân Phú dọc tuyến QL.57C và ven bờ sông Hàm Luông với mục đích thành lập các khu nghỉ dưỡng; lưu trú; khu vui chơi; du thuyền trên sông; kết nối vùng với tỉnh và huyện Chợ Lách;…

Việc làm đẹp hàng rào cây xanh, trồng hoa dọc trên các tuyến đường phục vụ khách du lịch các địa phương có quan tâm triển khai thực hiện: Xã Phú Túc thực hiện tuyến ĐA03 (đoạn nhà thờ Phú Túc - giáp xã Phú Đức) trồng các loại hoa 02 bên tuyến đường với chiều dài 3,16 km ngang qua điểm du lịch La Villa De Coco; xã Phú Đức đoạn từ giáp cầu Miễu Trắng (Phú Túc) đến cầu Đò, ấp Song Phú (Phú Đức) với chiều dài 1.100m đã thực hiện trồng các loại hoa: hoàng yến, mười giờ, hoàng oanh, hoa dừa,…là tuyến đường được địa phương định hướng sẽ phát triển du lịch trong thời gian tới; xã Quới Sơn thực hiện 02 tuyến với chiều dài 2,2km; xã An Khánh thực hiện 01 tuyến cặp Sông Tiền với 2km (ngang điểm du lịch MeKong River và 01 tuyến ấp Phú Thạnh với 0,6km, cặp theo điểm du lịch Làng Xanh);...

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch. Phối hợp Công ty TNHH IOTLINK thực hiện bay flycam thu thập hình ảnh 32/53 cơ sở du lịch, 08 di tích phục vụ cho việc thực hiện chuyển đổi về du lịch theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân huyện.

Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kết luận số 387-KL/HU để đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện:

Một là, tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch. Nhận thức đúng, đầy đủ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tạo động lực thúc đẩy cho các ngành kinh tế khác phát triển và mang tính xã hội. Định hướng xây dựng phong cách, thái độ phục vụ có tính chuyên nghiệp; gắn đẩy mạnh phát triển du lịch với sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản, các sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện, hàng thủ công mỹ nghệ. Nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch và quan tâm bảo vệ hình ảnh, môi trường; không ngừng nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của du lịch Châu Thành.

Hai là, tập trung thực hiện các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch. Tiếp tục tranh thủ nguồn vốn ngân sách từ Trung ương, tỉnh và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch Thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư vào ngành du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới. Xây dựng quy hoạch vùng cây ăn trái đặc sản, chuyên canh, hiệu quả kinh tế cao, gắn với phát triển du lịch.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Quan tâm tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, chú trọng đào tạo nhân lực cho phát triển du lịch (quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, nhân lực phục vụ) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương trong xây dựng nếp sống văn minh, tạo dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện.

Bốn là, phát triển sản phẩm du lịch. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch đạt chất lượng, đa dạng, khác biệt dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh. Gắn phát triển sản phẩm du lịch của huyện với ba loại hình chính của du lịch tỉnh Bến Tre: sản phẩm du lịch sinh thái sông nước, du lịch miệt vườn làng quê; du lịch tham quan nghiên cứu tự nhiên, văn hóa - lịch sử, tâm linh, lễ hội, làng nghề; vui chơi, giải trí, du lịch thương mại.

Năm là, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác liên kết phát triển du lịch. Phối hợp với tỉnh thiết lập trung tâm thông tin du lịch ở huyện; ứng dụng công nghệ số, bảo đảm thực hiện chuyên nghiệp, hiệu quả; phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội, để giới thiệu những nét đặc sắc về điều kiện tự nhiên và các sản phẩm du lịch của huyện đến du khách trong và ngoài nước. Xây dựng thương hiệu du lịch gắn với hình ảnh cây dừa, trên cơ sở phát triển du lịch của địa phương, doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm du lịch.

Sáu là, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực du lịch. Thực hiện chuyển đổi số trên lĩnh vực du lịch; xây dựng phần mềm quản lý du lịch trên nền tảng web, mobile, để giới thiệu về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch tiêu biểu của huyện và phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh, nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho du khách.

Bảy là, tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Thường xuyên kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch giữa các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch.

Quang Tiến (VPTU)