Ý nghĩa từ một chính sách nhân văn

17/12/2023

Có hiệu lực từ tháng 10/2023, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng xã hội. Huyện Chợ Lách đã chủ động và nghiêm túc triển khai Quyết định này, xem đây như là một giải pháp giúp người từng lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn, tạo điều kiện cho họ vay vốn để đào tạo nghề, để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

Các ngành chức năng đến thăm hỏi cuộc sống anh B. Đ. T

 

Ngay khi Quyết định có hiệu lực, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị triển khai đến các phòng, ban, ngành huyện, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, UBND các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ để tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc, đầy đủ và đúng với ý nghĩa nhân văn của chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

 

Trong đó Công an cấp xã có trách nhiệm lập danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn với điều kiện là chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và sau đó UBND cấp xã xem xét, xác nhận. Điều kiện đối với cơ sở sản xuất kinh doanh phải sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; có phương án vay vốn và được UBND cấp xã xác nhận.

 

Tuy mới triển khai nhưng đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân 03 trường hợp đủ điều kiện với tổng số tiền 245 triệu đồng và đang xem xét 02 trường hợp có nhu cầu vay 180 triệu đồng. Các trường hợp vay chủ yếu phục vụ cho việc kinh doanh, mua bán và chi phí đầu tư chăm sóc vườn cây ăn trái hoặc sản xuất cây giống, hoa kiểng. Người vay cao nhất là 100 triệu đồng, thấp nhất 50 triệu đồng.

 

Anh N. N. C. T phát triển sinh kế từ nguồn vốn vay

 

 Anh N. N. C. T. ở khu phố 2, Thị trấn Chợ Lách cảm thấy rất vui mừng khi được vay vốn 95 triệu đồng từ chương trình chính sách này, từ một cửa hàng kinh doanh nhỏ, có một số vốn trong tay từ nay anh đỡ lo phần chi phí thuê mặt bằng, có điều kiện mua sắm thêm các mặt hàng phục vụ cho việc mua bán của gia đình. Anh T cho biết: “Ban đầu dự định sau khi chấp hành án về, em sẽ kiếm một công việc làm thuê gì đó nhưng khi biết được chương trình này em mạnh dạn đăng ký vay vốn để mở một cửa hàng gas nhỏ, mua thêm nước bình về bán để kiếm thu nhập lo cho bản thân và gia đình”.

 

Là một người chí thú làm ăn, anh B. Đ. T. ở ấp Long Hòa, xã Long Thới có nhiều dự định khi được vay 100 triệu đồng nguồn vốn tín dụng này. Đa phần sẽ dùng trang trải chi phí chăm sóc vườn sầu riêng, đầu tư nuôi bò và phần còn lại làm vốn mua bán trái cây. Anh cho biết, không ngại khó chỉ mong cuộc sống gia đình được cải thiện hơn: “Em có suy nghĩ là sau khi chấp hành án về sẽ cố gắng làm lụng lo cho gia đình nhưng khi về em gặp khó khăn về vốn, nhờ Nhà nước quan tâm hỗ trợ em một số vốn làm ăn để cải thiện cuộc sống, em cảm ơn rất nhiều”.

 

Với vai trò là cơ quan trực tiếp triển khai nguồn vốn tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã nhanh chóng thực hiện các quy trình thủ tục để vốn vay đến tay người có nhu cầu một cách nhanh nhất đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện và đúng quy định. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho biết: “Ngay sau khi có chủ trương tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, đơn vị tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai, đồng thời phân công cán bộ thực hiện công tác hướng dẫn, cũng như tập huấn cho hội đoàn thể nhận ủy thác để triển khai chương trình này, phối hợp các đơn vị liên quan xem xét, phê duyệt và giải ngân cho vay kịp thời, thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát đảm bảo cho vay đúng đối tượng, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả”.

 

Chính sách cho vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù không chỉ là một biện pháp hỗ trợ tài chính mà còn chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về sự đồng cảm, nhân văn và cơ hội cho sự tái hòa nhập xã hội. Ý nghĩa lớn nhất của chính sách này là tạo ra một cơ hội thực sự để những người từng lầm lỗi có thể tự cải thiện cuộc sống của mình, mở cánh cửa cho việc họ tái hòa nhập xã hội, xây dựng lại niềm tin vào bản thân và tìm kiếm cơ hội để thay đổi, đóng góp tích vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việt Cường