Tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu tăng trở lại

17/04/2023

Theo báo cáo của Trung tâm CDC tỉnh Bến Tre, sau nhiều tháng im lặng đáng mừng, đến 11 giờ ngày 17/4/2023, đã ghi nhận có 2 trường hợp mắc COVID-19 mới tái xuất hiện, trong đó có 1 trường hợp ở Bình Đại và 1 trường hợp ở Thành phố Bến Tre. Điều đáng quan tâm hơn, trường hợp ở Thành phố Bến Tre xuất hiện trong cơ sở giáo dục, do tái nhiễm lần 2.

Nhân viên  y tế Trung tâm CDC tỉnh tiêm chủng phòng dịch COVID-19 cho người có nguy cơ cao (lớn tuổi, bệnh nền)

 

Tình hình dịch bệnh trong cả nước đến 16/4/2023

 

Theo báo cáo của Trung tâm CDC Hà Nội, trong tuần qua số người mắc bệnh COVID-19 tăng so với tuần trước. Theo đó, từ ngày 07 đến ngày 14/4, thành phố Hà Nội có thêm 493 người nhiễm, tăng hơn 7 lần so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố có 756 người mắc bệnh. Dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong những tuần tiếp theo.

 

Số người nhiễm bệnh ở Hà Nội tăng, kéo theo cả nước tăng. Theo thống kê của Bộ Y tế hôm 16/4/2023, tuần qua cả nước ghi nhận 2.653 trường hợp mắc mới, trung bình 380 người/ngày. Riêng 3 ngày gần đây số người mắc mới liên tiếp trên 700 người/ngày. Các tuần trước đó, mỗi ngày chỉ thêm vài người. Số bệnh nhân nặng phải thở oxy cũng tăng, lên 38 người, nhiều hơn 28 bệnh nhân so với báo cáo ngày 15/4. Bệnh nhân nặng đa số là người cao tuổi, người có bệnh nền.

 

Đến nay, gần 4 tháng liên tiếp, Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong do COVID-19.

 

Lý giải số người mắc mới COVID-19 tăng trở lại, các nhà chuyên môn cho rằng do miễn dịch của người sau khi tiêm vaccine hoặc đã từng nhiễm COVID-19 trước đây nay đã giảm. Ngoài ra, thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trong khi nhiều người lơ là không đeo khẩu trang nên bị lây nhiễm bệnh.

 

Đặc biệt, hôm 14/4/2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố xuất hiện biến chủng mới của Omicron là XBB.1.5. Đây là biến chủng có đặc tính lây lan nhanh, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng.

 

Như vậy, kể từ đầu dịch đến 16/4/2023, Việt Nam có 11.531.072 người nhiễm bệnh, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ sốngười nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.530 ca nhiễm). Tổng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 trường hợp, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số người bị nhiễm. Tổng số bệnh nhân tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số người tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số người tử vong xếp thứ 7/49(xếp thứ 3 trong các nước ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

 

Tình hình dịch bệnh tại Bến Tre đến 17/4/2023

 

Theo báo cáo của Trung tâm CDC tỉnh, đến 11h ngày 17/04/2023 Bến Tre ghi nhận 02 trường hợp mắc COVID-19 mới tái xuất: Bình Đại 01 người, Thành phố Bến Tre 01 người (trong cơ sở giáo dục, do tái nhiễm lần 2).

 

Như vậy, từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, tỉnh Bến Tre có tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 là 99.077 người; trong đó tổng số người mắc trong các cơ sở giáo dục là 17.708 người.

 

Về tình hình điều trị COVID-19 tại tỉnh (tính đến 12h ngày 16/04/2023): tổng số bệnh nhân khỏi bệnh là 98.573 người. Trong đó, số người khỏi bệnh, tại cơ sở điều trị là 19.954 ca; số người khỏi bệnh được theo dõi, điều trị tại nhà có 78.619 trường hợp. Tổng số bệnh nhân tử vong là 505 người. Hiện nay, không có trường hợp nào được điều trị tại cơ sở y tế.

 

Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác

 

Ngày 12/4, Bộ Y tế đã có công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Bộ Y tế cho rằng, hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn đánh giá dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng virus, các biến thể mới trong tương lai. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm.... cũng đang gia tăng số mắc, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.

 

Để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát tình hình dịch, không để dịch bùng phát trở lại, góp phần tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Các tỉnh, thành phố tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ; Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2023 tại Quyết định số 1331/QĐ-BYT ngày 10/3/2023 của Bộ Y tế.

 

Bộ Y tế đắc biệt lưu ý phải tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt mục tiêu đề ra; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là đối với các nhóm có nguy cơ cao. Chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong và thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị; chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân và chủ động nâng cao năng lực điều trị, nhất là năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực để đáp ứng yêu cầu điều trị; tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch…

 

Tích cực tham gia phòng chống dịch COVID-19

 

Hiện nay, theo chủ trương của Bộ Y tế, các cơ sở y tế đang tích cực, sâu sát, chủ động hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác.

 

Trước tỉnh hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng nhanh, có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới; chúng ta hãy cùng nhau ý thức và thực hiện tốt việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; thường xuyên theo dõi thông tin về tình hình dịch bệnh và thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn (2 K) trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 , 01/5 sắp đến./.

 

Trần Ngọc Hải