Tìm hiểu luận điểm về sản xuất hàng hóa trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” của C.Mác – Ph.Ăngghen và sự vận dụng của Đảng ta

23/02/2023

Cách đây 175 năm, ngày 24 tháng 2 năm 1848 tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do C.Mác – Ph.Ăngghen soạn thảo được xuất bản đầu tiên tại Luân Đôn (thủ đô nước Anh). Sau đó, đã được xuất bản nhiều lần, bằng nhiều thứ tiếng khác nhau (Đức, Pháp, Ba Lan, Italia, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Nga v.v…). Đây là bản cương lĩnh đầu tiên cách mạng và khoa học nhất về phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tác phẩm đã được đưa vào Di sản tư liệu thế giới của UNESCO.

 

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định sự đóng góp to lớn của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đối với sự phát triển lực lượng sản xuất. C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Giai cấp tư sản trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và độ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”.  

 

Đạt được thành tựu ấy chính là vì nó đã tìm ra và phát triển một kiểu tổ chức sản xuất mới, đó là sản xuất hàng hóa, một hình thức sản xuất cao hơn sản xuất tự nhiên tự cung tự cấp trong chế độ phong kiến. Chính những quy luật chi phối nền sản xuất hàng hóa ra đời và được vận dụng trong xã hội tư bản đã thúc đẩy quá trình phát triển nhanh chóng của lực lượng sản xuất xã hội. Như vậy, sản xuất hàng hóa là một thành tựu của nhân loại trong quá trình phát triển và nó có những ưu thế trong thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất.

 

Sản xuất hàng hóa gắn liền với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, do đó, khi C.Mác và Ph.Ăngghen đặt vấn đề “chủ nghĩa cộng sản phải xóa bỏ buôn bán, xóa bỏ những quan hệ sản xuất tư sản và xóa bỏ ngay cả giai cấp tư sản nữa”, thì có một số ý kiến cho rằng tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về xóa bỏ sản xuất hàng hóa, là một sai lầm, là hạn chế lịch sử, là một tiên đoán sai trên cơ sở thiếu dữ kiện lịch sử cụ thể. Tuy nhiên nhận thức như vậy là chưa hiểu hết được một cách thấu đáo luận điểm nói trên của Tuyên ngôn. Những người đưa ra ý kiến phê phán C.Mác hiểu mệnh đề “chủ nghĩa cộng sản phải xóa bỏ buôn bán” có nghĩa là xóa bỏ buôn bán ngay từ giai đoạn thấp, tức là chủ nghĩa xã hội, do đó quy sai lầm của C.Mác là triệt tiêu tính năng động của nền kinh tế.

 

Cũng vì vậy mà họ cho rằng C.Mác đem đối lập chủ nghĩa xã hội với kinh tế hàng hóa. Nhận thức sai lầm đó bắt nguồn từ chỗ hiểu không đúng câu của C.Mác nói rằng, những người sở hữu hàng hóa muốn trao đổi với nhau thì phải công nhận lẫn nhau là những người tư hữu. Nghiên cứu sâu hơn sẽ thấy rằng C.Mác nhấn mạnh phân công lao động xã hội là điều kiện tồn tại sản xuất hàng hóa; tuy nhiên trong, công xã Ấn Độ thời cổ và trong công xưởng, lao động đã có sự phân công xã hội nhưng các tác phẩm lao động không trở thành hàng hóa “vì chỉ có sản phẩm của những người lao động tư nhân độc lập và không phụ thuộc vào nhau mới đối diện với nhau như là những hàng hóa”.  

 

Sản xuất hàng hóa trước hết biểu hiện ra là lao động tư nhân (của mỗi người lao động cá thể hay mỗi doanh nghiệp) và chỉ thông qua trao đổi lao động tư nhân đó mới biểu hiện thành lao động xã hội, mới chứng tỏ lao động tư nhân ấy được xã hội thừa nhận. Cuối thời kỳ công xã nguyên thủy, việc xuất hiện sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là một trong những nhân tố làm cho lao động của người sản xuất biểu hiện thành lao động tư nhân. Với ý nghĩa đó, sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, cùng với sự mở rộng phân công lao động xã hội đã thúc đẩy sự ra đời và phát triển sản xuất hàng hóa.

 

Nhưng, cùng với sự tăng trưởng lực lượng sản xuất lại nảy sinh xu hướng tách rời quyền sở hữu khỏi quyền sử dụng tư liệu sản xuất. Tính chất tư nhân độc lập của lao động sản xuất hàng hóa giờ đây không phụ thuộc vào sở hữu mà chỉ phụ thuộc vào quyền sử dụng tư liệu sản xuất. Sự tách biệt và quyền sử dụng tư liệu sản xuất dẫn đến sự tách biệt về quyền làm chủ kết quả sản xuất và đó là cơ sở cho sự tồn tại trao đổi hàng hóa. Dù tư liệu sản xuất thuộc sở hữu công cộng (của nhà nước, của tập thể) hay sở hữu tư nhân, người sử dụng tư liệu sản xuất ấy đều có thể sản xuất hàng hóa. Chừng nào lao động sản xuất biểu hiện ngay từ đầu là lao động sản xuất xã hội trực tiếp thì không còn trao đổi hàng hóa nữa. Nhưng C.Mác đã nhận định trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gôta, xã hội trong giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản là “một xã hội, về mọi phương diện - kinh tế, đạo đức, tinh thần - còn mang những dấu vết của xã hội cũ mà nó đã lọt lòng ra”, như vậy tất yếu chủ nghĩa xã hội phải kế thừa sản xuất và lưu thông hàng hóa. 

 

Luận điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về sản xuất hàng hóa trong tác phẩm đã được Đảng ta vận dụng một cách sáng tạo vào phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần ở Việt Nam, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI khẳng định: “Ở nước ta, các thành phần kinh tế đó là: Kinh tế xã hội chủ nghĩa gồm khu vực quốc doanh và khu vực tập thể, cùng với bộ phận kinh tế gia đình gắn liền với thành phần đó; các thành phần kinh tế khác gồm: kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa (thợ thủ công, nông dân cá thể, những người buôn bán và kinh doanh dịch vụ cá thể); kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức, mà hình thức cao là công tư hợp doanh; kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và các vùng núi cao khác”.

 

Qua hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới cho ta thấy rằng, việc đưa ra chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa, có nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu là một bước đột phá lý luận rất sáng tạo của Đảng ta, Đại hội XIII của Đảng ta đã xác định: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng…”.

 

Như vậy, thực tiễn đã cho thấy rằng, tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về sản xuất hàng hóa là rất có giá trị về lý luận và cho đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa. Tư tưởng đó được vận dụng một cách sáng tạo ở các nước và không ngừng được bổ sung, phát triển theo hơi thở của thời đại và được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn nền kinh tế ở Việt Nam.

 

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế hàng hóa, trong những năm qua, Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất hàng hóa, phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh và phát triển doanh nghiệp (thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp)…Đến tháng 02/2023, toàn tỉnh có 4.274 doanh nghiệp đang hoạt động với vốn đăng ký 56.401,6 tỷ đồng. Đã tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP với 158 sản phẩm từ 3 sao trở lên, trong đó 78 sản phẩm đạt 3 sao, 80 sản phẩm đạt 4 sao; toàn tỉnh hiện có 50 tổ hợp tác, 59 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực (chuỗi dừa – thành lập 32 tổ hợp tác, 28 hợp tác xã; chuỗi bưởi da xanh – hình thành 07 tổ hợp tác, 12 hợp tác xã; chuỗi chôm chôm – hình thành 03 hợp tác xã…)…

 

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - tác phẩm kinh điển quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời giữa lúc chủ nghĩa tư bản đã phát triển ở mức cao, giữ quyền thống trị ở châu Âu và bắt đầu bành trướng thế lực sang châu Phi và châu Á bằng các cuộc chinh phục. Đối với Việt Nam, những luận điểm về sản xuất hàng hóa được nêu trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của C.Mác và Ph.Ăngghen có ý nghĩa đối với Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước hiện nay. Trên con đường đi tới tương lai xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, mục tiêu của Đảng và nhân dân ta – “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - là mục tiêu mang tính hiện thực khả thi của chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

 

C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Tập 4, Nxb.CTQG Sự thật, H.1995, tr.603

Sđd, tr.618

C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Tập 23, Nxb.CTQG Sự thật, H.2002, tr.80

C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Tập 19, Nxb.CTQG Sự thật, H.1995,  tr.33

ĐCSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, Nxb.CTQG, N.2006,  Tr.737,738

ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb. CTQG Sự thật, H. 2021, tr.128

Báo cáo sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 17/10/2020 của Tỉnh ủy.

Võ Thị Thúy Liễu (Phòng TC-HC - TT-TL, Trường Chính trị tỉnh)