Thủ tục khởi kiện đòi lại tài sản nhờ người khác giữ hộ

14/08/2023

Bà N.T.A có nhu cầu tư vấn: Tôi định cư ở nước ngoài. Năm 2015, tôi có mua 2.000m2 đất vườn của ông N với giá 600 triệu đồng và nhờ người em bà con là ông D đứng tên dùm. Trong lúc tôi chồng tiền mua đất, có sự chứng kiến của ông G, ông H và người bán đất là ông N, có làm giấy biên nhận viết tay. Tháng 7-2021, tôi về nước thì được biết ông D đã chuyển nhượng lại phần đất 2.000m2 (tôi nhờ ông đứng tên dùm) cho bà U với giá 1,2 tỷ đồng. Xin hỏi: Tôi phải làm sao để đòi lại tài sản là đất đã nhờ ông D đứng tên hoặc đòi lại tiền (trị giá ông D đã bán đất)?

Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

Như bà trình bày, vì lý do bà đang định cư ở nước ngoài, nên vào năm 2015 bà về Việt Nam mua 2.000m2 đất vườn và nhờ ông D đứng tên giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) và còn giao giấy tờ gốc cho ông D giữ hộ. Bà đã bất cẩn và không tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, theo quy định tại Khoản 16, Điều 3 Luật Đất đai năm 2013: GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền trên đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Căn cứ quy định trên, thì việc đứng tên trên GCN QSDĐ là sự ghi nhận của Nhà nước về quyền của người sử dụng đất, nên việc nhờ người khác đứng tên trên sổ đất, tức là đã trao toàn quyền đối với thửa đất đó cho người đứng tên hộ (trường hợp này là ông D). Theo đó, cơ quan có thẩm quyền cấp GCN QSDĐ sẽ ghi nhận tên người sử dụng đất, người sở hữu nhà ở hoặc tài sản khác gắn liền với đất tại trang bìa của GCN sẽ là tên ông D (Khoản 4, Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT) và đương nhiên người được pháp luật công nhận QSDĐ đó là ông D (người đứng tên dùm cho bà). 

Nay ông D có ý chiếm đoạt phần đất này và đã tự ý sang bán cho bà U với giá 1,2 tỷ đồng, nên xảy ra tranh chấp. Do vậy, việc đòi lại tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của bà cũng sẽ gặp khó khăn, mất thời gian, công sức, tiền của. Bà phải có bằng chứng, chứng cứ để chứng minh và tùy vào yêu cầu, bà nên thực hiện theo trình tự thủ tục như sau:

1. Bà có thể thỏa thuận với ông D để ông D tự nguyện trả lại phần đất 2.000m2 này hoặc trả lại số tiền theo giá trị ông D đã bán đất.

2. Trường hợp bà và ông D không thỏa thuận được, bà có thể gửi đơn đến UBND xã (nơi có đất) tranh chấp đó để hòa giải theo quy định tại Khoản 2, Điều 202 Luật Đất đai.

3. Nếu hòa giải tại UBND xã không thành, bà có quyền gửi đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân có thẩm quyền. Trường hợp của bà, tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án nhân dân cấp tỉnh (nơi có đất) theo quy định điểm c, Khoản 1, Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

Hồ sơ khởi kiện, gồm:

+ Đơn khởi kiện (ghi đầy đủ nội dung theo mẫu hướng dẫn của tòa án);

+ Giấy tờ tùy thân của các bên và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

+ Giấy biên nhận (viết tay) về việc người bán đất là ông N đã nhận đủ số tiền mua đất của bà;

+ Giấy xác nhận của 2 người chứng kiến (ông G và ông H) việc bà là người chồng tiền cho ông N để mua đất và giấy xác nhận của người làm chứng khác (nếu có);

+ Các tài liệu, chứng cứ khác (như tin nhắn, ghi âm, ghi hình cuộc trao đổi giữa bà với ông D tại các buổi thương lượng mua bán, nhờ đứng tên dùm và chồng tiền đất (nếu có).

Theo baodongkhoi.vn