Thạnh Phú tập trung khai thác tốt giá trị di tích trong phát triển du lịch

25/03/2024

Là một trong 3 huyện duyên hải và nằm ở cuối dãy Cù Lao Minh, Thạnh Phú có 26 km bờ biển tiếp giáp Biển Đông, với nhiều sông rạch, cồn bãi; hai bên là Sông Hàm Luông và Sông Cổ Chiên phù sa bồi đắp. Cùng bề dày lịch sử khẩn hoang vùng đất Tây Nam Bộ và trải qua 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, có nhiều di tích, chứng tích lịch sử để lại, với các công trình mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa. Do đó, ngoài thế mạnh về phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn; một thế mạnh khác không kém phần quan trọng trong bức tranh du lịch của huyện cần được quan tâm khai thác là du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh - tín ngưỡng dân gian.

Nhiều di tích trên địa bàn huyện đã phát huy tốt các giá trị lịch sử văn hóa phục vụ tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu cho các thế hệ. Công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện được ngành chức năng và các địa phương quan tâm nhằm nâng cao hiệu quả các di tích.

Một số di tích được khai thác thường xuyên, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu, cũng như giáo viên, học sinh, đoàn viên, thanh niên tổ chức về nguồn, làm điểm tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa như: Nhà cổ Huỳnh Phủ, Di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam,…tại các điểm di tích có du khách đến tham quan, ngành chức năng bố trí lực lượng hướng dẫn viên túc trực thường xuyên để phục vụ hướng dẫn, thuyết minh cho khách tham quan.

Khách tham quan tại Khu Bảo tồn tôn tạo và phát huy các giá trị Di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh Trên biển. (Ảnh: Văn Minh)

Một số di tích, công trình văn hóa đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, trùng tu, tôn tạo, đặc biệt là Lăng ông Nam Hải và Nhà cổ Huỳnh Phủ.

Du lịch ngày càng có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Chất lượng của hoạt động du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: vị trí địa lý, tiềm năng về tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hoá, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng, nguồn nhân lực,…Trong đó, tài nguyên du lịch, tài nguyên bản địa và việc truyền thông quảng bá đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ cũng như đưa sản phẩm du lịch đến gần với du khách. Đây được coi là một trong những yếu tố làm tăng khả năng cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường du lịch cho từng địa phương, từng doanh nghiệp.

Cùng với xu hướng phát triển du lịch của tỉnh, du lịch huyện có bước phát triển vượt bậc; lượng du khách, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng theo từng năm; từ năm 2016 đến nay huyện đón trên 2 triệu lượt khách. Góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân địa phương.

Huyện đã tập trung giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù được xem là mục tiêu định hướng phát triển du lịch hàng đầu; kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, trong đó có quan tâm đầu tư, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa - lịch sử - tâm linh và tín ngưỡng dân gian.

Nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm về du lịch nhằm tìm ra hướng phát triển cho du lịch trên địa bàn được huyện chủ động phối hợp thực hiện. Cùng với đó, việc tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch biển là dịp để huyện giới thiệu những điểm du lịch, sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống, đặc sản địa phương đến với du khách, tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, liên kết giữa các tổ chức kinh doanh du lịch, thương mại trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, nhằm khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, qua đó giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch biển Thạnh Phú để thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Huyện có nhiều di tích văn hóa - lịch sử - tâm linh và tín ngưỡng dân gian cần được quan tâm khai thác và phát huy tốt các giá trị mà nó mang lại, nhất là trong phát triển du lịch như: Trận đánh Mùng 10 tháng giêng năm 1946 và trận chống càn ngày 8/02/1960 ở ấp Phong, xã Tân Phong; Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đình Đại Điền; Di tích cấp quốc gia Kiến trúc Nghệ thuật Nhà cổ Huỳnh Phủ; Bia lưu niệm nơi xuất quân của Tiểu đoàn 307 ở xã Đại Điền; Bia lưu niệm nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thạnh Phú tại ấp Phú Long Phụng A, xã Phú Khánh;  Sự kiện trận đánh 30/10/1967 ở ấp Thạnh Thị Thượng, xã Mỹ Hưng; Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đình Thạnh Phú ở Thị trấn Thạnh Phú; Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh “Chùa An Linh” và Di tích chiến thắng Giá Thẻ tại xã An Nhơn; Di tích lịch sử đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam; Bia tưởng niệm Sự kiện thảm sát 21 người dân vô tội tại ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong; Chiến dịch “Phượng Hoàng TG1” và Mộ 21 người xã Thạnh Hải,…

Ngoài ra, còn có Miễu bà Chúa Xứ, Lăng Ông Nam Hải, Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải được tổ chức vào Rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm cũng thu hút du khách đến tham quan thời gian qua.

Đại Điền có Di tích cấp quốc gia Kiến trúc Nghệ thuật Nhà cổ Huỳnh Phủ và Bia lưu niệm Tiểu đoàn 307, 310, việc khai thác hiệu quả các di tích để phát triển du lịch là mục tiêu mà địa phương hướng đến, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết: “Đại Điền có Di tích cấp quốc gia Kiến trúc Nghệ thuật Nhà cổ Huỳnh Phủ và Bia lưu niệm Tiểu đoàn 307, 310 mang đến nhiều lợi thế cho xã trong phát triển du lịch. Thời gian qua, xã luôn quan tâm quản lý Nhà nước về du lịch; chú trọng quy hoạch phát triển du lịch, xác định và ưu tiên lựa chọn sản phẩm du lịch đặc trưng. Bên cạnh, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, hệ thống giao thông được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa; quan tâm chỉnh trang, bảo dưỡng Bia lưu niệm Tiểu đoàn 307, 310; Nhà cổ Huỳnh Phủ,…đảm bảo tính mỹ quan, thân thiện phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, tăng cường và hợp tác, liên kết và xúc tiến, quảng bá du lịch qua mạng xã hội như: zalo, facebook,…đặc biệt là các di tích trên địa bàn; đồng thời đề nghị đầu tư xây dựng, nâng cấp, trùng tu, tôn tạo các di tích”.

Di tích cấp quốc gia Kiến trúc Nghệ thuật Nhà cổ Huỳnh Phủ có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch. (Ảnh: Minh Mừng)

Thạnh Phong cũng có nhiều di tích, nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch nhưng chưa được quan tâm phát triển đúng mức và cải thiện điều này là mục tiêu mà địa phương hướng tới, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Kiều Tiên cho biết: “Với lợi thế, tiềm năng vốn có về điều kiện tự nhiên, di tích lịch sử, giá trị văn hóa, giúp cho Thạnh Phong có nhiều thế mạnh trong phát triển du lịch; việc phát triển kinh tế biển đi đôi với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, góp phần giải quyết việc làm cho người dân là mục tiêu mà xã hướng tới. Tuy nhiên, thời gian qua, Thạnh Phong chưa khai tốt các tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là việc khai thác các di tích lịch sử Quốc gia Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam Bến A101 - Bến Tre tại ấp Thạnh Hòa; Bia tưởng niệm 21 thường dân vô tội bị quân đội Mỹ thảm sát vào năm 1969 tại ấp Thạnh Hòa. Vì vậy, thời gian tới ngoài việc làm tốt công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng; xã sẽ nghiên cứu tìm ra các giải pháp đẩy mạnh hoạt động du lịch tại các điểm di tích để làm sao khai thác hiệu quả các di tích, phát huy tốt các giá trị lịch sử văn hóa phục vụ khách tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu và giáo dục cho thế hệ trẻ”.

Tiềm năng, du lịch Thạnh Phú rất lớn, tuy nhiên, thời gian qua vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, việc phát triển loại hình du lịch trên địa bàn huyện thời gian qua vẫn tồn tại những khó khăn, hạn chế nhất định; dịch vụ du lịch chưa đa dạng và phong phú; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng điểm đến chưa cao; cơ sở hạ tầng phát triển du lịch chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu phát triển; nhất là chưa khai thác hiệu quả các di tích trong phát triển du lịch.

Để khai thác tốt các di tích, thời gian tới, huyện cần tổ chức gắn kết các tour tuyến du lịch với các di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng dân gian trên địa bàn để thu hút du khách; đồng thời chú trọng việc duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng các di tích; nâng cao chất lượng hướng dẫn viên….

Là hướng dẫn viên tại các điểm của Di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam Nguyễn Trương Khánh Như chia sẻ: “Tôi đảm nhận việc thuyết minh cho du khách tại Di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam khoảng 03 năm rồi, tôi yêu thích công việc này; bản thân tiếp tục rèn luyện để ngày càng tự tin hơn, tìm hiểu thêm các thông tin về các di tích để giới thiệu cho du khách, nhằm phục vụ tốt nhất và đem đến hài lòng cho du khách”.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thì đến năm 2025, du lịch sẽ là ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 trở thành kinh tế mũi nhọn của huyện. Để đạt mục tiêu trên, huyện quan tâm mời gọi các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; chú trọng đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái gắn với du lịch biển; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của huyện. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; tổ chức tốt việc kết nối tour, tuyến du lịch; nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với khai thác, phát huy  giá trị các di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh của địa phương, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nguyễn Văn Tưởng cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện giờ có 12 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia, thời gian qua các ngành, các xã, thị trấn đã tập trung tổ chức nhiều các hoạt động hết sức thiết thực để bảo tồn, phát huy có hiệu quả các di tích, đặc biệt là gắn khai thác di tích lịch sử, văn hóa với phát triển du lịch. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho các cấp lãnh đạo, để có kế hoạch, lộ trình, tiếp tục đầu tư, trùng tu nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa đã xuống cấp gắn với đó là khai thác, phát triển du lịch trên địa bàn huyện, góp phần cho việc phát triển du lịch huyện Thạnh Phú đến năm 2025 trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 là ngành kinh tế mũi nhọn”.

Để du lịch Thạnh Phú thật sự cất cánh với tiềm năng, thế mạnh là điểm đến hấp dẫn, thân thiện đối với du khách ngoài các thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn thì việc khai thác, phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh của địa phương cần được các ngành, các cấp quan tâm nhằm tạo ra các mô hình điểm du lịch đặc trưng, chuyên biệt, mang đậm bản sắc văn hóa, phát huy tối đa giá trị tài nguyên du lịch vốn có của địa phương, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách, hướng tới phát triển bền vững ngành du lịch và phát triển cân bằng nền kinh tế của huyện Thạnh Phú trong tương lai.

 

Văn Minh