Thạnh Phú sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU

28/03/2024

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 3036/KH-UBND ngày 2-11-2020 về thực hiện các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, ngành nông nghiệp huyện Thạnh phú đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Mô hình tôm - lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình tôm - lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Tạo được sự đồng thuận trong nhân dân

 

Qua 3 năm triển khai, nhận thức của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và người dân về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn được nâng lên rõ rệt. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện và việc tổ chức thực hiện của các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở có tập trung, tạo được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và nhân dân về phát triển nông nghiệp, trong đó chú trọng chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng các chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện và xây dựng nông thôn mới (NTM), thu hút mọi nguồn lực trong xã hội tham gia xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân trên địa bàn huyện.

 

Vùng sản xuất nông nghiệp tập trung bao gồm các sản phẩm chủ lực của huyện: cây dừa, cây lúa, cây xoài tứ quý, con bò, con tôm và gia cầm có quy mô phù hợp từng tiểu vùng, tuân thủ các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; có liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức lại sản xuất tập trung theo hướng bền vững như: nông dân tham gia các hợp tác xã (HTX) liên kết với doanh nghiệp (DN) thông qua hợp đồng; liên kết hợp tác sản xuất khá chặt chẽ trong cung cấp nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ đầu ra sản phẩm, hình thành được các chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của nông hộ và đóng góp tỷ lệ khá cao trong cơ cấu kinh tế của huyện. Hàng năm tăng tỷ lệ cơ cấu trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản bình quân hơn 3,5%/năm.

 

Hiện nay, các chuỗi giá trị của huyện được hình thành và từng bước phát triển ổn định. Trong đó, các chuỗi cây lúa, cây dừa, cây xoài, con bò, con gà và con tôm biển đang hoàn thiện và phát triển mạnh, đang tập trung phát triển các loại hình sản xuất phù hợp theo từng vùng sinh thái của các tiểu vùng theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập.

 

Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được quan tâm hàng đầu. Xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiếp tục triển khai mô hình tôm - lúa theo hướng hữu cơ, áp dụng các giống mới, phù hợp thổ nhưỡng đất đai, thời tiết... liên kết tiêu thụ thông qua ký kết hợp đồng với các công ty trong bao tiêu sản phẩm lúa với diện tích hàng năm trên 650/4.749,67ha (tăng 150ha so với năm 2020) ở các xã: An Nhơn, An Qui, An Thuận, Giao Thạnh, Thạnh Phong, An Điền và Mỹ An.

 

Hiện nay, đang tập trung phát huy nhãn hiệu tập thể lúa sạch Thạnh Phú và phối hợp triển khai chỉ dẫn địa lý lúa sạch Thạnh Phú. Triển khai xây dựng và nhân rộng hơn 500ha trồng lúa theo hướng hữu cơ, có liên kết đầu vào, đầu ra. Đến nay, toàn huyện xây dựng mã vùng trồng trên 250ha (Công ty Hoa Nắng xây dựng trên 115ha đạt chuẩn Organic xuất khẩu).

 

 Xoài có diện tích trên 480ha (tăng 180ha so với năm 2020), tập trung ở các xã: Thạnh Phong, Thạnh Hải và Giao Thạnh, sản lượng hàng năm khoảng 7.000 tấn. Hiện nay, người trồng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng và giá trị cây xoài như: mô hình tưới tiết kiệm nước và dinh dưỡng cho cây xoài giúp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt; thông qua HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong ký kết hợp đồng với DN tiêu thụ xoài trái.

 

Trái xoài tứ quý được công nhận và công bố nhãn hiệu chứng nhận “Xoài tứ quý Thạnh Phú”; được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ xây dựng mô hình vườn xoài hữu cơ theo tiêu chuẩn và đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, mã vùng trồng 120ha (tăng 120ha so với năm 2020) ở xã Thạnh Phong, Thạnh Hải.

 

Dừa có diện tích 8.125ha (tăng 863ha so với năm 2020), sản lượng bình quân hàng năm trên 70,8 triệu trái (tăng 15,8 triệu trái so với năm 2020). Trong đó, có 752,81ha dừa trồng theo mô hình hữu cơ (năm 2020 huyện không có diện tích trồng dừa hữu cơ). Các HTX đang phối hợp với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre tiêu thụ dừa lấy dầu cho người dân và hướng dẫn cho hộ từng bước sản xuất theo hướng hữu cơ; phối hợp DN hỗ trợ các HTX xây dựng mã vùng trồng dừa đạt chuẩn xuất khẩu.

 

Góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra

 

Tổng đàn bò của huyện 47.300 con (tăng 2.800 con so với năm 2020), đang duy trì và nâng chất lượng đàn bò giống, bò thương phẩm. Thí điểm xây dựng mô hình tổ hợp tác nuôi bò sữa xã Mỹ Hưng đem lại hiệu quả, đàn bò sữa phát triển tốt. Hiện nay tổng đàn bò sữa có 131 con, trong đó số bò đang cho sữa khoảng 50 con, sản lượng sữa từ 500 đến 600kg/ngày, giá bán sữa ổn định và cho thu nhập khá.

 

Tổng đàn gia cầm bình quân 700.000 con/năm; đang thực hiện mô hình nuôi gà nòi giống Bến Tre thả vườn đạt chuẩn an toàn sinh học liên kết với công ty Việt Nhật tại TP. Hồ Chí Minh với quy mô nuôi khoảng 100.000 con/năm, ký kết hợp đồng tiêu thụ đầu ra với mức giá bán cao hơn giá thị trường. Đang tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình nuôi gà các xã thuộc tiểu vùng I và hỗ trợ chuẩn bị các bước xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia cầm tại huyện.

 

Diện tích nuôi thủy sản 8.672ha; trong đó diện tích nuôi tôm thẻ thâm canh 3.000ha (mô hình nuôi tôm thâm canh 2, 3 giai đoạn, ứng dụng công nghệ cao có 1.247/1.500ha (năm 2020 không có diện tích nuôi tôm công nghệ cao), đạt 83,13% chỉ tiêu nhiệm kỳ. Mô hình này đem lại hiệu quả cao, rủi ro thấp.

 

Hiện nay, huyện tập trung triển khai kế hoạch phát triển 1.500ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025, đang phối hợp Chi cục Thủy sản và các đơn vị liên quan chuẩn bị các bước thành lập HTX nuôi tôm công nghệ cao huyện. Diện tích nuôi quảng canh 5.672ha. Trong đó, nuôi theo mô hình tôm - lúa và các mô hình nuôi xen 5.030ha, mô hình tôm - rừng 798,7ha; được hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn “Phát triển sản xuất nuôi thủy sản quảng canh cải tiến tăng năng suất” tại xã An Điền, Thạnh Phong và Thạnh Hải, mô hình đạt lợi nhuận khá, ít rủi ro, đang được nhân rộng tại các xã tiểu vùng 2, 3.

 

Huyện phối hợp với Tập đoàn Minh Phú, Chi cục Thủy sản hỗ trợ các khu nuôi có diện tích lớn xây dựng tiêu chuẩn BAT với mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh ứng dụng công nghệ cao và bao tiêu đầu ra phục vụ xuất khẩu; hiện có 17 hộ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn BAT.

 

Kết quả thực hiện thí điểm vùng sản xuất tập trung theo Kế hoạch số 2533/KH-SNN ngày 6-8-2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng thí điểm vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị chủ lực năm 2021 - 2023, đối với chuỗi giá trị cây dừa: Xã Tân Phong phát triển diện tích dừa hữu cơ là 300,45/300ha, đạt tỷ lệ 100,15%, liên kết Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre tiêu thụ; chuỗi giá trị tôm: Xã Giao Thạnh phát triển diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là 111,25/100ha, đạt tỷ lệ 111,25%.

 

Sản xuất nông nghiệp của huyện nhất là các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong những năm qua có bước phát triển khá toàn diện, một số lĩnh vực như: cây dừa, con bò, con tôm biển có sự phát triển đột phá; sản phẩm hàng hóa chủ lực được tập trung đầu tư, một số sản phẩm từng bước tiếp cận mô hình sản xuất hiện đại, góp phần quan trọng trong đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng chung của cơ cấu kinh tế huyện, bảo đảm an sinh, ổn định chính trị, trật tự xã hội; nông nghiệp thực sự trở thành trụ đỡ cho sự phát triển bền vững.

 

Chủ tịch UBND huyện Đào Công Thương cho biết, trong thời gian tới huyện Thạnh Phú sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về xu hướng tất yếu phát triển chuỗi giá trị sản phẩm của huyện và xu hướng tiêu dùng sạch để chủ động, tự giác liên kết, hợp tác, nhằm không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

 

Tập trung đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, nhất là các vùng trồng, chăn nuôi tập trung. Rà soát điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp, phát triển các chuỗi sản phẩm đảm bảo phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng và nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Tổ chức sản xuất lại theo hướng tập trung sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, tạo ra các sản phẩm OCOP; ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của huyện.

 

Kêu gọi, khuyến khích các DN đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, thủy sản tại huyện. Nâng cao chất lượng hoạt động các HTX, tổ hợp tác thực hiện dịch vụ kết nối từ khâu sản xuất với thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, chú trọng vai trò tham gia của DN, quan tâm phát triển cả thị trường trong và ngoài huyện. Tập trung huy động các nguồn lực, lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.

 

“Tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN hoạt động ổn định và đầu tư vào các cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp tại huyện. Triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ DN nông nghiệp đầu tư vào nông thôn. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh”.

(Chủ tịch UBND huyện Đào Công Thương)

 

Nguồn: baodongkhoi.vn