Sử dụng hiệu quả nguồn vốn phát triển kinh tế

30/12/2022

BDK - Sau gần 10 năm hoạt động, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (QHTPNPTKT) tỉnh từ 20 tỷ đồng của những ngày đầu thành lập, đến nay đã đạt 176 tỷ đồng; từ 8.500 khách hàng được vay vốn đến nay là hơn 21.000 khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Kim Xa với sản phẩm dừa gọt trọc.

Chị Nguyễn Thị Kim Xa với sản phẩm dừa gọt trọc.

 

Với phương thức và thủ tục vay vốn đơn giản, hiệu quả, hình thức vay tín chấp theo nhóm bảo lãnh, QHTPNPTKT tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn dễ dàng tiếp cận vốn lâu dài để đầu tư sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo bền vững. Trung bình mỗi năm có đến 4.000 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn. Trong đó, trên 300 khách hàng thoát nghèo hoặc chuyển từ hộ nghèo sang hộ cận nghèo (50% hộ do phụ nữ làm chủ).

 

Chị Nguyễn Thị Kim Xa - Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp Bình Long, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm cho biết: Cuối năm 2021, với nguồn vốn được tiếp cận từ QHTPNPTKT 15 triệu đồng, cộng với số vốn tích lũy được, chị cùng người em đầu tư máy móc trang thiết bị, nhà xưởng và cho ra đời cơ sở “Dừa xiêm Kim Xa”. Trong đợt giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, lượng dừa tồn đọng rất nhiều, chị có suy nghĩ và tìm hiểu qua những thông tin bên ngoài với trái dừa xiêm gọt trọc, sản phẩm này khách hàng rất chuộng. Để có được một trái dừa xiêm đẹp mắt mà vẫn giữ nguyên được hương vị thơm ngon vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp đáp ứng được nhu cầu của thị trường, cơ sở chị phải lựa chọn những trái dừa có độ ngọt từ 5 - 7 chấm trở lên được thử bằng máy, sau đó còn phải qua nhiều công đoạn như: lột sạch vỏ, dùng máy bào gọt phần sơ cứng, ngâm vào nước chanh tự nhiên để làm trắng dừa. Đặc biệt là thành phẩm này phải đưa đến tay người tiêu dùng trong ngày để đảm bảo giữ độ ngọt, thơm và độ tươi tự nhiên nhất của trái dừa.

 

Hiện nay, sản phẩm từ cơ sở của chị Xa đã được khách hàng ưa chuộng, số lượng dừa mỗi ngày xuất ra rất nhiều, trung bình thành phẩm từ 1.000 - 1.500 trái/ngày. Ngoài việc mang lại giá trị kinh tế cao gấp đôi cho trái dừa, cơ sở chị còn giải quyết việc làm cho 10 lao động nhàn rỗi ở địa phương. Hiện tại nhân công làm tại xưởng có mức thu nhập khá ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

 

Chị Nguyễn Thị Thẩm ở ấp Thạnh Trị Thượng, thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú, trước đây gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo của xã, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn sản xuất. Nhờ được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã nên năm 2016, gia đình chị được giới thiệu vay 5,4 triệu đồng từ QHTPNPTKT để phát triển kinh tế gia đình. Từ số vốn trên cộng số tiền dành dụm sẵn có, vợ chồng chị đã quyết định đầu tư vào mô hình nuôi bò sinh sản. Với số vốn ban đầu chị có điều kiện làm chuồng trại và mua 1 con bò nái. Nhờ ham học hỏi, cần cù chịu khó và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi nên mỗi năm bò đều sinh sản được bê con.

 

 

Nhận thấy mô hình chăn nuôi có hiệu quả, chị đã mạnh dạn xin tăng vốn lên 18 triệu đồng để đầu tư vào việc mở rộng chuồng trại, tăng số lượng đàn bò. Hiện tại đàn bò của chị lên đến 4 con nái chuẩn bị sinh sản lứa tiếp theo. Giờ đây, cuộc sống kinh tế gia đình chị được ổn định hơn, thu nhập mỗi năm đều tăng lên, có vốn tích lũy, sửa sang lại nhà cửa vững chắc hơn, có điều kiện chăm lo cho 2 con ăn học, con gái lớn của chị cũng bước vào đại học.

 

Hay hộ ông Phan Văn Dũng, ấp Kinh Gãy, xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, là thành viên vay vốn của Quỹ với mô hình làm hoa kiểng. Hộ ông Dũng được Hội LHPN xã Phú Mỹ giới thiệu và tiếp cận nguồn vốn vay từ QHTPNPTKT 7 triệu đồng năm 2017. Với số vốn này cùng với số vốn tích lũy của gia đình, ông đầu tư vào mô hình làm cây kiểng, cây giống nhưng chủ yếu thế mạnh là làm chậu bông giấy chưng Tết. Được sự động viên từ phía Hội LHPN xã cùng sự đồng hành của QHTPNPTKT tỉnh với các chu kỳ vay vốn qua nhiều năm nay đã giúp hộ ông Dũng tăng thêm vốn vay trên 30 triệu đồng, trong đó có gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi để ông có điều kiện mua thêm phân, thuốc, cây con, mở rộng quy mô làm cây kiểng để cho ra những sản phẩm đẹp nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình trong dịp Tết.

 

Hộ anh Nguyễn Văn Chương ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tham gia vay vốn của QHTPNPTKT tỉnh từ năm 2016, với số vốn ban đầu rất nhỏ chỉ trên 5 triệu đồng, anh đã đầu tư vào làm mai con. Qua nhiều năm tham gia vay vốn, đóng gốc, lãi tốt đến nay hộ anh đã tiếp cận được số vốn vay lên đến 22 triệu đồng nên anh đã mạnh dạn mở rộng thêm quy mô, đầu tư nhiều hơn vào cây mai giống. Do biết tính toán làm ăn và bắt kịp công nghệ hiện đại, gia đình anh bắt đầu lập các kênh trên mạng xã hội livestream để bán hàng qua mạng, sản phẩm chủ yếu là mai vàng con, mai ghép với nhiều loại giống và kích cỡ khác nhau… Mô hình đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình; là gương điển hình để bà con của xã Vĩnh Thành nói riêng, huyện Chợ Lách nói chung học tập và làm theo.

 

“Toàn tỉnh có 17.041 hộ nghèo, trong đó có 8.565 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Qua khảo sát, có 3.616 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ có ý chí, quyết tâm phát triển kinh tế, thoát nghèo. Hội đã phối hợp tập trung hỗ trợ thực hiện các mô hình sinh kế phù hợp thông qua phát huy hiệu quả trên 2.980 tỷ đồng là nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Agribank, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh… đã hỗ trợ vốn vay cho trên 89 ngàn người. Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả trên 5.000 mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, tổ đa dạng nghề nghiệp... nhằm phát triển những ngành nghề thế mạnh sẵn có, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, tập trung giúp phụ nữ bằng việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất thông qua chương trình tài chính vi mô với số tiền 13,2 tỷ đồng, giúp cho trên 1.420 phụ nữ tự tin khôi phục sản xuất, đầu tư cây trồng, vật nuôi, tái sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ 610 phụ nữ khởi nghiệp, thoát nghèo, vươn lên làm giàu”.

(Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa)

 

Nguồn: baodongkhoi.vn