Sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ các-bon

01/03/2024

Tín chỉ các-bon và thị trường tín chỉ các-bon không còn là khái niệm mơ hồ mà là sự thật và là “tiền tươi” đối với ngành nông nghiệp. Tỉnh có hơn 78 ngàn héc-ta dừa, 25 ngàn héc-ta vườn cây ăn trái và gần 7 ngàn héc-ta rừng ngập mặn, tiềm năng và giá trị của ngành nông nghiệp của tỉnh ước đoán sẽ khá hấp dẫn trong thị trường tín chỉ các-bon. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc phỏng vấn đồng chí Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Bản đồ ước tính sinh khối tỉnh năm 2017 và 2023. 

 

* Thưa đồng chí Giám đốc Sở NN&PTNT, gần đây tín chỉ các-bon và thị trường tín chỉ các-bon được nhiều người quan tâm. Theo đồng chí nên hiểu như thế nào về các nội dung này?

- Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh: Về tên gọi và nguồn gốc của thị trường tín chỉ các-bon thì phải xem xét đến Nghị định thư Kyoto năm 1997 của Liên hợp quốc về vấn đề cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Trong đó, có đặt ra vấn đề về việc bán, cho hoặc mua quyền phát thải theo cam kết. Tức là anh nào phát thải ít thì chia sẻ với anh có phát thải nhiều để cân bằng, bảo đảm theo nội dung cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Từ đây, hình thành nên cái gọi là thị trường tín chỉ các-bon. Vì các-bon (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của các loại khí nhà kính, một tín chỉ các-bon tương đương với một tấn CO2 hoặc một tấn CO2 quy đổi tương đương. Trong thời gian qua, Việt Nam và Nhật Bản hợp tác các dự án cơ chế tín chỉ chung (JCM) đây cũng là hình thức của tín chỉ các-bon.

Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7-1-2022 của Chính phủ Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn đến hết năm 2027, tập trung cho xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon và triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon. Giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon. Đồng thời, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới. Việc trao đổi tín chỉ các-bon được thực hiện trên sàn giao dịch tín chỉ các-bon, thị trường các-bon trong nước theo quy định. Tín chỉ các-bon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon được phép chuyển đổi thành đơn vị bù trừ cho hạn ngạch phát thải khí nhà kính trên sàn giao dịch. Các cơ sở được đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính, sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ phát thải khí nhà kính.

Do đó, có thể thấy rằng thị trường các-bon là một hình thức “thị trường cho sản phẩm mới” mà ngành nông nghiệp có thể tham gia khai thác.

* Ngành nông nghiệp rất có tiềm năng tham gia thị trường tín chỉ các-bon, theo đồng chí đâu là lợi thế của ngành nông nghiệp Bến Tre?

- Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam được coi là nước có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ các-bon. Riêng ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ các-bon mỗi năm, tương đương 57 triệu tấn CO2 được hấp thụ… Đối với Bến Tre, có trên 78 ngàn héc-ta vườn dừa và 25 ngàn héc-ta vườn cây ăn trái và gần 7 ngàn héc-ta rừng ngập mặn thì việc tham gia thị trường các-bon là rất khả thi và mang lại lợi ích cho người nông dân. Đặc điểm của sinh khối ở Bến Tre là cây xanh quanh năm và không có mùa rụng, thay lá nên hiệu quả hấp thu các-bon là tương đối cao nhất.

Các chuyên gia của Trường Đại học Cần Thơ đã có nghiên cứu liên quan việc ước lượng khả năng hấp thụ CO2 của cây dừa qua sinh khối tại huyện Giồng Trôm. Kết quả cho thấy, cây dừa ở Bến Tre có khả năng hấp thụ một lượng CO2 đáng kể, với 1ha dừa ở Bến Tre có thể lưu giữ từ 25 - 75 tấn CO2. Bến Tre có trên 78 ngàn héc-ta vườn dừa. Như vậy, có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2. Ngoài ra, từ số liệu so sánh trên cơ sở ứng dụng bản đồ viễn thám và GIS cho thấy ước tính sinh khối toàn tỉnh tăng từ năm 2018 - 2023, lượng CO2 tính toán giữ lại trong cây trồng tăng từ 158 triệu tấn lên 169 triệu tấn. 

Hiện nay, có nhiều thông tin cho rằng, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ các-bon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng). Đây là cơ sở ban đầu cho việc mở ra triển vọng bán tín chỉ các-bon trên các vườn cây lâu năm của tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn cần thời gian tìm hiểu và tiếp tục nghiên cứu kỹ để đánh giá đúng tiềm năng và lợi thế của địa phương, cách tính toán, cũng như phương thức “chia lợi nhuận” cho người nông dân.

Thị trường tín chỉ các-bon cung cấp cơ hội cho các tổ chức nông nghiệp và nông dân nhận tín chỉ các-bon thông qua việc thực hiện các hoạt động giảm thiểu khí thải và lưu giữ các-bon. Bằng cách này, ngành nông nghiệp không chỉ đóng góp vào giảm thiểu biến đổi khí hậu mà còn có thể tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho người nông dân.

* Định hướng sắp tới của ngành khi tham gia vào lĩnh vực này?

- Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện chương trình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và cam kết về chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. Trong đó, có mục tiêu đạt phát thải các-bon ròng bằng 0 vào năm 2050; thực hiện Kế hoạch hành động của UBND tỉnh về tăng trưởng xanh tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, Sở NN&PTNT đang tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Tiếp tục phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có để giảm phát thải, khoanh nuôi phục hồi rừng để nâng cao chất lượng và trữ lượng các-bon. Chủ động phối hợp với các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu tiềm năng, giá trị của thị trường các-bon đối với ngành nông nghiệp, nhất là đối với cây dừa và cây lâu năm. Tham gia xu thế toàn cầu phát triển các-bon thấp, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ, cơ cấu lại ngành nông nghiệp góp phần thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ về mặt kỹ thuật, chính sách để thúc đẩy ngành dừa phát triển và giữ vững vị thế, xứng đáng là cây công nghiệp chủ lực của quốc gia. Mở rộng và đẩy mạnh hình thành vùng sản xuất cây ăn trái tập trung gắn với chứng nhận mã số vùng trồng để duy trì diện tích sinh khối và tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT còn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan triển khai Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; thực hiện nhiệm vụ đánh giá tiềm năng của tỉnh tham gia thị trường các-bon; tập trung cho đối tượng cây dừa, cây ăn trái, rừng ngập mặn ven biển, chăn nuôi nhằm xác định tiềm năng tín chỉ các-bon, chuẩn bị cơ sở, điều kiện cho tỉnh tham gia thị trường các-bon trong thời gian tới.

* Xin cảm ơn Giám đốc Sở NN&PTNT!

Theo baodongkhoi.vn