Phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình Dân vận khéo cấp tỉnh

30/12/2024

Năm 2024, các cấp ủy, chính quyền, hệ thống dân vận trong toàn tỉnh quan tâm triển khai xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực với nhiều nội dung, cách làm mới, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư và phát huy hiệu quả; 187 mô hình “Dân vận khéo” được Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ và phong trào thi đua Dân vận khéo tỉnh (Ban Chỉ đạo 441) công nhận đạt mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ gìn ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Huyện Bình Đại quan tâm chỉ đạo mô hình “Dân vận khéo”. Ảnh: Nguyễn Hiếu

 

Mô hình “Dân vận khéo” góp phần giải quyết các vấn đề nóng, bức xúc trên địa bàn dân cư

Đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo 441 đã tiếp nhận đăng ký 272 mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh (193 mô hình lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội và 79 mô hình lĩnh vực an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị); đã thẩm định, ghi nhận, góp ý, điều chỉnh 242 mô hình, không ghi nhận 30 mô hình. Cuối năm 2024, Ban Chỉ đạo 441 đã tiếp nhận 191 mô hình đề nghị công nhận cấp tỉnh và đã quyết định công nhận 187/191 mô hình “Dân vận khéo” đạt tiêu chí cấp tỉnh.

Mô hình“Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế, có 106 mô hình, tập trung vào việc vận động người dân đồng thuận trong giải phóng mặt bằng hoặc hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, ngày công lao động,…xây dựng các công trình, dự án của tỉnh, của huyện và xã; xây dựng cầu, đường; các khu dân cư, tuyến đường “Sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn, nghĩa tình”,…góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế; thúc đẩy cộng đồng tham gia thực hiện đạt hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Vận động Nhân dân phát triển kinh tế trong sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, liên kết, trao đổi, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như các mô hình: “Vận động nhân dân thực hiện công trình đê bao cục bộ ngăn mặn trữ ngọt, phòng chống triều cường trên địa bàn ấp Tân Điền” của Hội Nông dân xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam; “Vận động hộ dân trồng dừa đăng ký và xây dựng mã số vùng trồng tạo liên kết đầu ra sản phẩm dừa uống nước trên địa bàn xã” của Hội Nông dân xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm; “Vận động Nhân dân phát triển kinh tế đạt 500 triệu/ha/năm trên địa bàn xã” của Ủy ban nhân dân xã Phú Đức, huyện Châu Thành, …

Mô hình“Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, đã công nhận 42 mô hình như: vận động xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, gia đình hạnh phúc tiến bộ theo Nghị quyết của Tỉnh ủy; xây dựng “Trường học xanh - sạch - năng động”; “Cơ quan, văn phòng xanh - sạch - năng động”,…theo Đề án “Bến Tre xanh”, vận động người dân tham gia thực hiện các cuộc vận động, phong trào hành động cách mạng của địa phương, đơn vị như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, vận động tín đồ tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”; bảo vệ môi trường; thu gom, phân loại và xử lý rác thải,…Tiêu biểu như các mô hình:Huy động nguồn lực xây dựng 1.000 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh,“Vận động người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến” của Ủy ban nhân dân thị trấn Bình Đại; “Mỗi công đoàn cơ sở gắn với một địa chỉ nhân đạo trên địa bàn huyện” của Liên đoàn Lao động huyện Châu Thành; “Mô hình 1+1” trong công tác vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn huyện” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mỏ Cày Nam,…

Mô hình vận động Nhân dân trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất tại Chợ Lách”. Ảnh: Nguyễn Hiếu

 

Mô hình“Dân vận khéo” trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng, đã công nhận 19 mô hình như vận động Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về họ, hụi, biêu, phường; vận động, giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật; việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nắm chắc tình hình Nhân dân, xây dựng lực lượng nòng cốt, kịp thời dự báo, đề xuất, xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp ở cơ sở, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiêu biểu như các mô hình: “Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện có hiệu quả Nghị định 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hụi, họ, biêu, phường tại xã Bình Thạnh” của Chi bộ Ban Dân vận Huyện ủy Thạnh Phú; Xóm đạo giữ vững an ninh trật tựcủa Chi bộ ấp Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách; “Hòa giải các vụ việc hôn nhân và gia đình nhằm hướng tới kết quả hòa giải đoàn tụ thành” của Tòa án nhân dân huyện Mỏ Cày Nam; “Thành lập câu lạc bộ tuyên truyền viên pháp luật nòng cốt” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú,...

Mô hình“Dân vận khéo” trên lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đã công nhận 20 mô hình như vận động Nhân dân duy trì, củng cố, kiện toàn và nâng chất hoạt động của các tổ nhân dân tự quản, các chi đoàn, chi hội cơ sở hoạt động yếu, kém; việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong Nhân dân. Tiêu biểu như các mô hình: “Xây dựng mã QR code để khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức đảng và đảng viên về các thủ tục hành chính trong công tác Đảng, đảng viên tại Ban Tổ chức Thành ủy Bến Tre”, “Đổi mới phương hướng làm việc theo hướng phục vụ, thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính” của Ủy ban nhân dân xã Long Thới, huyện Chợ Lách,…

Nhân rộng một số mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, có sức lan tỏa, hiệu quả tại địa phương

Năm 2023, Ban Chỉ đạo 441 chọn 03 mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh tiêu biểu để tổ chức xây dựng và nhân rộng cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 gồm: “Vận động nhân dân đồng thuận giao đất giải phóng mặt bằng thực hiện công trình, dự án”, “Xây dựng trường học “Xanh - Sạch - Năng động””, “Họ đạo liên giao tự quản về an ninh, trật tự”. Ban Dân vận các huyện, thành phố chọn 35 mô hình được công nhận cấp tỉnh, 107 mô hình được công nhận cấp cấp huyện, thành phố. Để nhân rộng. Một số mô hình mới, hiệu quả góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị như: Mô hìnhTuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện có hiệu quả Nghị định 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hụi, họ, biêu, phường”;Nâng cao hiệu quả hoạt động gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo và tuyên truyền, vận động sử dụng dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp năm 2024”; "Vận động hộ gia đình có phụ nữ vay vốn tích cực tham gia cùng với Hội ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo trong công tác quản lý”; Vận động thành lập các Nghiệp đoàn và phát triển đoàn viên là lao động khu vực phi chính thức”,...

Mô hình vận động Nhân dân hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc xây dựng giao thông nông thôn ở xã Phú Túc, huyện Châu Thành”. Ảnh: Nguyễn Hiếu

 

Đổi mới, phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh thời gian tới

Để đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” mang lại hiệu quả thiết thực, lan tỏa rộng khắp và đồng đều trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, giải quyết tốt các vấn đề nóng, bức xúc trên địa bàn dân cư; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Thường trực Ban chỉ đạo 441 Bùi Văn Bia cho rằng:

Một là, cần tiếp tục xác định việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, là giải pháp quan trọng góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận trong tình hình mới. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn chặt với phòng trào thi đua “Đồng Khởi mới” và việc triển khai, thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân; thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". 

Hai là, chủ động, sáng tạo trong xây dựng mới và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” các cấp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội bảo đảm phù hợp, thiết thực đối với từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Tập trung xây dựng, kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình, điển hình mới, giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, bức xúc, khó, mới, theo chỉ đạo của cấp ủy, Ủy ban nhân dân như: Vận động nhân dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, thực hiện các công trình, dự án; cải cách hành chính, thực hiện dân chủ ở cơ sở; vận động Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về họ, hụi, biêu phường; trong phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU; xử lý ô nhiễm môi trường, phân loại rác thải; xây dựng hệ thống chính trị; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội,... nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Ba là, tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ và phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp trong việc chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; đảm bảo "tính khéo", "tính thiết thực", "tính hiệu quả" của từng mô hình; khắc phục có hiệu quả tình trạng lựa chọn mô hình "dễ xây dựng, dễ thực hiện, dễ công nhận" nhưng không thể nhân rộng, lan tỏa vì không mang lại hiệu quả thiết thực, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu những mô hình hay, cách làm hiệu quả, các gương điển hình để biểu dương, lan tỏa, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực.

Có thể khẳng định, phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có ý nghĩa hết sức thiết thực trong công tác dân vận. Các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần mở rộng dân chủ, tạo sự đoàn kết và sự đồng thuận xã hội, phát huy sức dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đóng góp thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ gìn ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh.

Nguyễn Hiếu (Ban Dân vận Tỉnh ủy)