“Người chiến sĩ trên mặt trận ấy!”

09/06/2022

Chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đoàn Văn công giải phóng Bến Tre (25/6/1962-25/6/2022), Ông Trần Công Ngữ (Vũ Hoàng), nguyên UVBTVTU, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nguyên Trưởng đoàn Văn công giải phóng Bến Tre đã có bài viết như sau, xin giới thiệu đến bạn đọc):

Mùa xuân 1960, cuộc Đồng khởi ở Bến Tre đã nổ ra, ngọn lửa rừng dừa đã bùng lên và lan nhanh trên 3 cù lao đất Bến. Cuộc kháng chiến chống Mỹ trên quê hương Đồ Chiểu đã và đang rừng rực khí thế tiến công. Bà Nguyễn Thị Định hồi ấy là Bí thư Tỉnh ủy phụ trách công tác Tuyên Văn Giáo đã trực tiếp chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Ban: “Cán bộ văn nghệ hãy xuống cơ sở hướng dẫn phong trào, bồi dưỡng cốt cán, dần dần tuyển chọn những người có khả năng rút lên xây dựng một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp để phục vụ lâu dài cho công cuộc kháng chiến”. Mãi cho đến bây giờ chúng ta mới nghiệm ra cô Nguyễn Thị Định không chỉ là tướng lĩnh, không chỉ là người lái thuyền vượt biển, mà còn là một nhà chính trị xuất sắc có tầm nhìn chiến lược của cách mạng ở Bến Tre “Xây dựng một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp để phục vụ lâu dài cho công cuộc kháng chiến”. Cô đã thấm nhuần quan điểm về văn hóa nghệ thuật, chỉ ra phương thức tổ chức và định hướng cho hoạt động chiến lược của Đảng ta trong chiến tranh cách mạng và xây dựng bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Thực hiện sự chỉ đạo ấy, sau Đồng khởi 888 ngày tương đương 29 tháng, ngày 25/6/1962 Đoàn Văn công Giải phóng Bến Tre ra đời và đêm biểu diễn đầu tiên tại chợ Hồ Cỏ nay là xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre.

Ông Trần Công Ngữ và những cán bộ, diễn viên của Đoàn Văn công giải phóng Bến Tre năm xưa, viếng mộ đồng đội tại nghĩa trang Hồ Cỏ (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú).

Mười ba năm “Vượt qua khói bom, hát trong lửa đạn”, hàng trăm anh chị em cán bộ, diễn viên, nhạc công và nhân viên của Đoàn đã trải qua bão táp phong ba, bom cày đạn xới, biết bao hy sinh mất mát, vẫn bám chặt vùng giải phóng phục vụ đồng bào chiến sĩ bên vành đai, bên hố bom đìa và chui sâu vào ấp chiến lược, khu  trù mật của địch, đem tiếng hát át tiếng bom, góp phần không thể thiếu động viên và thôi thúc quân dân hăng say chiến đấu. Dù địch đã nhiều lần tìm cách đánh phá tiêu diệt, đoàn có lúc phân tán, lúc tập trung, có lúc quân số trên 50 người và có lúc chỉ còn 11 anh chị em, nhưng Đoàn Văn công giải phóng Bến Tre luôn duy trì xây dựng và phát triển, để có một đêm biểu diễn hoành tráng trong ngày vui đại thắng tại Thị xã Bến Tre vào đêm 02/5/1975.

Cùng với Đoàn Văn công giải phóng Bến Tre, những năm kháng chiến hoạt động văn hóa nghệ thuật đã trở thành mặt trận nóng bỏng. Năm 1962 – 1963 Đoàn Văn công Lúa Vàng huyện Giồng Trôm; Đoàn Văn công Thanh Tiến huyện Thạnh Phú; Đoàn Văn công Sao Vàng huyện Mỏ Cày ra đời. Rồi những năm tiếp theo, Đoàn Văn công Bông Tơ huyện Ba Tri; Văn công Thanh Hải huyện Bình Đại; Dừa Xanh huyện Châu Thành; Văn công Đồng Khởi của Tỉnh đội; Văn công Thanh Kiếm Đồng Khởi của Ngành Công an. Vậy là trong kháng chiến gian khổ ác liệt ở tỉnh ta có tất cả 9 đoàn nghệ thuật cấp tỉnh và huyện, với 376 cán bộ diễn viên, ngang với quân số của một tiểu đoàn quân giải phóng thời ấy ở Bến Tre. Trong số cán bộ, diễn viên ấy, đã có nhiều người được Khu 8 chọn và rút về Khu để thành lập Đoàn Văn công Đồng Tháp. Những chiến sĩ không cầm súng ấy, không trực tiếp chiến đấu với quân thù nhưng họ đã dũng cảm hy sinh, có người thân thể mang đầy thương tích. Trong 45 liệt sĩ, chiến sĩ trên “Mặt trận ấy” Đoàn Văn công Giải phóng Bến Tre có 9 đồng chí, Đoàn Văn công Thanh Hải có 8 đồng chí, v.v…

60 năm đã trôi qua, ta không thể nào quên “Những chiến sĩ trên mặt trận ấy” đã ngã xuống và biết bao người mang thương tích. Họ đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống văn hóa trên quê hương Đồ Chiểu, họ là những nhịp cầu tiếp nối, truyền lửa cho thế hệ những người làm công tác văn hóa nghệ thuật hôm nay.

Từ trái qua: Bà Huấn Ngọc, nguyên Phó Trưởng Đoàn (1967); Ông Ba Thận, nguyên Chính trị viên Đoàn (1962); Ông Huỳnh Văn Cam (Lê Huỳnh), nguyên Trưởng Đoàn (1969); Ông Trần Công Ngữ (Vũ Hoàng), nguyên Trưởng Đoàn (1972).

Cùng với dòng chảy lịch sử, cội nguồn văn hóa xứ dừa, dù trải qua bao thăng trầm, nhưng cốt cách ấy luôn tỏa sáng và là ánh đuốc soi đường cho hôm nay. Chúng ta vô cùng tự hào về truyền thống của bao lớp cha ông đi mở cõi để khai phá vùng đất phương Nam, vùng đất tị địa đã lập nên những dân ấp, dân lân. Người dân nơi đây đã thấm nhuần đạo lý và thụ hưởng truyền thống văn hóa của các bậc hiền tài như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Sương Nguyệt Anh, … để từ đó quê hương chúng ta tiếp tục sản sinh nhiều nhà văn hóa nghệ thuật mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử như: Phan Thanh Giản, Trương Gia Mô, Trương Vĩnh Ký… rồi đến khi có Đảng Cộng sản ra đời, đã chắp cánh cho đội ngũ văn hóa nghệ thuật xứ dừa bay cao, bay xa như: Ca Văn Thỉnh, Dương Tử Giang, Diệp Minh Châu, Trang Thế Hy, Lê Hà, Phạm Khắc, Lê Anh Xuân, Thanh Giang, Chim Trắng, Võ Trần Nhã, Huy Lam, v.v… để đến hôm nay Bến Tre có một đội ngũ “Những người chiến sĩ trên mặt trận ấy” đã và đang tiếp bước, để dòng chảy lịch sử chở đầy hồn thơ./.

Vũ Hoàng