Mỏ Cày Bắc sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy

11/07/2022

Sau 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 3003/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện Mỏ Cày Bắc đã xây dựng, hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực đối với chuỗi dừa, bưởi da xanh, cây giống - hoa kiểng và con heo một cách hiệu quả, bền vững nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân.

UBND huyện, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và các xã tổ chức triển khai, quán triệt về nội dung Nghị Quyết số 07-NQ/TU ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Tỉnh ủy, Kế hoạch 3003/KH-UBND ngày 01 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh cho cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân với 320 cuộc cho khoảng 8.960 lượt người tham dự.

 

Toàn huyện đã cấp chứng nhận cho 586,89 ha dừa hữu cơ.

 

Đến nay, vùng sản xuất dừa hữu cơ đã được các ngành chuyên môn của huyện phối hợp với doanh nghiệp chế biến dừa tổ chức hướng dẫn khảo sát, tập huấn hộ canh tác dừa. Đến nay, đã cấp chứng nhận cho 586,89 ha dừa hữu cơ tại các xã Tân Thành Bình 360,3 ha, xã Khánh Thạnh Tân 158,24 ha, Hưng Khánh Trung A 68,35 ha) đạt 19,56% (Nghị quyết 07-NQ/TU đến năm 2025 là 3.000 ha). Ngoài ra, huyện có 1.414 ha dừa đầu tư thâm canh (lũy kế 4.824 ha). Huyện phối hợp liên kết với Doanh nghiệp chế biến dừa Lương Quới tổ chức cho 156 người dân của các xã Tân Phú Tây, Phước Mỹ Trung, Hòa Lộc, Nhuận Phú Tân tham gia khảo sát vườn dừa của các hộ dân tham gia canh tác dừa hữu cơ đã được chứng nhận.

 

Bưởi da xanh đã chứng nhận được 43 ha Bưởi da xanh VietGap tại các xã Thanh Tân 20 ha, Hòa Lộc 13 ha, Tân Thành Bình 10 ha đạt 21,5% (Nghị quyết 07-NQ/TU đến năm 2025 là 200 ha), ngoài ra còn có 986 ha Bưởi da xanh đầu tư thâm canh. Đồng thời huyện đã tiến hành khảo sát, lập danh sách các hộ đăng ký tham gia trồng Bưởi da xanh VietGap tại các xã Tân Thanh Tây và Phước Mỹ Trung.

 

Về cây giống - hoa kiểng diện tích toàn huyện hiện có 538,5 ha. Trong đó, cây giống 470 ha, tăng 14 ha so với năm 2021 (456 ha). Hoa kiểng 68,5 ha (giảm 13,5 ha so với năm 2021). Tổng số lượng sản phẩm hoa kiểng là 578.615 sản phẩm, giảm 111.435 sản phẩm so với năm 2021, tổng danh thu ước đạt 43,7 tỷ đồng.

 

Diện tích sản xuất cây giống toàn huyện ngày càng tăng.

 

Hiện toàn huyện có 11/13 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị. Trong đó, có 04 HTX dừa (Tân Thành Bình, Tân Bình, Thành An, Phước Mỹ Trung) tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ dừa trái đạt 200% (Nghị quyết 07-NQ/TU đến năm 2025 là 2 HTX). Huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và Ủy ban nhân dân các xã củng cố hoạt động các HTX gắn với thực hiện chuỗi giá trị chủ lực của huyện, tỉnh trên cơ sở tập huấn của Doanh nghiệp chế biến dừa hướng dẫn hộ dân tại các xã Hòa Lộc, Tân Phú Tây, Phước Mỹ Trung, Nhuận Phú Tân, Khánh Thạnh Tân; 03 HTX cây ăn trái (Thanh Tân, Hòa Lộc, Tân Phú Tây) liên kết sản xuất tiêu thụ bưởi trái đạt 300% (Nghị quyết 07-NQ/TU đến năm 2025 là 1 Hợp tác xã); 02 HTX heo (Thành An, Tân Thanh Tây) đạt 50% (Nghị quyết 07-NQ/TU đến năm 2025 là 4 Hợp tác xã); 02 HTX cây giống - hoa kiểng (Hưng Khánh Trung A, Phú Mỹ) liên kết sản xuất tiêu thụ cây giống - hoa kiểng đạt 100% (Nghị quyết 07-NQ/TU đến năm 2025 là 2 Hợp tác xã).

 

Đàn heo của huyện hiện nay có 81.460 con, tăng 4,28% so năm 2021, riêng xã Thành An 13.500 con. Công tác phòng, chống dịch bệnh (Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh lở mồm long móng …) trên địa bàn huyện được chú trọng để các hộ dân an tâm đầu tư vào chăn nuôi.

 

Với những kết quả sau 01 năm thực hiện, huyện Mỏ Cày Bắc cũng đề ra phương hướng và các giải pháp thời gian tới để bảo đảm đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị, nâng cao nhận thức cho nông dân về lợi ích khi tham gia liên kết sản xuất, giúp họ hiểu hơn về Luật HTX năm 2012, vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi liên kết.

 

Mỏ Cày Bắc quan tâm hướng dẫn người dân tham gia vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

 

Thứ hai, hướng dẫn người dân tham gia vùng sản xuất hàng hóa tập trung để tăng chất lượng sản phẩm (VietGAP, hữu cơ,..) đủ khả năng cạnh tranh với thị trường. Chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào phục vụ sản xuất, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu.

 

Thứ ba, tranh thủ các chính sách để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Củng cố các tổ hợp tác (THT), HTX phát triển để liên kết sản xuất tạo hàng hóa đảm bảo số lượng, chất lượng sản phẩm cung ứng cho thị trường. Phối hợp các ngành tỉnh mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng tổ chức quản trị, quản lý sản xuất cho THT, HTX để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tập thể.

 

Đồng thời, hướng dẫn THT, HTX, người dân làm quen với các chương trình kết nối thương mại điện tử, website, nhãn hiệu hàng hóa, ứng dụng tem QRCode truy xuất nguồn gốc và kỹ năng tiếp cận thị trường.

 

Thái Hòa