Kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế tuần hoàn ở tỉnh Bến Tre
11/08/2023
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của hàng hóa, loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường, đây là mô hình kinh tế mới được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện trong đó có Việt Nam. Trên cơ sở học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn từ các nước, Việt Nam triển khai thực hiện Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn trên phạm vi cả nước. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua tỉnh Bến Tre tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với tái cơ cấu nền kinh tế.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế đặc biệt chú trọng đến việc quản lý và bảo vệ môi trường. Vì vậy, hiểu thế nào về kinh tế tuần hoàn, vai trò của kinh tế tuần hoàn; dưới góc độ bài viết này tác giả đề cập đến hai nội dung chính đó là tổng quan về kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế tuần hoàn ở tỉnh Bến Tre trong thời gian qua.
1. Tổng quan về kinh tế tuần hoàn
Thứ nhất, khái niệm về kinh tế tuần hoàn.
Hiện nay, có rất nhiều khái niệm về kinh tế tuần hoàn, theo Nghị viện Châu Âu, kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một hệ thống kinh tế được tạo ra để giảm lượng rác thải xuống mức tối thiểu. Khi một sản phẩm không dùng được nữa, nó vẫn tiếp tục được giữ lại trong nền kinh tế thay vì vứt bỏ ra ngoài môi trường, bằng cách áp dụng các biện pháp như tái chế, tái sử dụng, sửa chữa, tân trang…
Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó giá trị hàng hóa, tài nguyên và nguyên nhiên vật liệu được duy trì càng lâu càng tốt để tạo ra nhiều giá mới khác. Việc này giúp ngăn ngừa nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và giá cả thị trường bất ổn định, giảm thiểu việc phát sinh rác thải và gia tăng việc sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo bền vững.
Ở Việt Nam, theo Điều 142, Luật bảo vệ môi trường (Luật số 72/2020/QH14, ngày 17/11/2020), kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Như vậy, có nhiều khái niệm khác nhau nhưng nhìn chung có thể hiểu: Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế khép kín dựa trên cơ sở của việc tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng nhằm kéo dài tuổi thọ của hàng hóa, tận dụng tối đa giá trị các nguồn nguyên vật liệu, từ đó loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao chất lượng hệ sinh thái.
Thứ hai, tiêu chí chung về kinh tế tuần hoàn.
Theo Khoản 1, Điều 138, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về quy định một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định tiêu chí chung về kinh tế tuần hoàn như sau: (1) Giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu; tiết kiệm năng lượng; (2) Kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; (3) Hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường bao gồm: giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải; giảm sử dụng hóa chất độc hại; tái chế chất thải, thu hồi năng lượng; giảm sản phẩm sử dụng một lần; mua sắm xanh.
Phát triển kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu thế chủ đạo của thế giới, góp phần thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia theo hướng phát triển bền vững. Vì vậy, việc phát triển kinh tế tuần ở Việt Nam trong “thời đại 4.0” hiện nay là rất cần thiết, nên Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 về phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đặc biệt, để phát triển kinh tế, xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong bài phát biểu tại Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái là trọng tâm; công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tuần hoàn, tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng tái tạo.
2. Phát triển kinh tế tuần hoàn ở tỉnh Bến Tre trong thời gian qua
Bến Tre có thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, bờ biển dài trên 65km với diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản khá lớn, ngành dừa, các loại trái cây đặc sản, lúa gạo, chăn nuôi gia súc, gia cầm,… kèm theo đó là công nghiệp chế biến không ngừng phát triển đang là tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế tuần hoàn.
Trên cơ sở Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và Nghị quyết số 13-NQ/TW, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành Kế hoạch số 6033/KH-UBND ngày 23/9/2022 về triển khai thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2025 là tái sử dụng, tái chế, xử lý trên 50% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm dùng một lần trong sinh hoạt; tăng dần tỷ lệ thu gom rác thải nhựa phát sinh từ các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản và các hoạt động khác trên biển và đến năm 2030 là tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt 50%; phấn đấu 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế; không làm phát sinh việc chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt từ các mô hình kinh tế tuần hoàn ở đô thị; phát triển được ít nhất 3.000 MW điện tái tạo; đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng lưới điện truyền tải 200kV, 500kV kết nối địa bàn huyện biển, đảm bảo giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, tỉnh Bến Tre đã thực hiện một số mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng tái tạo như mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành dừa; bưởi; nuôi trồng, chế biến thủy sản; trồng rau hữu cơ…, cụ thể:
Thứ nhất, trong nông nghiệp. Sản xuất dừa của tỉnh từng bước phát triển, diện tích dừa sản suất theo tiêu chuẩn hữu cơ là 16.563,66 ha, chiếm tỷ lệ 21,23% trên tổng diện tích trồng dừa của tỉnh (78.019ha); mô hình sản xuất bưởi da xanh được thực hiện với quy mô 10ha ở huyện Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm; áp dụng mô hình canh tác phối hợp tôm - dừa (Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam), tôm - lúa (Thạnh Phú, Bình Đại); mô hình trồng cỏ xen vườn dừa phục vụ chăn nuôi; mô hình trồng rau hữu cơ (rau sạch) và mô hình này đang thu hút nhiều hộ dân tham gia thực hiện, bước đầu đạt hiệu quả khá cao và đang nhân rộng diện tích, tập trung chủ yếu huyện Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại.
Thứ hai, trong lĩnh vực năng lượng, hiện có 09/19 dự án điện gió đã và đang thi công lắp đặt, công suất 366,5MW, 05 nhà máy điện gió đã đóng điện vận hành thương mại 93,5/366,5MW (trong đó 02 dự án đã phát điện toàn nhà máy, 03 dự án đã phát điện một phần); đang hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án nhà máy sản xuất hydro xanh (công nghệ sản xuất của Đức)…
Thứ ba, trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ở quy mô doanh nghiệp, một số doanh nghiệp đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất như áp dụng các phụ phẩm từ chế biến thủy sản (đầu tôm, vỏ tôm, mỡ cá…) để sản xuất thực phẩm, dược phẩm…; sử dụng phụ phẩm trong chế biến dừa (nước dừa, mụn dừa, sơ dừa, xác cơm dừa…) để sản xuất bánh, thảm, mỹ phẩm… Trong hoạt động khoa học công nghệ, nghiên cứu thành công quy trình sản xuất giấy bao bì, đóng gói từ nguồn nguyên liệu là các phế phụ phẩm của cây dừa; quy trình nhân chủng vi sinh phân giải phế phụ phẩm (bã vỏ bưởi).
Sản xuất thảm sơ dừa từ chỉ sơ dừa
|
Mô hình trồng cỏ xen vườn dừa phục vụ chăn nuôi |
Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Bến Tre đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà (năm 2022, GRDP đạt 7,33%, đứng thứ 9/13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; trong 6 tháng đầu năm 2023, GRDP đạt 3,4%), nâng cao đời sống cho nhân dân (GRDP bình quân đầu người 49,1 triệu đồng/người năm 2022, năm 2021 là 44,3 triệu đồng/người)...
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Bến Tre còn gặp nhiều khó khăn như nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân về phát triển kinh tế tuần hoàn còn hạn chế; sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn và áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn chưa nhiều; thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn ...
Để phát triển kinh tế tuần hoàn ở Bến Tre trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn đã được phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai hướng dẫn thực hiện kinh tế tuần hoàn quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường để nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn đến cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, các ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Hai là, Tỉnh ủy cần ban hành nghị quyết hoặc chương trình riêng về kinh tế tuần hoàn để có định hướng phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo.
Ba là, xây dựng cơ sở dữ liệu, phân tích thông tin nhằm hỗ trợ các ứng dụng, giải pháp để tạo thuận lợi cho các mô hình, dự án kinh tế tuần hoàn; đồng thời giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, các chương trình sản xuất trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên đào tạo, hỗ trợ dự án, ý tưởng khởi nghiệp sử dụng bền vững tài nguyên của địa phương, bảo vệ môi trường, tạo thói quen sản xuất, tiêu dùng thân thiện môi trường.
Bốn là, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn.
Đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, người sản xuất và doanh nghiệp về tiêu chí về kinh tế tuần hoàn, về sản xuất hữu cơ... Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn. Lồng ghép đưa nội dung phát triển kinh tế tuần hoàn vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Năm là, xây dựng các chương trình, dự án, mô hình áp dụng kinh tế tuần hoàn trong phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực của địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước vật tư vào sản xuất nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Xây dựng những sản phẩm du lịch dựa trên những lợi thế về tự nhiên, gần gũi thiên nhiên, ưu tiên sử dụng các vật dụng, trang thiết bị thân thiện với môi trường. Đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tái tạo, các dự án điện khí hóa lỏng trên địa bàn tỉnh.
Sáu là, trên cơ sở các cơ chế, chính sách của Trung ương về phát triển kinh kế tuần hoàn để xây dựng các chính sách đặc thù về hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.
Bảy là, khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng hệ thống phân phối theo mô hình kinh tế tuần hoàn; xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và trung tâm mua sắm theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Tám là, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số phù hợp với phát triển kinh tế tuần hoàn.
Tóm lại, phát triển kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế tuần hoàn là cần thiết trong phát triển kinh tế ở các địa phương nói chung và Bến Tre nói riêng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương hướng tới một nền kinh tế xanh, bền vững.
Võ Thúy Liễu (Trường Chính trị)
