Kết quả thực hiện Luật Người khuyết tật giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Bến Tre

24/06/2021

Hiện toàn tỉnh có 31.693 người khuyết tật, chiếm tỷ lệ trên 2% dân số. Sau khi Luật Người khuyết tật có hiệu lực, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành liên quan cùng với các hội, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân nắm rõ những chính sách mới của Đảng và nhà nước dành cho người khuyết tật. Từ đó, tạo điều kiện cho người khuyết tật được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước về học nghề, giải quyết việc làm, trợ giúp xã hội,…góp phần giúp người khuyết tật ổn định cuộc sống.

​Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp tặng xe lăn cho người khuyết tật.

Triển khai xác nhận mức độ khuyết tật cho người khuyết tật

Thực hiện xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã. Kết quả đã xác định mức độ khuyết tật, dạng khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật cho 26.813 người đang hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên, trong đó 22.524 người khuyết tật nặng và 4.289 người khuyết tật đặc biệt nặng.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe người khuyết tật

Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; hướng dẫn người khuyết tật phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng với các hình thức: trên Đài truyền thanh và phát tờ rơi, áp phích tại các xã, phường, thị trấn; truyền thông trực tiếp đã tổ chức thực hiện 90 lớp, có 3.600 học viên tham dự. Có 9/9 huyện, thành phố triển khai lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật, với 31.693 người khuyết tật được cập nhật thông tin vào phần mềm.

Tăng cường hoạt động giáo dục đối với người khuyết tật 

Hàng năm, có trên 150 lượt trẻ khuyết tật được huy động ra lớp. Ngoài ra, tỉnh có 01 Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật dành riêng cho những trẻ em khuyết tật không thể học tập hòa nhập với các trẻ khác, hiện Trường đang nuôi dạy hơn 278 trẻ khuyết tật trong đó, có trên 50 em bị khuyết tật trí tuệ, các em được học văn hóa và học các nghề như: Làm đồ mỹ nghệ, thêu tranh,... 

Tạo điều kiện để trẻ khuyết tật được học tập phù hợp với khả năng, dạng tật, được học đúng độ tuổi hoặc cao hơn so với quy định đối với giáo dục phổ thông; ưu tiên trong tuyển sinh; miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của học sinh không thể đáp ứng được; miễn giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập,…

Đẩy mạnh hoạt động dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật 

Công tác dạy nghề cho người khuyết tật được các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia; tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp với khả năng của người khuyết tật như: Đan giỏ xách nhựa, se nhang máy, bó chổi bông cỏ, bó chổi cọng dừa, se chỉ sơ dừa, xoa bóp, đàn ogran,...qua đó đã dạy nghề cho 1.230 người khuyết tật. 

Công tác tư vấn giới thiệu việc làm cho người khuyết tật cũng được quan tâm, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 35 lao động là người khuyết tật, trong đó có 15 nữ; giới thiệu việc làm và có việc làm cho 25 người khuyết tật, trong đó có 09 nữ. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức 01 phiên giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật, tư vấn việc làm nghề nghiệp cho 53 lao động là người khuyết tật.

Người khuyết tật trong độ tuổi lao động là 11.351 người, trong đó, có việc làm là 4.880 người, số còn lại không có việc làm và hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Có 06 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng lao động là người khuyết tật, với số lao động sử dụng là 07 lao động, trong đó có 02 nữ, chủ yếu làm việc trong các ngành nghề: may mặc, dịch vụ in ấn quảng cáo, tiểu thủ công nghiệp,...

Hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí cho người khuyết tật được thực hiện thường xuyên.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao dành cho người khuyết tật ngày càng được quan tâm; xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện và tạo điều kiện để người khuyết tật thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí và rèn luyện sức khỏe. Tỉnh đã đầu tư xây dựng mới các công trình phục vụ văn hóa - thể thao như: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, hội trường văn hóa xã, phường, thị trấn đều có thiết kế lối đi, nội dung sinh hoạt dành cho người khuyết tật. Hiện nay, toàn tỉnh có 525 công trình tập luyện, thi đấu thể dục thể thao, từng bước đảm bảo cho người khuyết tật được tiếp cận, hầu hết các cơ sở này đều miễn hoặc giảm giá khi người khuyết tật tham gia tập luyện.

​Thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật

Tỉnh đã thực hiện trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng cho 26.813 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng với mức trợ cấp từ 270.000 đồng đến 675.000 đồng, trợ cấp 4.120 hộ gia đình chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng theo Nghị định số 28 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật; Nghị định số 136 của Chính phủ về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Kịp thời mua bảo hiểm y tế cho 100% người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng theo quy định. Toàn tỉnh có 05 cơ sở công lập tiếp nhận chăm sóc 537 người khuyết tật. Các cơ sở bảo trợ xã hội đều được đầu tư, nâng cấp đảm bảo điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng các đối tượng người khuyết tật theo quy định.

Tặng quà cho người khuyết tật tại Lễ công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ người khuyết tật huyện Châu Thành.

Tập trung khắc phục những khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp chăm lo người khuyết tật

Số người khuyết tật thuộc dạng tật nặng như: Bại não, liệt chân tay, tâm thần chiếm tỷ lệ cao, số đối tượng này không thể tham gia lao động, chủ yếu nhờ vào chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng của nhà nước, do đó, cần tiếp tục kiến nghị để nâng cao mức trợ cấp hàng tháng cho đối tượng này để từng bước giúp họ ổn định cuộc sống. Số người khuyết tật còn lại, phần lớn có trình độ học vấn thấp, rất khó khăn trong việc tìm ngành nghề đào tạo cũng như việc làm phù hợp để giúp họ tham gia, chủ yếu là tự tạo việc làm hoặc làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mang tính nhân đạo, từ thiện nên tính bền vững không cao, vì vậy, cần đẩy mạnh đào tạo, nâng cao tay nghề cho người khuyết tật gắn với cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật.

Đối với những người khuyết tật sống ở vùng nông thôn, điều kiện giao thông đi lại khó khăn nên việc nắm bắt, tiếp cận và tham gia các dịch vụ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cũng như các dịch vụ an sinh xã hội khác rất hạn chế. Để giúp người khuyết tật được thụ hưởng sự đầu tư của Nhà nước đối với các thiết chế đời sống văn hóa cơ sở như cộng đồng, nhất là đối với các xã đã được công nhận xã văn hóa, xã nông thôn mới cần xây dựng các đội thanh niên tình nguyện trợ giúp người khuyết tật ở từng ấp, khu phố để giúp người khuyết tật tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở địa bàn dân cư.

Tiếp tục kiến nghị đầu tư trang thiết bị y tế, dụng cụ tập luyện phục hồi chức năng đối với người khuyết tật cho trạm y tế cấp xã để người khuyết tật tập phục hồi chức năng, khắc phục tình trạng người khuyết tật vốn đi lại rất khó khăn mà phải đến tuyến huyện, tỉnh hoặc Thành phố Hồ chí Minh để khám bệnh, tập phục hồi chức năng. Tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng chất hoạt động Trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Toàn tỉnh chỉ có 01 trường dành cho trẻ chuyên biệt nên cũng gặp khó khăn trong quá trình vận động gia đình đưa trẻ đến trường. Cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy chưa đáp ứng được yêu cầu.

Lồng ghép nội dung thực hiện Luật người khuyết tật vào kế hoạch phát triển phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương. Mặc dù được phân công cụ thể cho các ngành, các cấp, tuy nhiên một số ngành chưa thật sự quan tâm đầy đủ đến công tác này, chưa lồng ghép vào kế hoạch của ngành để phối hợp thực hiện. Cấp huyện, cấp xã có xây dựng kế hoạch thực hiện nhưng thiếu theo dõi, kiểm tra, giám sát, còn hạn chế trong tổ chức sơ, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện.

Tiếp tục phát huy các mô hình câu lạc bộ người khuyết tật để người khuyết tật chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp sức từ cộng đồng để người khuyết tật hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.

Thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong chăm lo cho người khuyết tật, nhất là đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của cơ sở chăm sóc người khuyết tật, tạo việc làm và cơ sở cung cấp dịch vụ khác giúp người khuyết tật để làm cơ sở khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng, chăm sóc, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật.

Quang Tiến (VPTU)