Kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.
16/03/2023
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (gọi tắt là Chỉ thị số 19-CT/TW), nhận thức của các cấp, các ngành đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) ngày càng nâng lên, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã gắn kết chặt chẽ với thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tạo chuyển biến về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về giáo dục nghề nghiệp và xây dựng NTM. Công tác dạy nghề LĐNT từng bước hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo và tạo việc làm ổn định.
Đào tạo nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn
Công tác triển khai, quán triệt
Sau khi tiếp thu Chỉ thị số 19-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 1378-CV/TU, ngày 11/01/2013 để cụ thể hóa, lãnh đạo thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, học tập và ban hành văn bản cụ thể hóa phù hợp với tình hình địa phương để lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện. Các cấp, các ngành phối hợp nhịp nhàng, triển khai các hoạt động về dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) gắn với Đề án đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; giao chỉ tiêu về giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề đối với LĐNT, lao động qua đào tạo cho các cấp ủy, chính quyền đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm để tổ chức thực hiện.
Đổi mới dạy nghề cho lao động nông thôn
Toàn tỉnh có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó, có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và 10 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp và tư thục; thực hiện theo Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT/BLĐTBXH-BGDĐT-BNV, ngày 19/10/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ về hướng dẫn việc sáp nhập trung tâm đào tạo nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; qua đó, 9/9 huyện, thành phố thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên theo quy định và hoạt động ổn định.
Đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thường xuyên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý điều hành, tổ chức các lớp đào tạo nghề cho LĐNT. Hiện nay, số giáo viên dạy nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh là 393 người, trong đó, trình độ đại học và trên đại học chiếm gần 88%. Trang thiết bị ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp được các ngành, các cấp quan tâm đầu tư, phục vụ tốt cho việc dạy và học giúp người học tiếp thu, phát huy tốt kiến thức được truyền dạy.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sử dụng chương trình, giáo trình đào tạo nghề của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) ban hành theo các danh mục nghề nghiệp quy định; biên soạn chương trình, giáo trình phù hợp về thời gian đối với một số ngành, nghề đáp ứng nhu cầu đào tạo của địa phương. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các ngành tham gia thẩm định 50 chương trình đào tạo nghề cho LĐNT bao gồm phi nông nghiệp và nông nghiệp. Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho 32 nghề phi nông nghiệp ở trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên, định mức kinh phí cho 18 nghề nông nghiệp.
Kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn
Dạy nghề cho thanh niên nông thôn: Qua 10 năm triển khai Đề án dạy nghề cho LĐNT theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo cho 19.138 người tham gia các lớp học nghề (chiếm 36%) trong hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT. Các ngành, nghề đào tạo cho thanh niên LĐNT có hiệu quả trong giải quyết việc làm tại chỗ, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, phục vụ lao động sản xuất tại địa phương như: Kỹ thuật xây dựng (thợ hồ), đan ghế nhựa trên khung sắt, dệt thảm chỉ sơ dừa, may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn (cho trẻ em các trường mầm non),... Sau các lớp đào tạo, đa số thanh niên nông thôn tìm được việc làm; nhất là dệt thảm chỉ sơ dừa 100% có việc làm, thu nhập cao.
Dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp: Trong hơn 10 năm (2011-2021), Hội nông dân các cấp đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức được 1.140 lớp nghề với 20.224 người tham gia các lớp dạy nghề dưới 3 tháng theo Đề án 1956. LĐNT được trang bị các kiến thức cơ bản, theo ngành, nghề được đào tạo, được trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, thực tế sản xuất tại hộ gia đình, được tư vấn việc làm, tìm kiếm việc làm, đã có hơn 75% người lao động qua các lớp đào tạo đã vận dụng kiến thức vào thực tế sản xuất, kinh doanh tại gia đình, địa phương, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Dạy nghề đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM: Đào tạo nghề gắn với tiêu chí ở các xã về xây dựng NTM, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ từ 13,79% năm 2009 tăng lên 32,62% năm 2022. Từ đó, diện mạo khu vực nông thôn có nhiều đổi mới rõ rệt, nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; chất lượng đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Dạy nghề cho các đối tượng hộ nghèo, người khuyết tật, các đối tượng chính sách: Các cấp, các ngành rất quan tâm đến công tác dạy nghề cho những đối tượng lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật và các đối tượng chính sách. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về mức hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Căn cứ vào điều kiện phát triển sinh kế của hộ nghèo để có mức hỗ trợ tối đa là 30 triệu đồng/hộ và mức thu hồi sau khi kết thúc mô hình là 50%. Củng cố mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giai đoạn 2016 - 2020. Tiếp tục nhân rộng và xây dựng 300 mô hình giảm nghèo có hiệu quả năm 2022 và những năm tiếp theo.
Để tiếp tục thực hiện có kết quả Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư khoá XI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu rộng những nội dung của Chỉ thị số 19-CT/TW, Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực đáp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 và các văn bản cụ thể hóa của tỉnh, địa phương. Thực hiện nhất quán quan điểm, đào tạo nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn phải bám sát vào định hướng phát triển của tỉnh để bảo đảm nguồn nhân lực cho tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 70%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%.
Hai là, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ngành chức năng rà soát, bổ sung các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về dạy nghề; thu hút các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác dạy nghề. Định kỳ, kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện công tác dạy nghề cho LĐNT, khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề ra nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho LĐNT.
Ba là, các cấp, các ngành tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách công tác đào tạo nghề; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đào tạo nghề. Kịp thời cập nhật, bổ sung nội dung, phương pháp đào tạo cho phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương và nhu cầu của thị trường lao động. Mở rộng sự phối hợp, tham gia của các doanh nghiệp từ khâu xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo.
Bốn là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với các cơ quan Nhà nước thường xuyên tổ chức phổ biến, tuyên truyền, vận động tư vấn dạy nghề cho đoàn viên, hội viên, cộng tác viên về đào tạo nghề cho LĐNT; biểu dương, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác dạy nghề cho LĐNT.
Năm là, tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mở các lớp đào tạo tại nơi làm việc để tham gia đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao; huy động sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân và người học nghề để đầu tư cho công tác đào tạo nghề cho LĐNT.
Quang Tiến (VPTU)
