Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về thực hiện tăng trưởng kinh tế
21/02/2025
Ngày 21-2-2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh có, Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện và thành phố trong tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang phấn đấu trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững. Từ kinh nghiệm quốc tế về tăng trưởng nhanh và bền vững, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam cần tăng trưởng trên 8% năm 2025 và duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bền vững trong 20 năm tới để đạt được mục tiêu chiến lược, việc này đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Không chỉ tăng trưởng nhanh, Việt Nam còn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội, cũng như bảo vệ môi trường.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương phải tập trung đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; phát triển các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế sáng tạo. Song song đó là cải thiện hiệu quả đầu tư công, đặc biệt là đầu tư công; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào một số thị trường lớn; tập trung nguồn lực (về con người, vốn, công nghệ, thể chế) để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để thực hiện Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, bảo đảm mục tiêu tăng trương cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hoàn thiện thể chế, pháp luật; tập trung giải ngân vốn đầu tư công năm 2025; thúc đẩy đầu tư tư nhân, thu hút FDI; khai thác hiệu quả thị trường trong nước, phát triển thương mại điện tử và thu hút khách du lịch; thúc đẩy xuất khẩu bền vững; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao… và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin, truyền cảm hứng, tạo khí thế mới cho phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam báo cáo các giải pháp tỉnh sẽ tập trung thực hiện nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8% trở lên
trong năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam báo cáo các giải pháp tỉnh sẽ tập trung thực hiện nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8% trở lên trong năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, để kịp thời triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Bến Tre đã khẩn trương triển khai xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre năm 2025, trong đó điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng từ 6 - 6,5% thành 8% trở lên.
Để hiện thực hóa chỉ tiêu này, tỉnh tập trung vào 5 giải pháp trọng tâm: triển khai nhanh các công trình, dự án như khánh thành cầu Rạch Miễu 2 vào dịp lễ 2-9, thúc đẩy nhanh việc xây dựng cầu Ba Lai 8 của Tuyến đường bộ ven biển, hoàn thành và kêu gọi đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) Phú Thuận... Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng liên kết, tìm kiếm thị trường mới cho nông, thủy sản. Tập trung phát triển công nghiệp, dự kiến tăng trưởng khoảng 18% để đóng góp vào mục tiêu chung. Hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu từ 1,75 tỷ USD năm 2024 lên 1,95 tỷ USD năm 2025. Khai thác, phát triển các thị trường thương mại nội địa và quốc tế, thúc đẩy thương mại điện tử và du lịch. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các ngành, đặc biệt là phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre cũng kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh dự án Tuyến đường bộ ven biển đồng bằng sông Cửu Long kết nối TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cầu Cửa Đại (nối Tiền Giang và Bến Tre) và cầu Cổ Chiên (nối Bến Tre và Trà Vinh) nhằm tạo động lực phát triển liên vùng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại (135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 95 năm thành lập Đảng, 80 năm thành lập nước, 50 năm thống nhất đất nước, 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân); đồng thời tiếp tục tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Trung ương; tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; hoàn thành các mục tiêu Đại hội XIII đề ra, phấn đấu đạt 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 là nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao).
Theo Thủ tướng Chính phủ, tăng trưởng GDP là yếu tố quan trọng nhất với việc thực hiện 2 mục tiêu nói trên, tăng trưởng GDP sẽ tác động tới quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xếp hạng quy mô GDP trên thế giới.
“Không còn cách nào khác, chúng ta phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục trong thời gian từ nay đến năm 2045. Chỉ có như vậy mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và vươn lên, đạt được các mục tiêu chiến lược, thực hiện khát vọng trong kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Sau khi phân tích một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng chỉ rõ các quan điểm chỉ đạo, điều hành. Theo đó, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tăng trưởng kinh tế phải nhanh và bền vững, phải dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao, coi là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế phải hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững, bao trùm, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người dân. Các bộ ngành, địa phương phải khai thác hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
