Hoạt động thẩm tra của Hội đồng nhân dân cấp huyện

01/06/2023

Là thiết chế trong cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp huyện, hiệu quả hoạt động của các Ban HĐND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong những năm qua không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề bất cập trong tổ chức và hoạt động đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ, hiệu quả để nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban, góp phần phát huy tốt vai trò là cơ quan địa diện của Nhân dân ở địa phương.

Ký kết bàn giao đăng cai tổ chức trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND cấp huyện giữa HĐND 2 huyện Thạnh Phú và Châu Thành

 

 Hoạt động thẩm tra của Ban Hội đóng nhân dân cấp huyện

 

Trách nhiệm thực hiện hoạt động “thẩm tra” của Ban HĐND cấp huyện: “Thẩm tra” là một trong những nhiệm vụ cơ bản của Ban HĐND các cấp, trong đó có Ban HĐND cấp huyện, được quy định tại khoản 4, Điều 6, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015: “Ban của HĐND là cơ quan của HĐND, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình HĐND, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND”.

 

Đối tượng thẩm tra của Ban HĐND huyện: Căn cứ khoản 2 Điều 109 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, đối tượng thẩm tra của Ban HĐND cấp huyện là các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án liên quan đến lĩnh vực Ban phụ trách do HĐND cấp huyện hoặc Thường trực HĐND cấp huyện phân công.

 

Cách thức và quy trình thẩm tra của Ban Hội đồng nhân cấp huyện: Để chuẩn bị cho việc thẩm tra, Ban của HĐND cấp huyện phải cử thành viên tham gia nghiên cứu dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án; yêu cầu cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan cung cấp tài liệu và trình bày về vấn đề mà Ban thẩm tra; tổ chức họp lấy ý kiến của những người am hiểu về vấn đề đó; khảo sát tình hình thực tế tại địa phương về những nội dung liên quan đến dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án. Việc thẩm tra được tiến hành theo trình tự: Đại diện cơ quan, tổ chức trình dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trình bày; đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan phát biểu ý kiến; các thành viên của Ban thảo luận; đại diện cơ quan, tổ chức trình dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án phát biểu ý kiến nếu thấy cần thiết; chủ tọa cuộc họp kết luận.

 

Yêu cầu đối với báo cáo thẩm tra của Ban HĐND cấp huyện: Báo cáo thẩm tra của Ban HĐND cấp huyện cần đánh giá về sự phù hợp của dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nêu rõ quan điểm và đề xuất phương án xử lý đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau.

 

Thực trạng hoạt động thẩm tra của Ban Hội đồng nhân dân cấp huyện tại Bến Tre

 

Tỉnh Bến Tre có 09 huyện, thành phố. Ở mỗi huyện, thành phố, thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, HĐND thành lập 02 Ban: Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội. Từ thực tiễn hoạt động thẩm tra của 02 Ban trong thời gian qua, nhất là sau 2 năm thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ HĐND 2021 - 2026 cho thấy hoạt động thẩm tra của Ban HĐND cấp huyện tại Bến Tre đã đạt được nhiều kết quả và bước tiến quan trọng:

 

Thứ nhất, trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của Ban HĐND các cấp được Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định, thời gian qua, các Ban HĐND của các huyện, thành phố thể hiện rõ tinh thần tích cực, chủ động trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, thực hiện và hoàn thành tốt trách nhiệm thẩm tra theo luật định. Tất cả các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án do các cơ quan chức năng xây dựng đều được các Ban của HĐND tổ chức thẩm tra kỹ về nội dung và thể thức trước khi trình thông qua HĐND tại các kỳ họp.

 

Thứ hai, các Ban HĐND thực hiện và tuân thủ đúng các quy định pháp luật về các hoạt động để chuẩn bị thẩm tra và các bước trong quy trình thẩm tra. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, để đảm bảo và nâng cao chất lượng thẩm tra đối với các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trình tại các kỳ họp HĐND, các Ban của HĐND các huyện, thành phố đã rất chú trọng thực hiện việc phân công các thành viên phụ trách chuyên sâu các hoạt động thuộc lĩnh vực Ban phụ trách theo chuyên môn và từng lĩnh vực công tác của từng thành viên Ban, việc làm này vừa tạo điều kiện để các thành viên Ban thể hiện tinh thần trách nhiệm thông qua việc theo dõi, nắm bắt, thu thập thông tin thuộc lĩnh vực phụ trách để tiến hành lập báo cáo thẩm tra, tham gia chất vấn, vừa tạo điều kiện để các thành viên của các Ban có cơ sở vững chắc bảo vệ kết quả thẩm tra khi đại biểu HĐND hay cơ quan soạn thảo đặt vấn đề hoặc có ý kiến phản hồi về những vấn đề chưa đồng thuận trong báo cáo thẩm tra của Ban. Trước mỗi kỳ họp, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Ban HĐND, nội dung chương trình kỳ họp và sự phân công thẩm tra của Thường trực HĐND huyện, thành phố, các Ban phân công các thành viên của Ban tùy theo chuyên môn và lĩnh vực công tác tiến hành nghiên cứu thẩm tra và dự thảo báo cáo thẩm tra, trong phân công có quy định cụ thể thời gian hoàn thành để tránh tình trạng chậm trễ hoặc bị động thời gian làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra. Trong quá trình thẩm tra, nếu có vấn đề cần làm rõ thêm, Ban chủ động liên hệ cơ quan dự thảo và các cơ quan có liên quan để cung cấp tài liệu nhằm đảm bảo việc thẩm tra được sâu sát, khách quan và có tính thuyết phục cao. Khi hoàn thành thẩm tra, các Ban dự thảo và tổ chức họp Ban để thống nhất báo cáo kết quả thẩm tra (trong cuộc họp có mời cơ quan dự thảo và các ngành liên quan tham dự để thông tin các nội dung liên quan đến các đề án, dự thảo nghị quyết để Ban nắm thông tin và cho ý kiến thẩm tra chính xác). Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các thành viên Ban và đại biểu của các ngành liên quan, Trưởng Ban kết luận kết quả thẩm tra, hoàn chỉnh báo cáo, gửi Thường trực HĐND huyện, thành phố để tổ chức họp Tổ đại biểu HĐND góp ý văn bản kỳ họp.

 

Thứ ba, qua mỗi kỳ họp, chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND các huyện, thành phố từng bước có sự nâng lên, đáp ứng khá tốt các yêu cầu đặt ra theo quy định. Nội dung các báo cáo có sự tập trung phân tích, đánh giá và chỉ rõ được những điểm phù hợp và chưa phù hợp của các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của địa phương; thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của các Ban đối với từng vấn đề cụ thể, đặc biệt là những vấn đề còn chưa có ý kiến thống nhất giữa các Ban với các đơn vị dự thảo và các ngành liên quan; đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tế địa phương, các ý kiến nêu trong báo cáo thẩm tra được chọn lọc, là căn cứ mang tính gợi mở để các đại biểu HĐND có thêm thông tin thảo luận và quyết định chính xác, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng các nghị quyết của kỳ họp HĐND.

 

Những kết quả nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân và điều kiện thuận lợi sau: Một là, các Ban của HĐND các huyện, thành phố xác định rõ và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện trách nhiệm thẩm tra. Trong hoạt động, các Ban luôn đảm bảo theo đúng luật định, có chương trình, kế hoạch cụ thể, đảm bảo tuân thủ đúng nguyên tắc dân chủ và chịu trách nhiệm tập thể. Hai là, thành viên các Ban HĐND có chuyên môn và năng lực hoạt động trong các lĩnh vực chuyên ngành. Từng thành viên phát huy tốt tinh thần trách nhiệm cá nhân, tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được phân công. Trưởng ban và các Phó Trưởng ban được lựa chọn, bầu ngay từ đầu nhiệm kỳ, là những cá nhân có uy tín, năng lực chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, có trách nhiệm cao trong việc lựa chọn, giới thiệu các thành viên của Ban để Thường trực HĐND phê duyệt, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban. Ba là, giữa các Ban HĐND và Văn phòng HĐND và Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thành phố có sự phối hợp nhịp nhàng, thể hiện tính cộng đồng trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt ở một số địa phương Văn phòng HĐND và UBND các huyện, thành phố phát huy rất tốt vai trò đôn đốc, nhắc nhỡ và thẩm định các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi gửi về Thường trực HĐND và các Ban để thẩm tra, đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng thẩm tra của các Ban.  Bốn là, cơ quan được phân công chủ trì xây dựng dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trình thông qua tại các kỳ họp HĐND thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, đảm bảo về chất lượng và thời gian gửi các văn bản để Ban thẩm tra theo đúng nội dung đã được thống nhất tại cuộc họp liên tịch để chuẩn bị chương trình, nội dung kỳ họp. Năm là, sự quan tâm, theo dõi thường xuyên và chỉ đạo kịp thời của Thường trực HĐND huyện, thành phố trong đảm bảo thời gian, chất lượng thẩm tra đã thống nhất tại cuộc họp liên tịch.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong hoạt động thẩm tra của Ban HĐND các huyện, thành phố tại Bến Tre vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định:

 

Thứ nhất, quy trình thẩm tra của một số địa phương, ở vào những thời điểm nhất định chưa được tuân thủ chặt chẽ theo đúng quy trình đã được xác định trong luật, do bị động về mặt thời gian nên có lúc các Ban không thể tổ chức họp Ban để thống nhất kết quả thẩm tra mà chỉ gửi văn bản cho các thành viên của Ban và các ngành liên quan để lấy ý kiến.

 

Thứ hai, đa phần các Ban HĐND huyện, thành phố chủ yếu chỉ tập trung thực hiện thẩm tra đối với các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án, chưa tổ chức thẩm tra đối với các báo cáo giải trình của UBND huyện, thành phố và các ngành để làm rõ những vấn đề mà đại biểu HĐND chất vấn, kiến nghị làm rõ tại các kỳ họp HĐND nên việc giải trình của các ngành đôi lúc chưa thật sự thỏa đáng, làm phát sinh những tranh chấp không cần thiết tại các kỳ họp.

 

Thứ ba, các Ban và thành viên của các Ban HĐND các huyện, thành phố có lúc chưa được tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện tốt trách nhiệm và quyền hạn thẩm tra đã được pháp luật quy định.

 

Thứ tư, chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND có lúc chưa cao, một số báo cáo thẩm tra mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá về sự phù hợp hay không phù hợp giữa nội dung các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chưa phân tích, đánh giá sâu về sự phù hợp, những tác động, ảnh hưởng của giải pháp đề xuất trong các văn bản trên đến quá trình tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương (trong khi đây là nội dung rất quan trọng quyết định đến chất lượng, tính khả thi của các nghị quyết của HĐND các huyện, thành phố), chưa đưa ra được nhiều đề xuất, kiến nghị đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để các đại biểu HĐND có cơ sở xem xét, quyết định.

 

Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau: Một là, thành viên các Ban HĐND các huyện, thành phố đa số các đều hoạt động kiêm nhiệm, ngoài Phó Trưởng ban chuyên trách, các thành viên còn lại đều giữ các chức vụ chủ chốt ở các ban, ngành, đoàn thể của huyện, do đó chưa thể dành nhiều thời gian để tập trung cho hoạt động thẩm tra. Trong thành viên các Ban, có một số thành viên chưa có nhiều kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Ban phụ trách, nên mặc dù có phân công thẩm tra nhưng chất lượng công tác thẩm tra chưa cao, tại một số kỳ họp việc thẩm tra lĩnh vực kinh tế - xã hội chủ yếu chỉ do Trưởng ban và Phó Trưởng ban thực hiện. Mặt khác, hiện nay đa số các thành viên của các Ban đều ít được tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ thẩm tra trong khi thực tế có một số báo cáo, nghị quyết, đề án, các biểu số liệu liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn như: ngân sách, đầu tư, quy hoạch, xây dựng… nếu không có chuyên môn, nghiệp vụ thì rất khó để thẩm tra có chất lượng. Hai là, do thường xuyên bị động về mặt thời gian, đa phần các Ban chưa tổ chức khảo sát tình hình thực tế tại địa phương về những nội dung liên quan đến dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án mà chủ yếu chỉ thẩm tra trên các báo cáo và tài liệu có liên quan. Do đó, báo cáo thẩm tra còn hạn chế ở một số mặt, tính phản biện đề xuất chưa cao. Ba là, các cơ quan soạn thảo thường gửi tài liệu chậm nên các thành viên Ban không có nhiều thời gian để nghiên cứu, phân tích sâu, phát hiện những vấn đề còn tồn tại làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra của Ban. Bốn là, do có rất nhiều nội dung giải trình ở nhiều lĩnh vực khác nhau nên các Ban chưa có thời gian thẩm tra và đối chiếu thực tế. Năm là, mốc thời gian tính tính số liệu cho một năm chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan tư pháp, do đó gây khó khăn trong việc thẩm tra đối chiếu số liệu giữa các cơ quan có liên quan. Sáu là, việc cập nhật thông tin liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Ban có lúc chưa kịp thời, do ít được mời tham dự các cuộc họp Thành viên, sơ tổng kết của UBND huyện, khi ban hành quyết định thì UBND huyện cũng ít gửi cho Ban để theo dõi giám sát, do đó phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công tác thẩm tra.

 

Đề xuất giải pháp góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra của Ban Hội đồng nhân dân cấp huyện trong thời gian tới

 

Thứ nhất, kiện toàn các Ban HĐND huyện. Đầu nhiệm kỳ khi xem xét, lựa chọn thành viên các Ban phải chú trọng đảm bảo đầy đủ về trình độ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phụ trách trên từng lĩnh vực hoạt động của Ban. Thành viên được phân công phụ trách chuyên sâu các mảng thuộc lĩnh vực phụ trách của Ban trong suốt nhiệm kỳ phải là những thành viên có tâm huyết, nêu cao trách nhiệm cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã được Ban phân công. Từng thành viên Ban phải sắp xếp công việc hợp lý, dành nhiều thời gian hơn nữa để nghiên cứu các lĩnh vực phụ trách của Ban, phục vụ tốt hơn cho công tác thẩm tra.

 

Thứ hai, hoạt động của Ban phải tuân thủ nguyên tắc dân chủ tập thể, cùng cộng đồng trách nhiệm, đồng thuận trong đề xuất kiến nghị và phản biện, thành viên được phân công thẩm tra phải có tư duy trung thực, khách quan thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã được Ban phân công.

 

Thứ ba, trong quá trình hoạt động, các Ban phải thực hiện nghiêm quy trình các bước tiến hành thẩm tra, trong đó có việc họp Ban cùng với cơ quan dự thảo, các ngành liên quan để thảo luận, làm rõ các vấn đề trước khi thống nhất nội dung thẩm tra. Ngoài các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án, các Ban cần tiến hành thẩm tra cả đối với các giải trình của UBND và các ngành để phản ánh, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung, làm rõ các nội dung giải trình chưa thỏa đáng, nhằm nâng cao vai trò của HĐND trong giám sát việc quyết định các vấn đề của địa phương.

 

Thứ tư, các Ban cần thường xuyên tổ chức khảo sát thực tế để có thêm thông tin phục vụ công tác thẩm tra đối với các vấn đề quan trọng của địa phương và đề xuất giải pháp để đại biểu HĐND huyện xem xét, biểu quyết, góp phần nâng cao tính khả thi của các nghị quyết HĐND.

 

Thứ năm, UBND huyện, thành phố cần phải tuân thủ đúng quy định về việc mời các Ban tham dự các cuộc họp thành viên UBND và gửi các quyết định đã ban hành cho Ban giám sát và phục vụ tốt hơn cho công tác thẩm tra.

 

Thứ sáu, đối với các văn bản dự kiến thông qua kỳ họp có thẩm tra của các Ban HĐND thì cơ quan chủ trì soạn thảo phải chủ động xây dựng kế hoạch soạn thảo, hoàn thành và gửi đúng thời gian quy định để các Ban tiến hành thẩm định đảm bảo tiến đọ và chất lượng.

 

Thứ bảy, đối với Văn phòng HĐND và UBND huyện, thành phố phải quan tâm nhiều hơn nữa công tác tham mưu cho Thường trực HĐND, trong đó có việc theo dõi, đôn đốc soạn thảo và gửi tài liệu phục vụ họp đúng thời gian quy định.

 

 

Nguyễn Thị Ngọc Thương - Trường Chính trị Bến Tre