Hiệu quả mô hình trữ nước ngọt ở huyện Giồng Trôm

04/03/2024

Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại do hạn, mặn ở các năm trước, nhiều nông dân ở xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm đã chủ động trữ nước ngọt sử dụng cho sinh hoạt, trồng trọt và chăn nuôi như: đào ao, xây bể bê-tông, mua túi nhựa/phi nhựa,… Trong những biện pháp đó thì mô hình đào ao phủ bạt trữ nước ngọt và trữ nước ngọt trong ao, mương vườn đang được nhiều hộ dân áp dụng trong nhiều năm nay, để không bị động trong việc phòng hạn, mặn gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế.

Anh Nguyễn Vĩnh Nghi và ao phủ bạt trữ ngọt

 

Với mô hình đào ao phủ bạt trữ nước ngọt, nhiều năm qua đã đem lại hiệu quả cao trong việc ứng phó với hạn mặn, giúp người dân ổn định sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Một trong những hộ dân tại xã Hưng Lễ áp dụng mô hình đào ao phủ bạt trữ nước ngọt đó là hộ gia đình anh Nguyễn Vĩnh Nghi, ấp Cái Da. Gia đình anh kinh doanh cây kiểng hàng năm với số lượng tại vườn khoảng 500 cây kiểng và chăn nuôi dê. Chịu ảnh hưởng của hạn, mặn năm 2015-2016, thiếu nước ngọt để tưới kiểng, nhiều cây kiểng bị chết gây thiệt hại về kinh tế, gia đình mua nước ngọt với số lượng lớn tốn nhiều chi phí. Để chủ động ứng phó với hạn mặn, năm 2019 anh Nghi đã mạnh dạn đào ao phủ bạt trữ nước ngọt với tổng chi phí 50 triệu đồng, ao có chiều ngang 10 m, dài 27 m, mực nước dự trữ cao 3,5 m, chứa khoảng 800 m3 nước, bạt lót có độ bền 20 năm, đầu tư đào ao một lần nhưng sử dụng lâu dài. Đến nay, mô hình đào ao phủ bạt trữ nước ngọt đã đem lại hiệu quả cao, giúp gia đình anh chủ động được nguồn nước ngọt trong việc tưới cây kiểng và chăn nuôi trong suốt mùa hạn mặn nhiều năm qua.

 

Chia sẻ về chủ động ứng phó với hạn mặn trong những năm qua cũng như đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất, chăn nuôi, anh Nguyễn Vĩnh Nghi cho biết: “Với số lượng cây kiểng hàng năm khỏang 400 - 500 cây, cùng với kết hợp nuôi dê, thì những năm trước nước dùng không đủ nên tôi quyết định đào cái ao để phục vụ. Cái ao này bề ngang là 10 m, bề dài là 27 m, sâu 3,5 m, với số lượng nước là khoảng 7 đến 800 khối. Lượng nước này để phục vụ tưới cây kiểng hàng năm, nói chung thì mấy năm nay đủ phục vụ cho gia đình và chăn nuôi, trồng cây”.

 

Với mô hình trữ nước ngọt trong ao, mương vườn cũng được nhiều hộ dân áp dụng trong nhiều năm nay, trong đó có hộ gia đình ông Phạm Văn Nang, ấp Cái Da. Chịu ảnh hưởng của hạn mặn từ những năm trước, mùa khô kết hợp với việc xâm nhập mặn, gia đình ông Nang thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, phải đi mua nước ngọt tốn nhiều chi phí nhưng vẫn không đủ để sử dụng trong sinh hoạt, tưới hoa kiểng và hoa màu của gia đình. Năm 2017, bằng sự quyết tâm và tính toán tỉ mỉ, ông đã bỏ ra số vốn hơn 05 triệu đồng làm mới và đào sâu ao mương trong vườn nhà. Nhưng để tích trữ nước ngọt được nhiều và chủ động lượng nước, ông đã thiết kế ao trữ nước ngọt khá lớn với chiều dài 27 m, ngang 10 m và mực nước dự trữ  sâu 1,5 m. Mô hình này đã mang lại hiệu quả, ông không còn lo lắng thiếu hụt nước ngọt như trước mà còn cho các hộ dân xung quanh đến lấy nước sử dụng. Chủ động nguồn nước ngọt dồi dào, vườn cây kiểng và hoa màu của gia đình ông Nang luôn xanh tươi, phát triển tốt, không còn nỗi lo thiếu nước ngọt trong mùa hạn mặn.

 

Anh Nguyễn Vĩnh Nghi sử dụng nước tích trữ trong ao để tưới cây kiểng

 

Chia sẻ về mô hình đào ao trữ nước ngọt, ông Phạm Văn Nang là thương binh ¾, ấp Cái Da cho biết: “Năm 2016 nước hạn mặn kéo dài, cuộc sống sinh hoạt khó khăn, tưới cây, tưới tiêu không có nước tưới, ở trên cho nước rồi phải xếp hàng, xin chở từng thùng về. Thấy khó khăn quá nên năm 2017 tôi mới quyết định với gia đình đào cái ao này, mướn kobe đào, lúc đó số tiền khoảng trên 05 triệu, đào cái ao này bề ngang 10 m, bề dài 27 m, đào sâu xuống khoảng 1,5 m. Có được cái ao nước này tôi dùng để tưới cây và rau màu. Rồi bà con chung quanh đây có tưới mai qua mùa khô này thì cũng lại đây cho bà con người ta xách về người ta tưới. Nói chung thì tôi thấy cái ao này rất là có hiệu quả”.

 

Theo dự báo, tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm nay cao hơn so với trung bình nhiều năm, nên từ đầu năm 2023, xã Hưng Lễ đã đề ra kế hoạch ứng phó, chủ động trước xâm nhập mặn nhằm giảm tác động của hạn mặn đến đời sống, sản xuất của người dân. Ông Nguyễn Công Trận, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lễ, cho biết: “Địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, nhận được các kế hoạch và chủ trương của trên để xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, để ngăn mặn, trữ ngọt. Chúng tôi cũng làm công tác tuyên truyền, vận động tất cả bà con trên địa bàn xã Hưng Lễ, xuống tới tổ nhân dân tự quản để tuyên truyền việc trữ nước ngọt để đảm bảo trong mùa hạn mặn. Hiện nay tình hình hạn mặn xảy ra rất là cấp bách, đến giờ này thì bên trong cống là khoảng 2,1 phần ngàn, bên ngoài thì 8 - 9 phần ngàn. Qua quá trình phát động ở trên thì phải nói bà con tự ý thức rất là cao, xây dựng các ống hồ, rồi túi chứa nước để đảm bảo, đặc biệt là cái mô hình trữ nước ngọt của hộ anh Nguyễn Vĩnh Nghi, đây là mô hình rất quan trọng đối với ấp 8 và ngoài ra ở tất cả ở các cái ấp khác để trữ nước ngọt tưới tiêu và sinh hoạt hàng ngày để đảm bảo cho mùa hạn mặn”.

 

Ông Phạm Văn Nang và ao trữ ngọt

 

Để hạn chế tình trạng thiếu nước ngọt do hạn mặn, các địa phương, các hộ dân đã áp dụng nhiều biện pháp khắc phục khác nhau. Đặc biệt, những hộ dân có diện tích đất lớn thường áp dụng biện pháp đào ao trữ nước, đào ao phủ bạt để trữ nước ngọt, tuy giá thành cao nhưng có thể dùng được lâu dài mà không cần tốn chi phí mua nước ngọt. Mô hình “đào ao trữ nước” là một trong những mô hình mang tính bền vững, ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay; qua đó góp phần giúp cho các hộ dân yên tâm sản xuất, chăn nuôi vào mùa khô hạn trong thời gian tới.

 

Thúy Vân - Kim Phụng