HĐND tỉnh khai mạc phiên giải trình về thực hiện chính sách ưu đãi phát triển vùng nguyên liệu dừa sạch

11/12/2024

Ngày 11-12-2024, Thường trực HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng phát triển vùng nguyên liệu dừa sạch và hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dừa tỉnh Bến Tre”.

Chủ trì phiên giải trình. Ảnh: Phương Thảo

 

 Quyền Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Quang Triệu, Lê Văn Khê chủ trì.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Nguyễn Văn Đảm, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh, đại diện một số hợp tác xã, doanh nghiệp tham dự.

Quyền bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến phát biểu khai mạc. Ảnh: Trần Quốc

 

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến cho biết, dừa là cây trồng truyền thống, cây công nghiệp chủ lực quốc gia và giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh nhà, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Qua đó, đã góp phần nâng cao vị thế của cây dừa và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng dừa. Hiện nay, việc sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ, xây dựng mã vùng trồng xuất khẩu, liên kết sản xuất và tiêu thụ là yêu cầu, là điều kiện bắt buộc cho xuất khẩu sản phẩm từ dừa ra thế giới.

Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 21-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 3003/KH-UBND, ngày 1-6-2021 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, mục tiêu đến năm 2025, xây dựng vùng sản xuất dừa hữu cơ đạt diện tích 20 ngàn ha. 
Đến nay, toàn tỉnh xây dựng vùng dừa sản xuất hữu cơ tập trung 20.401ha chiếm 25,7% tổng diện tích dừa của tỉnh; trong đó, diện tích được chứng nhận sản xuất hữu cơ 12.979ha theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.

Ngày 5-7-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo đó, quy định một số chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết. Hỗ trợ xây dựng hạ tầng phục vụ liên kết. Hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn kỹ thuật, giống, vật tư, bao bì, nhãn, mác sản phẩm và HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND, ngày 8-12-2021 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể: Hỗ trợ thành lập mới, củng cố HTX. Đào tạo nâng cao năng lực HTX, THT. Hỗ trợ lao động trẻ về làm việc tại các HTX. Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Hỗ trợ kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm.

Tuy nhiên, qua kết quả giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, hầu hết, các vùng sản xuất hàng hóa dừa tập trung, vùng sản xuất dừa hữu cơ chưa nhận được đúng, đủ các chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, do chưa xây dựng được các dự án liên kết.

Một bộ phận HTX chỉ nhận được một số các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND như: Thành lập mới, củng cố HTX; đào tạo nâng cao năng lực HTX, THT; hỗ trợ lao động trẻ về làm việc tại các hợp tác xã; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, chính sách hỗ trợ phát triển HTX chưa phát huy tốt do năng lực của một bộ phận không nhỏ HTX còn yếu kém, chưa đáp ứng được điều kiện tiếp nhận chính sách hỗ trợ.

Đại biểu tham dự phiên giải trình. Ảnh: Trần Quốc

 

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh hại dừa còn diễn biến khá phức tạp. Sâu đầu đen hại dừa, bọ cánh cứng hại dừa, bọ vòi voi, bệnh nấm trắng gây rụng trái non, làm giảm năng suất, chất lượng trái dừa.

Quy trình phòng trừ tổng hợp dịch hại trên cây dừa chưa được người trồng dừa áp dụng tốt để kiểm soát sâu, bệnh dừa có hiệu quả, nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất hữu cơ.

Một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu chưa thực chất coi trọng sản xuất hữu cơ, chứng nhận sản phẩm hữu cơ còn mang tính hình thức để DN đối phó với rào cản kỹ thuật của thị trường; trong vùng sản xuất dừa hàng hoá tập trung có liên kết sản xuất - chế biến - xuất khẩu trên địa bàn không có xây dựng dự án liên kết trình cấp thẩm quyền phê duyệt để có cơ sở pháp lý điều hành thực hiện và hỗ trợ kinh phí, xây dựng vùng sản xuất.

Xuất phát từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy việc tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng phát triển vùng nguyên liệu dừa sạch và hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dừa tỉnh Bến Tre là cần thiết.

Thông qua hoạt động giải trình sẽ giúp cho các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức, cá nhân có liên quan phân tích, đánh giá một cách toàn diện, khách quan về những mặt làm được; hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân; làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Từ đó đề xuất giải pháp để thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, đầu tư xây dựng phát triển vùng nguyên liệu dừa sạch và hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dừa của tỉnh trong thời gian tới.

Để phiên giải trình đạt chất lượng theo mục đích, yêu cầu đề ra, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến đề nghị: Thành viên Thường trực HĐND, đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm với cử tri và nhân dân, mạnh dạn đặt câu hỏi yêu cầu giải trình.
Nội dung câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề và phải xoay quanh chủ đề của phiên giải trình ngày hôm nay. Nếu đại biểu chưa đồng ý với câu trả lời thì tiếp tục đặt vấn đề đối với những nội dung chưa đồng ý.

Lãnh đạo các cơ quan được Thường trực HĐND, đại biểu HĐND tỉnh yêu cầu giải trình có trách nhiệm báo cáo, giải trình ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, nêu rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể và phải đưa ra giải pháp, lộ trình giải quyết vấn đề cụ thể để Thường trực HĐND tỉnh, đại biểu, cử tri toàn tỉnh có điều kiện theo dõi, giám sát việc thực thi.

Việc tranh luận nhằm làm rõ vấn đề trong phiên giải trình là cần thiết. Tuy nhiên, tôi đề nghị sự tranh luận phải trên tinh thần xây dựng, khách quan, hướng đến sự đồng thuận, tìm ra giải pháp giải quyết khả thi nhất.

Sau phiên giải trình hôm nay, giao cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tham mưu Thường trực HĐND tỉnh có văn bản báo cáo kết quả về các vấn đề được giải trình làm cơ sở để các ngành, đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện và là cơ sở để Thường trực HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh giám sát kết quả triển khai thực hiện...

Theo baodongkhoi.vn