Đưa phong trào thi đua “Đồng khởi mới” đi vào thực chất

28/03/2022

Đưa phong trào thi đua “Đồng khởi mới” đi vào thực chất

1. Năm 2021, năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và hơn 01 năm toàn Đảng bộ tỉnh tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU, ngày 17/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XI về “Phát động Phong trào thi đua “Đồng Khởi mới" giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Chỉ thị số 01-CT/TU); qua hơn 01 năm thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU, có thể đánh giá, phong trào thi đua “Đồng khởi mới" thật sự đã trở thành 01 nhiệm vụ trọng tâm, được các cấp ủy dồn nhiều tâm sức lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, tạo được sự đồng thuận cao, tích cực hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh với tinh thần “Đồng thuận - Sáng tạo" theo chủ đề Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2021; nhiều nơi xác định nội dung thi đua “Hai chân - Ba mũi" bằng những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp khá cụ thể, bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, một số nơi đã xây dựng được nhân tố điển hình trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; đặc biệt là trong đợt cao điểm thi đua “Đồng khởi mới" trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Kế hoạch số 4189/KH-UBND, ngày 20/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Những kết quả trong năm 2021 cho thấy hiệu ứng tích cực và tác động của phong trào thi đua “Đồng khởi mới" đối với quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, của tập thể và cá nhân. Đây là động lực để tiếp tục hiện thực hoá khát vọng xây dựng, phát triển quê hương Bến Tre ngày càng phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

​Tuy nhiên, như nhận định, đánh giá của Tỉnh ủy tại Hội nghị lần thứ 7 tổng kết việc thực hiện Nghị quyết và Chỉ thị số 01-CT/TU năm 2021, kết quả phong trào thi đua “Đồng Khởi mới" chưa đạt như mong đợi: Công tác tuyên truyền, phát động, tuy có nhiều nỗ lực, nhưng chưa thật sự tạo được sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng. Tinh thần “Đồng khởi" chưa được phát huy mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; chưa thật sự tạo được khí thế thi đua “Đồng Khởi mới" theo phương châm “Hai chân - Ba mũi" trong giai đoạn mới. Một số nơi phong trào chỉ mới dừng lại trong hệ thống chính trị, chưa lan tỏa, chưa thật sự là phong trào sâu rộng của Nhân dân. Công tác triển khai quán triệt và cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU ở một số đơn vị, địa phương còn chậm so với yêu cầu và chưa thật sự đồng bộ ở các cấp, các ngành. Tinh thần “ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua, người người thi đua" với tinh thần “Đồng khởi mới" nhiều nơi chưa xác định rõ nội dung, tiêu chí để quán triệt và triển khai thực hiện, nên còn lúng túng trong việc chọn xây dựng “Điển hình" để thực hiện phương thức thi đua “Học tập - Bắt kịp - Vượt qua". Việc theo dõi, phát hiện nhân tố mới để bồi dưỡng xây dựng điển hình và nhân rộng chưa thường xuyên; công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và các tổ chức chính trị - xã hội (CT - XH) các cấp chưa thường xuyên, thiếu cụ thể,...

2. Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2022 xác định: “Tiếp tục khơi dậy và lan tỏa mạnh mẽ phong trào thi đua “Đồng khởi mới" trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội; triển khai thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU bằng các nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm tạo sự đồng thuận cao, nhận thức đầy đủ, nắm vững tinh thần, nội dung thi đua từng cơ quan, đơn vị, địa phương; khơi dậy và phát huy ý chí, khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm đưa phong trào thi đua đi vào thực chất" (Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 06/12/2021 của Tỉnh ủy).

 Để đưa phong trào thi đua “Đồng khởi mới" đi vào thực chất và đạt hiệu quả thiết thực, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần thống nhất nhận thức và tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Trước hết, tập trung tuyên truyền nội dung, kết quả đạt được và những hạn chế trong thực hiện Chỉ thị 01-CT/TU, nhằm cổ vũ, động viên phong trào thi đua “Đồng Khởi mới" lan tỏa sâu, rộng trong Nhân dân, nhất là đẩy mạnh việc tuyên truyền, phát động trong toàn lực lượng đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia bằng những hành động cụ thể thiết thực, hiệu quả. Phong trào chỉ phát triển sâu, rộng, đạt hiệu quả cao một khi có sự đồng thuận, hưởng ứng và tham gia của đông đảo Nhân dân, thật sự là phong trào của Nhân dân. MTTQVN, các tổ chức CT - XH, hội quần chúng các cấp phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nhằm đạt mục tiêu giúp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân: Hiểu đúng - Nhận thức sâu - Đồng thuận cao - Tích cực hưởng ứng thực hiện, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng, đồng bộ và liên tục, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Thứ hai, việc chọn nội dung thi đua theo phương châm “Hai chân - Ba mũi" phải bám sát chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, “Hai chân" là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, “Ba mũi" là những giải pháp đột phá nhằm thực hiện đạt kết quả mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm ấy; nội hàm “Hai chân - Ba mũi" phải được xác định phù hợp với từng ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, không rập khuôn, sao chép; có thể thực hiện xuyên suốt trong một vài năm hoặc cả nhiệm kỳ; hay thay đổi mỗi năm, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Vấn đề là chọn nội dung phải mang tính trọng tâm, đột phá, không dàn trãi, lĩnh vực nào cũng có.

Thứ ba, việc chọn nội dung thi đua đúng, trúng chỉ mới là điều kiện “cần"; vấn đề là làm sao triển khai phương thức thi đua phù hợp, đây là điều kiện “đủ" của phong trào thi đua “Đồng khởi mới"; phương thức thi đua được xác định trong Chỉ thị số 01-CT/TU chính là phương châm “Học tập 'điển hình', bắt kịp 'điển hình', vượt qua 'điển hình'". Do vậy, khi triển khai thực hiện các nội dung thi đua (“Hai chân - Ba mũi"), thì việc quan trọng phải làm là tiến hành chọn, xây dựng cho được “điển hình" trên từng lĩnh vực và từ “điển hình" đó, phải được xác định thành hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí để các tập thể, cá nhân còn lại làm cơ sở thi đua “Học tập, bắt kịp, vượt qua".

Định kỳ, khi tiến hành sơ kết, đánh giá, không chỉ đánh giá kết quả thực hiện nội dung thi đua (“Hai chân - Ba mũi"), mà còn phải đánh giá kết quả xây dựng “điển hình" và việc thực hiện phương thức thi đua “Học tập - Bắt kịp - Vượt qua".

Thứ tư, phong trào thi đua “Đồng khởi mới" cần được quan tâm đổi mới hình thức, phương pháp, cách thức tiến hành theo hướng cụ thể, hiệu quả, sáng tạo, tạo  sự lan tỏa, cảm hứng hành động, thôi thúc cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng và có những đóng góp thiết thực. Từng nơi phải có kế hoạch phát động phong trào thi đua hàng năm, chọn nội dung, trọng tâm thi đua một cách cụ thể. Từng lĩnh vực chọn và tập trung xây dựng “điển hình" để làm cơ sở cho việc triển khai phát động phong trào. Thước đo của kết quả phong trào thi đua phải cụ thể và thiết thực, đóng góp rõ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Quá trình thực hiện cần kịp thời phát hiện các nhân tố mới, có cách làm sáng tạo, hiệu quả để biểu dương, khen thưởng và nhân rộng.

Tóm lại, có thể coi phong trào thi đua “Đồng khởi mới" là một giải pháp quan trọng nhằm huy động sức mạnh tổng hợp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, cả trong và ngoài tỉnh vào quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh; do vậy, từ việc tổ chức phát động, đến cách thức thi đua phải hết sức sáng tạo, thực chất và kết quả thi đua phải được lượng hóa, đánh giá được hiệu quả, tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Kiên quyết khắc phục tình trạng hình thức, đối phó, kiểu “đầu voi đuôi chuột",... Từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân tỉnh nhà phải xem thi đua “Đồng khởi mới" vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm lớn lao để đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương./.

Bùi Văn Bia, UVBTVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy