Đảng ta thật vĩ đại!
04/02/2025
Năm 1960, kết thúc bài phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!”. Đây là nhận định sâu sắc về bản chất và sự cống hiến to lớn của Đảng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Sự vĩ đại của Đảng được lịch sử oanh liệt và hào hùng của dân tộc minh chứng một cách hùng hồn và không thể đảo ngược. Hôm nay, qua chặng đường phấn đấu và trưởng thành tròn 95 năm, với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, qua những thăng trầm của lịch sử, dưới ánh sáng tư tưởng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta vẫn tiếp tục khẳng định: “Đảng ta thật là vĩ đại!”. Sự vĩ đại ấy không chỉ được tạo nên bằng những chiến công hiển hách của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà còn ở bản lĩnh, sự hy sinh, tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc và tinh thần dũng cảm, thái độ kiên quyết của Đảng đối với những biểu hiện của “giặc nội xâm” để luôn “xứng đáng là lãnh đạo và là đày tớ thật trung thành của Nhân dân”, là một lực lượng chính trị duy nhất “có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, vững tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
Giai đoạn nửa cuối thể kỷ thứ XIX, sự bảo thủ và nhu nhược của triều đình nhà Nguyễn đã “tạo cơ hội” cho thực dân Pháp xâm lược nước ta. Với chính sách độc quyền về kinh tế, chuyên chế về chính trị và ngu dân, nô dịch về văn hóa - xã hội, thực dân Pháp đã biến nước ta trở thành “một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác” . Mặc dù triều đình nhà Nguyễn bạc nhược, từng bước đầu hàng và làm tay sai thực dân Pháp, nhưng với lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất, Nhân dân ta vẫn liên tục đứng lên chống thực dân Pháp và bọn tay sai. Tuy nhiên, tất cả bị dìm trong bể máu. Phong trào Văn Thân, phòng trào Cần Vương và phong trào Nông dân thất bại đã nói lên truyền thống và kinh nghiệm lịch sử đã tỏ ra lạc hậu trước kẻ thù mới; từ đó đã chấm dứt vai trò lãnh đạo của giai cấp địa chủ phòng kiến. Phong trào Dân chủ tư sản thất bại, đánh dấu sự tan rã của xu hướng cách mạng tư dân chủ trư sản, sự bất lực của tư tưởng tư sản và vai trò của giai cấp tư sản Việt Nam. Lịch sử đặt ra và đòi hỏi phải có một đường lối cách mạng đúng đắn và một tổ chức tiên phong cách mạng có khả năng lãnh đạo đưa phong trào yêu nước đi đến thắng lợi.
Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tức là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã ra đi tìm con đường mới cho sự nghiệp cứu nước, đấu tranh giành độc lập dân tộc. Với khát vọng lớn lao, cháy bỏng, ý chí, nghị lực phi thường và tư duy nhạy bén, sáng tạo, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn - con đường cách mạng vô sản và từng bước truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc thành lập một đảng cách mạng chân chính. Ngày 3/2/1930, Hội nghị họp ở bán đảo Cửu Long, thuộc Hồng Kông (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đã quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản ở nước ta thành một Đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đây là một bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về tổ chức và đường lối của cách mạng Việt Nam, đáp ứng đòi hỏi của lịch sử, yêu cầu của cách mạng và nguyện vọng cháy bỏng của dân tộc.
Trong Hội nghị thành lập Đảng, trên cơ sở “lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc” và sự sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng “… chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Với đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo đó, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do , xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi vĩ đại ấy đã mở ra trong lịch sử dân tộc bước ngoặt lớn, đem lại cho cách mạng Việt Nam thế và lực mới. Song, nước ta đứng trước những thử thách hết sức nghiêm trọng của “giặc dốt”, “giặc đói”, “giặc ngoại xâm”. Vận mệnh của quốc gia dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Khát vọng độc lập, tự do cả dân tộc bị thách thức nghiêm trọng. Với tinh thần hòa hiếu và mong muốn “hòa bình”, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện các hoạt động ngoại giao đầy thiện chí, hợp tác, “hòa bình” và “nhân nhượng”, thậm chí quyết định “tự giải tán” Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 11/11/1945 (thực chất là Đảng rút vào hoạt động bí mật) để hạn chế tới mức thấp nhất sự phá hoại của các lực lượng phản động, giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ. “Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”. Trước âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, Đảng ta đã quyết định “phải đứng lên!” chiến đấu “để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Với đường lối kháng chiến sáng suốt: “Toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính”, Đảng đã lãnh đạo toàn dân trường kỳ kháng chiến chống bọn phản động thực dân Pháp kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Tuy nhiên, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, thực hiện mâm mưu toàn cầu, đế quốc Mỹ từng bước phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau: miền Bắc hoàn toàn độc lập, quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. Trước tình hình đó, bằng bản lĩnh và sự sáng tạo độc đáo, Đại hội lần thứ III của Đảng tháng 9-1960 xác định đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng hai miền: “Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước. Hai nhiệm vụ chiến lược ấy có quan hệ mật thiết với nhau và có tác dụng thúc đẩy lẫn nhau”. Đường lối sáng suốt đó đã tập hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp, làm thất bại các chiến lược quân sự của đế quốc Mỹ, “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, bằng đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành khát vọng giải phóng dân tộc.
Sau chiến thắng vĩ đại ấy, đất nước hiên ngang tiến vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển. Đảng lãnh đạo cả nước thống nhất từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, hình thành bước đầu cơ cấu kinh tế mới và cải thiện một bước đời sống của Nhân dân và tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và làm tròn nghĩa vị quốc tế đối với Lào và Campuchia. Tuy nhiên, “Đảng đã phạm sai lầm chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan: Nóng vội trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ ngay nền kinh tế nhiều thành phần, có lúc đẩy mạnh quá mức việc xây dựng công nghiệp nặng, duy trì quá lâu cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp…”. Nước ta rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Đảng đã dũng cảm vượt thắng những áp lực không hề nhỏ từ nhiều phía, “nhìn thẳng vào sự thật” và quyết tâm đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy. Với việc tiến hành đổi mới toàn diện, Đảng ta đã thể hiện rõ trách nhiệm trước dân tộc, khẳng định bản lĩnh chính trị của mình trong sự nghiệp cách mạng. Kiên định và dựa chắc trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phân tích khách quan, khoa học tình hình thế giới và trong nước, Đảng đã đề ra đường lối đổi mới và chỉ đạo thực hiện đường lối với bước đi và cách làm phù hợp, bảo đảm cho công cuộc đổi mới phát triển đúng hướng, có hiệu quả, tạo ra bước đột phá lớn và toàn diện, đem lại luồng sinh khí mới trong xã hội, làm xoay chuyển tình hình, đưa đất nước tiến lên. Đến nay, những thành tựu sau gần 40 năm đổi mới, “đã làm thay đổi căn bản, toàn diện đất nước. “Năm 2024, tăng 7,09% so với năm 2023; quy mô đạt khoảng 476,3 tỷ USD… Thu nhập bình quân đầu người đạt 4.700 USD. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2024 đứng hạng 54, tăng 11 bậc so với năm 2023; và xét ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng hạng 6”. “Giá trị thương hiệu quốc gia đạt 507 tỷ, xếp thứ 32/193 nước. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp hạng 44/132 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Chỉ số phát triển bền vững (SDGs) xếp thứ 54/166 quốc gia, vùng lãnh thổ”. “Các lĩnh vực văn hóa đều có bước phát triển mới, góp phần vào sự phát bền vững của đất nước”. “Tiềm lực, lực lượng và thế trận quốc phòng, an ninh được tăng cường, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc… Lĩnh vực đối ngoại đã phá vở được thế bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch trên thế giới; phát triển quan hệ ngoại giao với 194 nước là thành viên của liên hiệp quốc…”. Nước ta “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, chủ động trong cộng đồng quốc tế” và “chưa bao giờ đất nước có cơ đồ, vị thế, sức mạnh và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta đạt được sau 40 năm đổi mới đã trở thành động lực to lớn để Đảng khơi dậy niềm tự hào, tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường dân tộc và lãnh đạo Nhân dân ta vững bước tiến vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên đột phá, phát triển tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa quốc gia, dân tộc lên một tầm cao mới, tiến cùng thời đại, “thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao; vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập trên cơ sở kết hợp của chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của Nhân dân ta. Từ khi ra đời và xuất hiện trên vũ đài chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tỏ rõ là “một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”, có sức hội tụ lớn nhất mọi sức mạnh của dân tộc, của giai cấp và thời đại, sớm trở thành đội tiên phong của giai cấp và của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến và đưa đất nước vượt qua nhiều gian khó, từng bước quá độ vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Đó là những “tố chất” cơ bản tạo nên sự vĩ đại của Đảng. Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Thực tiễn phong phú và sinh động của cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng đến nay đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Mặt khác, thông qua quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của Nhân dân. Thực tiễn đó đã khẳng định một chân lý: “Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Chính trong quá trình đó, Đảng ta đã hun đúc nên những truyền thống vẻ vang để hôm nay chúng ta tự hào và có trách nhiệm phải ra sức giữ gìn và phát huy. Đó là truyền thống trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp; giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối; nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; gắn bó máu thịt giữa Đảng và Nhân dân; đoàn kết thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ và đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng: Dù thời cuộc có nhiều biến động, thế giới có nhiều đổi thay, thăng trầm, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang và tiếp tục là lực lượng chính trị duy nhất có đủ bản lĩnh, vị thế, trí tuệ, năng lực, uy tín để lãnh đạo Nhân dân Việt Nam thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, theo con đường xã hội chủ nghĩa trong kỷ nguyên phát triển mới mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Sự vĩ đại của Đảng được lịch sử dân tộc minh chứng một cách hùng hồn và không thể đảo ngược. Mọi sự xuyên tạc về vai trò, vị trí, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam đều là lạc lõng, hoàn toàn không có giá trị và bị chính thực tiễn bác bỏ.
ThS Phan Văn Thuận - Trường Chính trị