Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn thảo luận tại kỳ họp Quốc hội
31/05/2024
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng ngày 29/5/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: (1) Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; (2) Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; (3) Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của nước ta trong những tháng đầu năm 2024. Đại biểu cho rằng với sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các cấp chính quyền địa phương, bức tranh chung về kinh tế - xã hội nước ta có rất nhiều điểm sáng về tốc độ tăng trưởng kinh tế, kết quả thu ngân sách, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm quốc gia,... Về giải pháp cho 06 tháng cuối năm 2024, Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu lên các giải pháp rất toàn diện, bao trùm tất cả các lĩnh vực và có nhiều điểm mới mà theo đại biểu, nếu triển khai thực hiện đúng như thế thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chắc chắn sẽ “về đích”, đạt được mục tiêu của năm 2024 mà Quốc hội đã đề ra.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre thảo luận tại hội trường sáng ngày 29/5/2024
Qua nghiên cứu các Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, xuất phát từ tình hình thực tiễn của địa phương và nguyện vọng của cử tri, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề xuất Quốc hội, Chính phủ quan tâm thêm một số vấn đề sau:
Đối với vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, qua tiếp nhận kiến nghị của cử tri, ý kiến của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu thấy rằng nước sạch là vấn đề vô cùng quan trọng, là mặt hàng thiết yếu trong đời sống sinh hoạt của người dân cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tình trạng hạn, mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra nhiều năm và ngày càng trở nên rất khắc nghiệt. Mặc dù trong những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, nguồn lực đầu tư phân bổ cho Đồng bằng sông Cửu Long khá lớn và liên tục tăng, tuy nhiên, vẫn chưa giải quyết được tình trạng thiếu nước ngọt trong mùa hạn mặn của khu vực. Theo đại biểu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt hiện nay đã không còn là vấn đề riêng của Đồng bằng sông Cửu Long mà đang là khó khăn, thách thức chung của cả nước. Vì vậy, cần có sự chung tay của cả nước với quyết tâm cao hơn, giải pháp mạnh mẽ hơn, thực hiện quyết liệt hơn các chương trình, dự án, kế hoạch,... đang có để giảm thiểu tác động của tình trạng hạn mặn và từng bước ngăn chặn tình trạng này tái diễn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.
Liên quan đến phòng, chống hạn mặn, một trong những chương trình lớn là dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu (Mekong DPO), theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ và Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về huy động nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và tỷ lệ vay lại vốn vay nước ngoài của các dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay tiến độ vẫn còn chậm. Do các dự án này thực hiện từ nguồn vốn ODA, quy trình, thủ tục đầu tư rất phức tạp, để đẩy nhanh tiến độ, đại biểu đề nghị Chính phủ cũng như các bộ, ngành Trung ương cần thành lập riêng một Tổ công tác để chỉ đạo giải quyết nhanh công việc này. Bởi vì đàm phán với các nhà tài trợ thì không thể để các tỉnh tự làm, một bộ cũng không thể giải quyết được tất cả các vấn đề có liên quan. Đại biểu mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn nữa để khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống hạn mặn hiệu quả hơn và phát triển bền vững trong tương lai.
Về giải pháp huy động nguồn lực để đầu tư phát triển, Chính phủ đề ra giải pháp huy động 100.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đại biểu cho rằng đây là nguồn lực rất lớn để phục vụ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm. Đại biểu đề nghị cần huy động cả nội lực và ngoại lực, thay vì đi vay từ nước ngoài, Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp hiệu quả để huy động ngoại tệ trong dân, vì hiện nay lượng kiều hối trong dân rất lớn, một năm hơn 20 tỷ USD. Thực tế hiện nay người dân trong quá trình giữ đô la thì họ luôn quan sát Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá trung tâm như thế nào, nếu tỷ giá trung tâm càng tăng thì người dân lại càng găm giữ USD. Trong khi lãi suất đô la của chúng ta bằng 0, các nước xung quanh tăng lãi suất đô la thì có thể làm “chảy” dòng đô la của chúng ta từ trong nước ra nước ngoài. Do đó, việc này nên tính toán làm sao để huy động tối đa nguồn lực trong nước phục vụ cho phát triển.
Nguồn: baodongkhoi.vn